[ĐHCĐ 2015] NSC: Sẽ bắt đầu sử dụng vốn vay để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

[ĐHCĐ 2015] NSC: Sẽ bắt đầu sử dụng vốn vay để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

(NDH) Là một doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tốt nhưng trong gần 10 năm hoạt động, NSC gần như không sử dụng vốn vay. Chính sách hỗ trợ tín dụng trong ngành nông nghiệp hiện nay sẽ là cơ hội cho NSC có được nguồn vốn vay ưu đãi.

Sáng ngày 22/4/2015, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 của CTCP Giống Cây trồng Trung ương (Vinaseed, mã NSC- HoSE) đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của đại diện hơn 83% cổ phần có quyền biểu quyết.

Tại Đại hội, nhiều câu hỏi của nhà đầu tư về chiến lược hoạt động của công ty đặc biệt trong mảng gạo; rủi ro, cơ hội khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại; cũng như đánh giá "xu hướng" gần đây khi các đại gia đầu tư vào nông nghiệp đã được ban lãnh đạo NSC trả lời cụ thể.

Đọc thêm: ĐHCĐ NSC: Đã thâu tóm SSC, đặt kế hoạch EPS 2015 đạt 10.000 đồng/cp

Thảo luận tại Đại hội

Cổ đông đại diện quỹ Vietnam Holding: Lĩnh vực kinh doanh gạo của công ty. Trong mảng gạo, nhiều công ty trong ngành nông nghiệp tham gia lĩnh vực này nhưng không thành công. Lý do các công ty thất bại và hướng đi cũng như lợi thế của công ty trong mảng kinh doanh này.

Bà Trần Kim Liên: Nói về thế mạnh của NSC trong lĩnh vực kinh doanh gạo, bà Liên cho biết lợi thế lớn nhất nằm ở việc NSC kinh doanh giống cây trồng và có hiểu biết về giống cũng như việc biết được loại đất này phù hợp giống cây gì. Với lợi thế về đầu vào như vậy, NSC có thể quản lý giám sát được toàn bộ quá trình sản xuất, đảm bảo xây dựng dược gạo tươi, gạo sạch. Sản phẩm của NSC sẽ là loại gạo không sử dụng chất bảo quản, gạo tươi (quá trình từ lúa tới gạo không quá 2 tháng).

Thị trường mà công ty hướng tới là thị trường trong nước dù có rất nhiều công ty mải mê thị trường ngoại nhập. NSC nhắm vào đối tượng trung lưu trở lên. Ở Thái Lan, người dân sử dụng gạo thương hiệu chiếm tới 70% nhưng tại Việt Nam, sản phẩm gạo thường không có chỉ dẫn nguồn gốc. Công ty sẽ tập trung vào gạo chất lượng cao với 4 thương hiệu gạo là các giống độc quyền mà công ty khác không có.

Như vậy, NSC đi vào ngành gạo với vị thế hoàn toàn khác. Công ty sẽ xây dựng chuỗi giá trị chứ không mua gạo về đóng bao để bán. Kênh phân phối qua siêu thị (chính thống), đại lý (NSC đang có 1.200 đại lý, đây là kênh chiếm 80% kênh phân phối đối với mặt hàng gạo hiện nay) và kênh bán hàng online.

Quan điểm của NSC khi nhiều đại gia bước vảo mảng nông nghiệp với lợi thế vốn và kênh phân phối?

Hiện đang có nhiều doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế nếu không có quy mô phù hợp, không đưa nông dân vào sản xuất thì các doanh nghiệp sẽ thất bại.

Do đó NSC không lo lắng về các doanh nghiệp này, công ty sẽ có chiến lược hoàn toàn khác. Công ty sẽ đưa nông dân vào sản xuất, chuyển giao công nghệ. Theo cái nhìn của NSC, nếu như TH True Milk chỉ để nông dân đứng qua hàng rào thì sự phát triển này không bền vững.

Rủi ro thách thức khi hội nhập?

Bà Trần Kim Liên: Nông nghiệp Việt Nam sẽ hội nhập sâu vào Asean (AEC) và TPP, một loạt hiệp định phi thuế quan và sẽ phải đối mặt thách thức. Thách thức lớn nhất đối với công ty rất lớn đến từ trình độ công nghệ, sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ sinh học, chuyển gen.

Tuy nhiên, cơ hội sẽ nằm ở việc kinh tế Việt Nam sẽ buộc phải thay đổi và phải chuyển đổi theo hướng sản phẩm sản xuất phải an toàn, chất lượng sản xuất nâng cao, quy mô phải lớn. Đây sẽ là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp trong ngành giống. Trong quá trình tái cấu trúc nông nghiệp, NSC sẽ tham gia vào chuỗi cung cấp đầu vào, giải pháp để phát triển.

Cổ đông cá nhân: NSC đang cần vốn cho các hoạt động đầu tư, M&A. Vậy mức chi trả cổ tức lớn bằng tiền mặt có là hợp lý. Cổ đông kiến nghị NSC chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để vừa tăng tính thanh khoản cho NSC và giữ lại nguồn tiền mặt thay vì vay nợ, tránh thuế cho các cổ đông…

Bà Trần Kim Liên: Về việc phân phối lợi nhuận, NSC đã cân đối sử dụng dòng tiền để thực hiện kế hoạch của công ty. Mặc dù, các hoạt động M&A dự kiến năm tới 228 tỷ nhưng NSC vẫn quyết định trả cổ tức 30% năm 2014 bằng tiền. Nguyên nhân là do NSC không muốn pha loãng cổ phiếu và điều quan trọng hơn nếu sử dụng vốn vay NSC sẽ khai thác cơ chế chính sách hỗ trợ tín dụng. Công ty cho biết sẽ bắt đầu sử dụng đòn bẩy tín dụng để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn cho nhà đầu tư. Trong gần 10 năm hoạt động, NSC gần như không sử dụng đòn bẩy tín dụng dù các ngân hàng đều sẵn sang cấp gói tín dụng hỗ trợ với lãi suất ưu đãi do NSC có hạng mức tín dụng rất tốt.

Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch công ty cho biết riêng dây chuyền tại Đồng Văn VietinBank đã cho NSC vay 77 tỷ đồng. Công ty cũng cho biết hiện đang có những gói cho vay một phần nông sản được hưởng chương trình Vay trung hạn 3 năm không lãi suất. Vì vậy, công ty sẽ tận dụng nguồn vốn vay, tôn trọng nghị quyết ĐHĐCĐ đã trình năm ngoái và chia trả cổ tức bằng tiền mặt.