Thời kỳ khủng hoảng vừa qua đã có không ít DN "chết" do đầu tư dàn trải, nhất là DN nhỏ và vừa.
DN bỏ quên bài học về "phát huy sở trường"
Năm năm trở về trước, hoạt động trong ngành thép có lẽ không ai không biết đến cái tên Thép Vạn Lợi. Khi thị trường xây dựng phát triển mạnh mẽ, Cty TNHH Vạn Lợi có nhiều cơ hội tiếp cận được với nguồn vốn rẻ, vay vốn dễ dàng, nhu cầu về thép cao, doanh số và doanh thu tăng trưởng vượt bậc.
Thay vì quan tâm đến việc xây dựng chiến lược kinh doanh bền vững, thì Vạn Lợi lại tận dụng điều kiện thuận lợi của thị trường để mở rộng cơ hội đầu tư nhằm tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Vạn Lợi lao vào đầu tư dàn trải, từ các dự án ở Bắc Cạn cho đến Vũng Áng... với quy mô vốn quá lớn, vượt xa khả năng của chủ đầu tư, phải phụ thuộc nguồn vốn vay ngân hàng. Chính vì vậy, khi thị trường gặp "bão lớn", Vạn Lợi đã không thể chống chọi được và thất bại là chuyện tất yếu xảy ra.
Nhà máy thép Vạn Lợi được đầu tư trên ngàn tỷ đồng tại Vũng Ángbị bỏ hoang |
"Đây không phải là một câu chuyện cá biệt của một DN thép mà còn của rất nhiều DN thép, cũng như các DN hoạt động trong lĩnh vực khác. Trong bối cảnh thị trường trầm lắng, tổng cầu yếu ớt như hiện nay, nhiều DNNVV đang đối diện với hậu quả do đầu tư dàn trải trong khi trình độ quản trị kém, khả năng dự báo về sự thay đổi cũng như sự phát triển của thị trường yếu, dòng vốn không ổn định, không xác định được lợi thế của mình... dẫn đến chi phí hoạt động cao, hoạt động không hiệu quả và chết dần", TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam nhận định.
Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ, đặc điểm kinh doanh mang tính cố hữu của nhiều DN Việt Nam hiện nay là thấy cái gì hay, kiếm ra lợi nhuận là ngay lập tức đầu tư, chứ chưa tính đến con đường lâu dài, bền vững. Chính vì nguồn lực yếu, vốn tự có ít, phụ thuộc vốn vay lớn mà lại kinh doanh theo phương pháp bỏ trứng vào nhiều giỏ nên DN mới bị thất bại.
DN nên "bỏ" trứng vào "một giỏ"
Lý giải thêm về bí quyết thành công, ông Đoàn cho hay, đối với một DN, việc xác định được lợi thế của mình là yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi khi biết rõ mình mạnh điểm gì, lợi thế mặt hàng nào thì mới đề ra được chiến lược phát triển cho DN một cách chính xác và đúng đắn. Có thể thấy rằng điều quan trọng mà DN cần phải làm là nâng cao năng lực của mình để tạo lợi thế cạnh tranh.
"Đặc biệt, khi Việt Nam chuẩn bị tham gia một loạt các Hiệp định thương mại, toàn cầu hóa nền kinh tế thì muốn tồn tại và cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, DN buộc phải có sản phẩm hàng hóa là thế mạnh với lợi thế cạnh tranh cao", ông Đoàn nhấn mạnh.
Trên thực tế, nhiều DN xuất khẩu đã xác định được thế mạnh của mình. Tuy nhiên, giá trị mang lại chưa cao do DN chưa chú trọng đầu tư để nâng cao "sự khác biệt" đặc trưng cho sản phẩm của mình. DN phải chọn được sản phẩm mục tiêu của mình là gì, hướng đến đối tượng khách hàng nào. Đó là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển của DN, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại chia sẻ.
"DN đã gần đi hết được đoạn đường khủng hoảng và trước mắt là những cơ hội cũng như thách thức khi "mở cửa" hội nhập kinh tế, chính vì thế, đây là thời gian các DN cần phải xác định được thế mạnh của mình để có những quyết định đầu tư sáng suốt, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, ồ ạt và không hiệu quả", TS. Cao Sỹ Kiêm khuyến cáo DN./.