Ông Phạm Ngọc Long - Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp nhỏ và vừa trước khi bắt đầu câu chuyện hỗ trợ cho DN sao cho hiệu quả trong điều kiện kinh tế khó khăn bằng yêu cầu: "Chính sách hỗ trợ DN nên tránh tình trạng một người nhấn ga, vài người cắt côn đạp phanh. Đừng để vay được vốn lãi suất thấp thì DN cần chi phí bỏ ra lớn hơn".
Tình hình tiếp cận vốn của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn hết sức khó khăn. Điều này chứng minh bằng thực tế, đi hết 2/3 chặng đường kinh tế năm nhưng tín dụng chỉ mới chạm 1/3 mục tiêu 4%. Khó khăn vẫn đang bủa vây toàn nền kinh tế, khi đầu tuần tháng 9 báo cáo tình hình kinh tế của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia còn chỉ ra tổng cầu đầu tư rất thấp. DN đang phải đối phó với chi phí sản xuất cao. Cũng thời gian này, Bộ KH&ĐT chốt con số 44.500 DN Việt Nam đã phá sản, giải thể từ đầu năm đến nay. Riêng trong tháng 8 có khoảng 6.700 DN đã phải đóng cửa, tăng 35% so với tháng 7.
Trong khi các DN lớn được ngân hàng ưu ái cho vay vượt mức, chẳng hạn Vietinbank cũng đã được chấp thuận cho vay vượt 25% vốn tự có đối với PVOil, VPGas, PVCFC. Eximbank được cho vay vượt hạn mức để Vietnam Airline mua thêm máy bay…thì cộng đồng DN nhỏ và vừa đang trong cảnh tay không bắt vốn. Hiện nay, chỉ có 30% các DNNVV tiếp cận được vốn từ ngân hàng, 70% còn lại phải sử dụng vốn tự có, hoặc vay từ nguồn khác (trong số này có nhiều DN vẫn phải chịu vay ở mức lãi suất cao). Điều kiện vay vốn hiện nay chưa phù hợp với DNNVV, rất ít các DN đáp ứng được điều kiện không được nợ thuế quá hạn, không nợ lãi suất quá hạn.
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho các DNNVV còn nhiều hạn chế, quy mô hỗ trợ chính sách còn hạn hẹp. Các chương trình chính sách chưa phù hợp với quy mô các loại hình DN. Mặc dù các cơ quan Nhà nước mất nhiều năm loay hoay với chính sách hỗ trợ DNNVV, nhưng nhiều chính sách không hiệu quả. Điều này thể hiện ở hoạt động thực tế của DN. Một kết quả thống kê của VCCI chỉ ra, trung bình một năm có khoảng 80.000 DN thành lập mới, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và vừa song con số này không phản ánh sự phát triển của khối DN này. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của DN lại giảm, số DN giải thể và ngừng hoạt động tăng lên. Xét ở quy mô lao động, DN cũng không tăng thêm lực lượng lao động mà phần lớn thêm lao động có việc làm là nhờ DN quy mô nhỏ và siêu nhỏ được thành lập mới tăng.
Để tăng cường hiệu quả của các chính sách hỗ trợ DNNVV nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì hỗ trợ một DN lớn vài trăm tỷ đồng nên hỗ trợ vài DNNVV. Bên cạnh đó, các chính sách cũng cần ổn định lâu dài để DN được thụ hưởng.