9h22:Báo cáo kiểm tra tư cách cổ đông cho thấy có 109 cổ đông đại diện cho 67,24% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.
9h43: Ông Phạm Đình Khoa, Chủ tịch HĐQT báo cáo về hoạt động quản lý năm 2014 và kế hoạch kinh doanh năm 2015.
Năm 2014, xu thế xây dựng bất động sản còn khó khăn. Fecon đã nỗ lực vượt khó và thành công trong việc kết nối với đối tác nước ngoài, đặc biệt là mảng hạ tầng, công trình ngầm.
Về kết quả kinh doanh chính của năm 2014, doanh thu hợp nhất đạt 1.354 nghìn tỷ đồng, tăng 23% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế đạt 135 tỷ đồng, tăng 16,3%. Đến cuối năm 2014, Fecon có tổng tài sản 2.198 nghìn tỷ đồng, tăng 26%. Công ty cũng đã phát hành cổ phiếu ESOP tăng vốn điều lệ lên 457 tỷ đồng.
Số thành viên công ty đã tăng từ 7 lên 10 thành viên.
Công ty đã xây dựng nhà máy cọc quy mô lớn tại Nghi Sơn, tăng thêm nhiều nhà cung cấp tại miền Bắc và miền Nam. Tăng cường liên doanh với các đối tác nước ngoài, thành lập một liên doanh cho thuê thiết bị xây dựng trong đó có đối tác Nhật Bản tham gia.
Về thoái vốn, Công ty đã chuyển nhượng vốn tại Fecon Nghi Sơn cho Fecon Mining nhằm tập trung vốn sản xuất.
Về huy động vốn, Công ty đã phát hành gần 2 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Fecon cũng phát hành trái phiếu chuyển đổi cho Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) trị giá 195 tỷ đồng.
Về định hướng hoạt động 2015, năm nay triển vọng tươi sáng hơn.
Công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 1.800 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2014; lợi nhuận hợp nhất đạt 168 tỷ đồng, tăng 24%; cổ tức dự kiến 10%.
Fecon đặt mục tiêu tiếp tục phát triển mảng công trình ngầm, hạ tầng. Liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài để tạo sự phát triển đột phá trong năm 2017.
Công ty cũng sẽ tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập với doanh nghiệp cùng nghề để mở rộng hoạt động.
Công ty đặt kế hoạch là đối tác tốt nhất của nhà đầu tư nước ngoài.
10h08: Ban Kiểm soát báo cáo. Ông Phùng Tiến Trung, Trưởng ban Kiểm soát, cho biết với sự nỗ lực của Ban Tổng giám đốc trong điều kiện kinh tế khó khăn, công ty tăng trưởng chậm vào đầu năm nhưng đã tăng trưởng mạnh lên về cuối năm, đặc biệt là quý 4/2014.
10h18: HĐQT công bố Tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2014:
Tính đến ngày 31/12/14, lợi nhuận chưa phân phối của công ty đạt 117,4 tỷ đồng. HĐQT trình ĐHCĐ phê duyệt việc chia cổ tức 10%, tương đương 47,7 tỷ đồng, cho năm 2014.
Công ty cũng dự định trích 10% cho quỹ đầu tư phát triển và 10 cho quỹ khen thưởng.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2015, lợi nhuận sau thuế hợp nhất dự kiến đạt 215,5 tỷ đồng. Công ty dự kiến sẽ chia cổ tức 10% bằng tiền mặt, ngoài việc trích 10% cho quỹ đầu tư phát triển và không quá 10% cho quỹ khen thưởng.
10h55: Phần thảo luận
Cổ đông: Công ty đã đầu tư vào 10 công ty, trong đó có một số công ty mới. Hiệu quả đầu tư vào các công ty mới như thế nào?
Ông Phạm Đình Khoa: Năm 2014, Fecon đặt ra kế hoạch mới là đến năm 2020 sẽ trở thành công ty hàng đầu về hạ tầng. Các công ty này đều nhắm tới mục tiêu tạo năng lực thực sự cho nhóm công ty, tức tập đoàn.
Fecon đã đấu giá thành công trên 20% cổ phần của công công ty thiết kế giao thông TEDI với giá khá cao, nhưng thời điểm này TEDI lại rất tốt. Tedi chiếm tới 50% thị phần thiết kế giao thông. Feconu có thể dễ dàng đưa các công trình mà thi công vào thiết kế tại TEDI. Năm 2014, TEDI lãi 45 tỷ đồng, nên đây là 1 khoản đầu tư rất đúng hướng.
Fecon FCC là công ty hạ tầng để đầu tư vào các dự án BOT. Gần đây nhất, công ty này đang đầu tư dự án Phủ Lý và đã đầu tư được 30%. Đây là doanh nghiệp mới hoàn toàn huy động nguồn lực từ bên ngoài vào.
Đối với Fecon Mining, có 2 nhiệm vụ chính là sản xuất cọc. Hiện công ty có 2 nhà máy tại Hà Nam và Nghi Sơn. Trong năm 2015, doanh thu từ Fecon Mining cũng sẽ đạt mức tương đối.
Cổ đông: Kế hoạch xây dựng kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ đồng cho năm nay dựa trên cơ sở nào?
Ông Phạm Đình Khoa: Năm 2014, Fecon chỉ đạt 90% kế hoạch doanh thu, do 2 dự án Samsung Tp.Hồ Chí Minh và Nhiệt điện Thái Bình bị hoãn sang năm 2015. Tuy nhiên, vào đầu năm 2015, 2 dự án này đã bắt đầu hoạt động mạnh. Các dự án này đến nay đạt khoảng 300 tỷ đồng doanh thu và 30 tỷ đồng lợi nhuận.
Năm nay công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các công trình hiện tại như Nhiệt điện Thái Bình, Long Phú, Samsung Thái Nguyên, Samsung TP.Hồ Chí Minh. Ngoài ra, Fecon cũng tham gia cùng nhiều đối tác khác xây dựng một loạt các dự án.
Cổ đông: Công ty phát hành trái phiếu chuyển đổi giá bao nhiêu?
Ông Phạm Đình Khoa: Liên quan đến giá chuyển đổi, công ty đã đưa ra mức giá là 19.700 đồng.
Công ty cũng đang đàm phán với 1-2 nhà đầu tư khác để bán nốt số trái phiếu theo kế hoạch phát hành. Có một số nhà đầu tư rất tiềm năng, như của Singapore.
Cổ đông: Triển vọng của dự án BOT Phủ Lý?
Ông Phạm Đình Khoa: Đây là một trong những dự án tiềm năng hạng nhất, tuy nhỏ nhưng được các ngân hàng tranh nhau cấp vốn.
Cuối cùng, công ty đã chấp nhân Vietinbank. Cho đến nay, ngân hàng này đã giải ngân 130 tỷ đồng cho dự án trên.
Công ty quyết tâm hoàn thành dự án vào tháng 6/2016, rút ngắn 6 tháng so với dự toán để được xin thu phí sớm.
Cổ đông: Khó khăn và thách thức trong việc phát triển trong thời gian tới?
Ông Phạm Đình Khoa: Từ năm 2016, Việt Nam sẽ hội nhập với ASEAN và mở cửa với rất nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh đó, rất nhiều nhà thầu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đang sang Việt Nam.
Để đáp ứng với môi trường cạnh tranh mới, Fecon đặt ra mục tiêu liên tục đào tạo đội ngũ để tăng năng lực, tạo dựng chuỗi cung ứng.
Chiến lược phát triển đến năm 2020 công ty sẽ tăng cường khả năng công nghệ, nguồn lực để đối mặt với các thách thức.
Cổ đông: Đối thủ chính của Fecon hiện nay?
Ông Phạm Đình Khoa: Fecon đang cung cấp 4 dịch vụ chính là khảo sát, cọc, nền móng, công trình ngầm. Mỗi mảng Fecon có một đối thủ. Các đối chủ chiến đấu bằng giá rất nhiều. Tuy nhiên, Fecon dùng hình thức cạnh tranh về chất lượng.
Các công trình nền móng của Fecon đòi hỏi rất nhiều về công nghệ hiện đại, nên quan điểm của Fecon là mời nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác.