Theo đại diện TVS chia sẻ, kinh tế Việt Nam năm 2015 có triển vọng tích cực hơn nhờ tác động của một số yếu tố chính như (1) giá dầu thế giới giảm mạnh (chịu tác động hai chiều, nhưng ở chiều hưởng lợi nhiều hơn). Nếu như những nước thuần nhập khẩu xăng, dầu, họ được hưởng lợi 100 phần từ giá dầu thế giới giảm, thì Việt Nam được hưởng lợi khoảng 60-70 phần sau khi trừ đi các tác động tiêu cực của hoạt động xuất khẩu dầu thô. (2) Những yếu tố tác động tích cực từ vĩ mô. (3) Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tiếp tục có triển vọng khả quan thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. (4) Các hiệp định TPP, FTA đang trong quá trình đàm phán đã thúc đẩy các nguồn vốn FDI ngày càng tập trung nhiều vào Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực dệt may, hạ tầng.
Với các tác động này, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2015 được kỳ vọng sẽ tăng trưởng bền vững hơn. Tuy nhiên, rủi ro của viễn cảnh kinh tế thế giới đang nghiêng về phần bất lợi (thương mại toàn cầu đang yếu đi, khả năng biến động thị trường tài chính do lãi suất ở Mỹ tăng ở mốc thời gian không dự đoán được, nguy cơ suy thoái kéo dài từ khối Châu Âu…) sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào TTCK.
TVS cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2015 được HĐQT xây dựng trên quan điểm thận trọng về thị trường lẫn ngân sách đầu tư cho năm 2015. Theo đó, năm 2015 công ty đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 66.7 tỷ đồng, giảm 15.5% so với năm 2014.
Trong năm 2015, hai mảng mang lại lợi nhuận cao nhất cho TVS sẽ là tự doanh và tư vấn (IB) với tỷ lệ đóng góp mảng tư vấn ở mức từ 60-70%.
Lý giải về đóng góp của mảng tư vấn ở mức cao, bà Nguyễn Thanh Thảo - Tổng Giám đốc công ty cho biết là do mảng này TVS đã có các "deal" từ trước và năm 2015 sẽ được hạch toán từ các "deal" này.
Còn ở mảng tự doanh, bà Thảo cho biết, TVS sẽ trung thành với chiến lược "đầu tư giá trị" trong năm 2015. TVS tiếp tục phân bổ vốn cho đầu tư, rủi ro đầu tư được hạn chế qua việc chỉ đầu tư vào các cổ phiếu có giá trị nền tảng tốt đang trong giai đoạn tăng trưởng.
Ngoài ra, tại Đại hội, HĐQT TVS cho biết đã thông qua việc mua hệ thống giao dịch của AFE trong quý 1/2015 và TVS sẽ xem xét phân bổ thêm vốn cho hoạt động môi giới trong thời gian tới. Thị phần môi giới hiện tại của TVS ở mức 1% và công ty phấn đấu giai đoạn 2015-2016 sẽ nâng mức thị phần lên gần 2%, lọt vào top 20-30 thị phần môi giới.
Ước lợi nhuận quý 1/2015 đạt gần 33 tỷ đồng
Chia sẻ với người viết về kết quả kinh doanh quý 1/2015, ông Lê Quang Tiến - Kế toán trưởng công ty cho biết quý 1/2015 ước lợi nhuận của TVS đạt gần 33 tỷ đồng, trong đó môi giới xấp xỉ quý 1/2014 với con số hơn 3 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng IB với 70-80% khi khả năng được hạch toán một số "deal" từ năm 2014.
Năm 2014, TVS thu về gần 176 tỷ đồng doanh thu và lãi ròng hơn 79 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu môi giới 13.5 tỷ đồng, mảng tự doanh đem về 122.6 tỷ đồng và mảng tư vấn là 9.4 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2014, nợ ngắn hạn của TVS tăng mạnh gần 30% lên 239.5 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn tăng gần 72% lên gần 145 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty lại đang có khoản tiền gởi hơn 338 tỷ đồng. Lý giải về vấn đề này, ông Tiến cho biết do dòng tiền lớn của công ty là 338 tỷ gởi ngân hàng với kỳ hạn dài, lãi suất cao và tốt hơn thị trường, tuy nhiên, khi công ty có phát sinh cần sử dụng vốn thì cần phải vay thấu chi lại ngân hàng nhưng lãi suất vay chỉ bằng lãi suất tiền gởi cộng thêm biên độ từ 0-0.5% nên không đáng lo ngại.
Cuối Đại hội, các cổ đông thông qua các tờ trình về phân phối lợi nhuận 2014, kế hoạch 2015, thù lao HĐQT-BKS, lựa chọn đơn vị kiểm toán, sửa đổi điều lệ, tiếp tục phát hành cổ phiếu ESOP như đã được thông qua ở năm 2014 và đình chỉ phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ đã được ĐHĐCĐ 2014 thông qua.