Dệt may: Cơ hội nhiều nhưng

Dệt may: Cơ hội nhiều nhưng "cuộc chơi" vẫn khắc nghiệt

Ngành dệt may có thể tăng gấp đôi về quy mô sản xuất trong 10 năm tới khi có được những thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp dệt may không chuẩn bị tốt sẽ không theo kịp hội nhập, thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi.

Ông Nguyễn Đình Trường, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), đã nói như vậy tại Triển lãm quốc tế lần thứ 14 về máy móc thiết bị - nguyên phụ liệu ngành dệt may (VTG 2014) vừa khai mạc tại TPHCM sáng nay (29-10).

Thuận lợi sẽ đến với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – EU, Liên minh thuế quan Việt Nam, Belarus và Kazakhstan, Hiệp định TPP dự kiến được ký kết vào đầu năm 2015. Khi ấy, có khả năng Việt Nam sẽ trở thành một cường quốc về dệt may, với quy mô trong 10 năm tới dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay.

"Cơ hội đi liền thách thức, nếu doanh nghiệp không chuẩn bị tốt để cải tiến chất lượng ngay lúc này thì sẽ không bắt kịp sự thay đổi, thậm chí bị loại khỏi sân chơi", ông Trường khẳng định và cho rằng muốn hội nhập nhanh, cạnh tranh tốt thì các doanh nghiệp phải nâng cao năng suất, chất lượng, tiến độ sản xuất và quan trọng nhất là giá cả cạnh tranh.

Các con số đạt được của ngành dệt may từ đầu năm 2014 đến nay cho thấy ngành này đang có sự tăng trưởng khá tốt cả về xuất khẩu lẫn tiêu thụ nội địa, đặc biệt là phần nguyên phụ liệu bán nội địa.

Kết thúc quí 3-2014, ngành dệt may đã xuất khẩu được 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu dệt may là 11 tỉ đô la Mỹ và như vậy ngành dệt may xuất siêu 6,2 tỉ đô la Mỹ trong 3 quí đầu năm, ông Trường phát biểu tại triển lãm VTG 2014.

Ông Trường cho biết xuất khẩu đi các thị trường truyền thống của ngành dệt may vẫn đang tăng trưởng tốt như thị trường Mỹ tăng 15%, Châu Âu tăng 19%, Nhật Bản tăng 14%, Hàn Quốc tăng 32%.

“Khả năng ngành dệt may Việt Nam sẽ đạt được giá trị xuất khẩu từ 24,5 – 25 tỉ đô la Mỹ trong năm nay với mức tăng 16% so với năm ngoái. Đặc biệt, dù chưa sang năm mới nhưng hiện có nhiều dấu hiệu khả quan cho thấy lượng đơn hàng trong quí 1-2015 sẽ về nhiều hơn nữa”, ông Trường nói.

Cũng theo ông Trường, ngoài xuất khẩu khả quan, doanh thu từ kinh doanh nội địa của ngành dệt may từ đầu năm đến nay cũng tăng 12% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là phần tăng trưởng này rơi vào phần nguyên phụ liệu bán trong nước.

Còn theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan TPHCM, các đơn hàng dệt may đang có xu hướng dịch chuyển mạnh về thị trường Việt Nam để đón đầu các hiệp định thương mại tự do, nhưng căn cứ vào thiết bị sản xuất, công nghệ để doanh nghiệp trong nước tận dụng, nắm bắt đơn hàng thì hiện cũng chưa thể khẳng định là tốt được.

Triển lãm VTG 2014 diễn ra từ ngày 29-10 đến hết ngày 1-11 tại Trung tâm triển lãm và Hội chợ Tân Bình, có quy mô gần 300 gian hàng trưng bày của 170 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó có một số công ty đa quốc gia chuyên cung cấp thiết bị ngành dệt may như Artrend, Da Kong, Eksoy, Tajima, Welltex …

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp tham gia triển lãm VTG 2014, nhu cầu tiêu thụ thiết bị, máy móc dệt may tại Việt Nam vẫn chưa bão hòa và sẽ còn tiếp tục tăng cao trong vài năm tới.

Ông Ngô Thanh Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Tam Phú Hiệp ở TPHCM, cho biết từ đầu năm 2014 đến nay công ty của ông đã bán được 60 máy dệt tròn và dự kiến cả năm 2014 này cũng bán được 80 máy. Con số này tăng khá cao so với số lượng khoảng 60 máy bán được hồi năm 2013.

Theo ông Hiệp hiện có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản chuyển sang xây dựng xưởng dệt may tại Việt Nam nên tiềm năng cho các nhà cung cấp máy dệt công nghiệp sang năm 2015 sẽ rất lớn, đặc biệt là các máy móc dệt len, dệt thun, dệt tròn.

Còn theo nhận định của ông Jorge Fernandes, Giám đốc Xuất khẩu của Công ty Sroque (Bồ Đào Nha) - doanh nghiệp lần đầu tiên tham gia triển lãm VTG 2014, Việt Nam, Campuchia và Indonesia là 3 nước có nhiều tiềm năng phát triển dệt may nhất trong khu vực Đông Nam Á và đây là cơ hội cho các nhà sản xuất máy dệt, in lụa.

Nắm bắt cơ hội này, thông qua nhà phân phối Artrend (Hồng Kông), hai năm trở lại đây công ty Sroque bắt đầu chuyển sang phân phối máy in lụa.

Theo các chuyên gia dệt may, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng để tận dụng lợi thế khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Trong đó, một số công ty Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc … đã bắt đầu có sự đầu tư lớn vào ngành dệt may tại Việt Nam kể từ đầu năm 2014 đến nay.