[ĐHCĐ 2015] GTN: Thêm ngành buôn gạo, tăng hơn gấp 2 lần vốn để thực hiện M&A

(NDH) Kế hoạch phát hành thêm 75,2 triệu cổ phiếu đã được các cổ đông thông qua. Trong đó có tới 350 tỷ đồng để M&A DN cùng ngành. Mặc dù không nói cụ thể nhưng GTN cho biết đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp nhà nước về nông nghiệp và tiêu dùng.

Sáng ngày 08/05, CTCP Đầu tư và Sản xuất Thống nhất (mã GTN- HoSE) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 với sự tham gia của 18 cổ đông đại diện sở hữu 68.59% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm 2014 tăng trưởng nhưng không hoàn thành kế hoạch đề ra

Cụ thể, doanh thu hợp nhất của GTN đạt 635,5 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng - tăng ấn tượng so với năm 2013, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 86,5 tỷ, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra.

Dự kiến vào quý II tới, GTN sẽ chi trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. Mức cổ tức năm 2015 sẽ tiếp tục duy trì là 10% và vẫn sẽ bằng cổ phiếu.

Về kế hoạch cho năm tới, công ty đặt mục tiêu doanh thu tăng lên 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận 140 tỷ đồng, tăng lần lượt 236,6 % và 55,6%.

Tại Đại hội, một cổ đông đã đặt ra câu hỏi về việc cơ sở nào để GTN đặt kế hoạch doanh thu 2015 là 1.500 tỷ đồng. Ông Tạ Văn Quyền, Tổng Giám đốc của công ty cho biết doanh thu sẽ chủ yếu đến từ hợp nhất các công ty con. Ví dụ Nhựa miền Trung đến thời điểm này có chắc chắn doanh thu 200 tỷ và đến cuối năm có thể đạt 250 tỷ, công ty hạ tầng và công ty tre cũng suýt soát đã đem lại khoảng 650 tỷ doanh thu.

GTN có 7 công ty con, mảng đem lại doanh thu lớn nhất là kinh doanh nông sản. Các công ty còn lại, đặc biệt là mảng thương mại cũng rất có cơ sở để đạt được.

Hiện tại, tre công nghiệp, nông nghiệp, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng là những lĩnh vực chính và cốt lõi của GTN. Với hoạt động cốt lõi của công ty, khả năng kinh doanh vẫn đang có tiến triển tốt. Theo đó, kế hoạch 1.500 tỷ doanh thu trong năm 2015 là đã có căn cứ và nền tảng nhất định.

Chào bán cổ phiếu tỷ lệ 1:1, tăng vốn điều lệ lên 1.500 tỷ đồng

Việc tăng vốn chưa được GTN chốt thời gian cụ thể mà đặt kế hoạch trong thời gian rất dài, 1 năm, từ Quý II/2015 tới Quý II/2016.

Theo kế hoạch này, công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, số lượng 74,8 triệu cổ phiếu. GTN cũng sẽ phát hành 400.000 cổ phiếu cho cán bộ công nhân viên với giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Số vốn huy động được theo kế hoạch sẽ được đầu tư 225,8 tỷ vào công ty con và công ty liên kết bao gồm: CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (43 tỷ), CTCP Xây dựng hạ tầng Thống Nhất (15,3 tỷ), CTCP Tre Công nghiệp Thống Nhất (110 tỷ) và CTCP Nhựa Miền Trung (67,5 tỷ). Còn lại, công ty sẽ dùng 350 tỷ đồng để M&A các doanh nghiệp cùng ngành và bổ sung 176,2 tỷ vào vốn lưu động.

Khi được hỏi về việc M&A doanh nghiệp cùng ngành, hiện GTN đang xúc tiến và lựa chọn 4 doanh nghiệp Nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp và tiêu dùng. Đây đều là những doanh nghiệp có lịch sử truyền thống và doanh thu cao.

Với Vang Đà Lạt (CTCP Thực phẩm Lâm Đồng, HNX: VDL- doanh nghiệp mà mới đây GTN đã tăng tỷ lệ sở hữu lên 35%), GTN sẽ tham gia quản lý, tái cơ cấu và cung cấp vốn để cải thiện hoạt động kinh doanh của công ty.

Cổ đông băn khoăn việc phát hành tăng vốn, giá cổ phiếu giảm

Tuy nhiên, cũng về việc GTN tăng gấp đôi vốn, nhiều cổ đông khác cũng đưa ra ý kiến. Có cổ đông cho rằng việc phát hành cổ phiếu là “mốt” của những công ty mới mà tiềm lực còn khiêm tốn. Giá cổ phiếu trên sàn đã xuống rất mạnh, cổ phiếu mang tính đầu cơ nhiều quá. Cổ đông này đã yêu cầu công ty giải thích rõ kế hoạch sử dụng vốn từ đợt phát hành.

Cùng vấn đề này, một cổ đông khác đặt câu hỏi rằng công ty có nên dừng việc tăng vốn lại do giá cổ phiếu GTN gần đây đã giảm quá mạnh, xuống đến gần 10,000 đồng/cp. Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mặc dù không đầu tư lượng cổ phiếu lớn nhưng việc mua vài chục nghìn cổ phiếu với mức giá 21,000 đồng/cp sau đó giảm xuống gần 10,000 đồng/cp cũng là một khoản thua lỗ lớn.

Trả lời các cổ đông này, ông Nguyễn Trí Thiện- Chủ tịch của công ty cho biết, hiện tại công ty không có áp lực vốn đối với hoạt động kinh doanh. Việc tăng vốn được công ty đề ra chủ yếu phục vụ M&A và đầu tư vào công ty liên kết. Chính vì thế nên thời gian thực hiện dự kiến đến 1 năm. Công ty sẽ có kế hoạch cụ thể tùy theo diễn biến của thị trường.