Thị trường chứng khoán gần đây sụt giảm nghiêm trọng vì không còn nhiều thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, trong số những cổ phiếu giảm đó, giới chuyên môn khẳng định vẫn còn rất nhiều nhóm DN đáng để đầu tư.
Xu hướng tăng giá của đồng USD so với các ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế được cho là yếu tố có lợi cho một số DN nhập khẩu và bán lẻ ô tô. Thực tế, việc đồng JPY (Nhật Bản) đã giảm 13,2% so với USD từ đầu năm 2015, giúp cho biên lợi nhuận gộp của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long - HTL, DN chuyên nhập khẩu linh kiện và phân phối dòng xe tải thương hiệu Hino (Nhật Bản), cải thiện từ 9,2% (Quý IV/2014) lên 11,1% (Quý II/2015).
Ảnh minh họa |
Chưa kể, khả năng đồng USD tăng giá so với đồng JPY, sau khi FED tiến hành tăng lãi suất sẽ tiếp tục là thuận lợi cho các DN ô tô sử dụng đồng JPY cho nhập khẩu linh kiện như TMT và xe nguyên chiếc (CTCP Đầu tư dịch vụ Hoàng Huy - HHS và CTCP dịch vụ ô tô Hàng Xanh - HAX).
Nhìn chung, 6 tháng cuối năm, kết quả kinh doanh (KQKD) của các DN trong ngành này thường có xu hướng tốt hơn so với 6 tháng đầu năm. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA) thì tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường trong hai quý đầu năm 2015 tăng 58% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu HHS và TMT được kỳ vọng sẽ đạt tăng trưởng doanh thu tốt trong quý III và quý IV khi HHS mở rộng phân phối dòng xe đầu kéo cao cấp của thương hiệu International (Mỹ) trong khi CTCP ô tô TMT sẽ bắt đầu phân phối các loại xe du lịch giá rẻ của TATA (Ấn Độ).
Tuy nhiên, khả năng ban hành và áp dụng biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới cao hơn ở dòng xe hạng sang (dung tích trên 3 lít) có thể ảnh hưởng đến một số DN phân phối xe du lịch như SVC hay HAX.
Sau những phân tích như trên, có thể thấy cổ phiếu trong ngành kinh doanh, bán lẻ xe ô tô có triển vọng đầu tư tốt trong năm 2015. Đặc biệt, các NĐT có thể quan tâm đến các DN chuyên phân phối dòng xe thương mại nhập khẩu với các thương hiệu như Dongfeng, Hino… và các DN chuyên phân phối các xe du lịch lắp ráp trong nước như Toyota, Suzuki, Daihatsu...
Cũng được kỳ vọng là ngành có tốc độ tăng trưởng tốt 6 tháng cuối năm, các DN vật liệu xây dựng (VLXD) cũng có sự cải thiện tích cực so với cùng kỳ năm trước. Với ngành xi măng, tổng sản lượng tiêu thụ 6 tháng đầu năm đạt 34,16 triệu tấn (tăng 6% so với cùng kỳ).
Trong đó, các DN đầu ngành như HT1 (CTCP xi măng Hà Tiên 1), BCC (CTCP xi măng Bỉm Sơn), HOM (CTCP xi măng Vincem Hoàng Mai), BTS (CTCP xi măng Bút Sơn) ghi nhận KQKD quý I và quý II khả quan nhờ sản lượng tiêu thụ tăng tốt và biên lợi nhuận sau thuế cải thiện nhờ chi phí lãi vay giảm và lãi chênh lệch tỷ giá VND/EUR.
Tăng trưởng KQKD của các DN nhựa xây dựng cũng không thua kém khi CTCP nhựa Bình Minh (BMP) ghi nhận sản lượng tiêu thụ ước tính tăng 16,2%, lợi nhuận trước thuế cũng ước tăng hơn 42% so với cùng kỳ.
Về dài hạn, triển vọng của BMP còn đến từ việc nhà máy Long An đi vào hoạt động trong quý III. NTP (Nhựa Tiền Phong) cũng báo cáo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng 11,5% và 5% so với cùng kỳ sau hai quý đầu năm. Đối với NĐT, BMP và NTP cũng là những cổ phiếu được kỳ vọng nhiều nhờ khả năng nới "room" cho NĐT nước ngoài trong thời gian tới.
Dù quý III là quý mùa mưa và hoạt động xây dựng thường không sôi động như quý II, giới chuyên môn đang kỳ vọng KQKD của các DN trong ngành vẫn khả quan hơn so với cùng kỳ 2014. Ngoài ra, quý IV là mùa cao điểm của ngành xây dựng nên doanh thu và lợi nhuận của ngành được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Với các yếu tố được nêu ở trên, rõ ràng ngành xây dựng sẽ sớm tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, các công ty xây dựng hạ tầng có nhiều dự án trong tay và vốn lớn sẽ có được lợi thế nhất định trên thị trường. Ở khía cạnh khác, những công ty có quy mô vốn trung bình nhưng có thế mạnh riêng, đặc biệt trong từng lĩnh vực cụ thể cũng có thể gặt hái được kết quả kinh doanh tốt trong năm nay.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng khuyên rằng, để đầu tư vào cổ phiếu ngành VLXD, NĐT cần kết hợp cân nhắc các yếu tố về sức khỏe tài chính như tỷ lệ vay nợ và chất lượng các khoản phải thu của DN. Trong đó, riêng đối với ngành xi măng, NĐT cũng lưu ý rằng giá xuất khẩu xi măng giảm nhẹ do nhu cầu tại thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản giảm (do USD mạnh lên). Cùng thời điểm này, nguồn cung của Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia đang tăng dần...