Phóng viên:Quan điểm của ông thế nào về đề án của Bộ Tài chính đề xuất đặt trụ sở chính của Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam tại Hà Nội?
- TS Trần Du Lịch: Thông tin về đề án sáp nhập 2 sở GDCK và trụ sở chính đặt tại Hà Nội khiến tôi rất ngạc nhiên. Cách đây 20 năm, tôi là một trong những người được chỉ đạo tham gia vào việc thí điểm xây dựng một trung tâm GDCK đầu tiên ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, TP HCM xin trung ương thí điểm xây dựng trung tâm GDCK, xem đây là một công cụ để phát triển thị trường vốn. Khi đó, trung ương ủng hộ hết mình chủ trương này và hỗ trợ TP HCM rất nhiều. Tháng 7-2000, trung tâm GDCK đầu tiên của Việt Nam ra đời tại TP HCM.
Sau một thời gian "làm ăn phát đạt", chúng ta mở thêm trung tâm GDCK tại Hà Nội. Dù vậy, Trung tâm GDCK TP HCM (nay là Sở GDCK TP HCM - HoSE) vẫn đóng vai trò chủ đạo. Vị trí của HoSE đã được các nhà đầu tư trong và ngoài nước khẳng định là giữ vai trò nòng cốt, là trung tâm tài chính của quốc gia.
Nhiều ý kiến cho rằng việc sáp nhập và đặt trụ sở Trung tâm GDCK Việt Nam ở Hà Nội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý?
- Hiện thị trường vốn phát triển qua thị trường chứng khoán - đặc biệt là thị trường cổ phiếu - chủ yếu tập trung ở sàn TP HCM. Từ năm 2002, Nghị quyết 20 của Bộ Chính trị về xác định vị trí, vai trò của TP HCM đối với khu vực và Đông Nam Á đã nói rõ đây là trung tâm tài chính không chỉ của Việt Nam mà phấn đấu đạt đến tầm khu vực. Đến năm 2005-2007, Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định xây dựng TP HCM là trung tâm tài chính của cả nước. Và trên thực tế, mọi hoạt động của các công ty, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán... cơ bản đều nằm ở TP HCM.
Do đó, có thể nói việc Bộ Chính trị, trung ương khẳng định TP HCM là trung tâm tài chính của cả nước là đúng đắn, phù hợp quy luật phát triển chung, không thể khác được.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ cho đầu tư xây trụ sở HoSE có quy mô lớn, hiện đại như hiện nay cho thấy có sự chuẩn bị kỹ để phát triển thành trung tâm chứng khoán tầm cỡ của khu vực trong tương lai gần. Và nếu đã đầu tư xây dựng như thế mà không sử dụng thì sẽ lãng phí tiền của. Còn nếu đặt tại Hà Nội thì phải đầu tư một trụ sở khác xứng tầm. Đây là vấn đề lớn mà Chính phủ cần phải suy nghĩ.
Nếu phương án cuối cùng vẫn đặt trụ sở Sở GDCK Việt Nam ở vị trí khác ngoài TP HCM thì có ảnh hưởng gì đến thị trường chứng khoán, thưa ông?
- Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương sáp nhập 2 sở GDCK thành một thể thống nhất. Vấn đề này đã manh nha từ khi xây dựng thị trường chứng khoán vào năm 1990. Phải hiểu rõ rằng thị trường đó phải hoạt động chủ yếu ở trung tâm tài chính quốc gia chứ không thể nằm đâu mặc kệ. Điều này không mới mà thế giới họ đã làm. Ví dụ như các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam thăm thị trường tài chính, họ muốn xem Sở GDCK không lẽ họ phải đi một nơi khác để xem trụ sở chính.
Tôi muốn cảnh báo rằng khi thị trường được xem là cái chợ thì họp chợ ở đâu phải tuân thủ đúng quy luật thị trường. Tôi nói đây không phải vì vấn đề về lợi ích cục bộ địa phương mà vì lợi của một quốc gia. Chúng ta phải tôn trọng quy luật phát triển chứ không thể vì một lý do nào khác. Và tôi cho rằng việc đề xuất đặt trụ sở chính của Sở GDCK Việt Nam tại Hà Nội chỉ là ý tưởng của những người soạn thảo. Và tôi tin rằng trung ương, Chính phủ sẽ có quyết định đúng đắn nhất vì sự phát triển chung thị trường chứng khoán cũng như của đất nước.
Lo ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư
Giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn tại Việt Nam cho rằng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, TP HCM là một trung tâm tài chính của cả nước. Ngay như mùa đại hội cổ đông đang diễn ra, dù doanh nghiệp có trụ sở chính tại Hà Nội thì đại hội vẫn phải tổ chức ở
TP HCM, đơn giản vì nhà đầu tư trong này chiếm số lượng lớn. Nếu tổ chức ở Hà Nội, trừ những cổ đông lớn buộc phải đi thì nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ không tham gia, họ mất quyền lợi và có khi đại hội khó thành công.
"Chúng tôi chưa hiểu rõ kế hoạch sau sáp nhập là như thế nào, các cổ phiếu trên 2 sàn sẽ phân bổ ra sao, giữ nguyên hay sáp nhập. Nhưng nếu sáp nhập sàn TP HCM vào sàn Hà Nội và đặt trụ sở chính ở Hà Nội, chúng tôi e rằng sẽ có bước thụt lùi về tiêu chuẩn niêm yết vì đối với nhà đầu tư, sàn Hà Nội giống như sàn "thứ cấp". Điều này hoàn toàn không tốt cho thị trường chứng khoán chút nào" - vị này nói.