Ngày 26/12/2014, trong khuôn khổ chương trình truyền thông về Quỹ đầu tư chỉ số ETF của Sở GDCK Hà Nội (HNX), HNX và CTCP chứng khoán FPT (FPTS) phối hợp tổ chức hội thảo "Giới thiệu ETF và triển vọng thị trường chứng khoán năm 2015".
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Điệp Tùng - Tổng Giám đốc của FPTs đã đánh giá ETFs là một trong những phát kiến tích cực nhất của thị trường tài chính. Phát triển rất nhanh trong thời gian qua, đến nay, trên thị trường quốc tế, ETF là sản phẩm thu hút rất đông nhà đầu tư.
Thông thường, ETF lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường là ETF mô phỏng toàn bộ chỉ số cổ phiếu do tính đơn giản, dễ hiểu. Vào ngày 29/12/2014 tới đây, chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên mô phỏng theo chỉ số HNX30 (mã chứng khoán: E1SSHN30) của Quỹ ETF SSIAM HNX30 sẽ niêm yết trên HNX với giá trị phát hành 101 tỷ đồng, mệnh giá 10.000 đồng/chứng chỉ quỹ.
Tại Việt Nam, khái niệm ETF vẫn còn khá mới mẻ và báo chí đã phản ánh nhiều về việc nhà đầu tư còn e ngại khi tiếp cận một sản phẩm tài chính mới. "Tập quán" đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam là thích tự đầu tư nên thời gian đầu, các quỹ đầu tư chỉ số có lẽ chưa thể thu hút được nhiều vốn.
Tuy nhiên, tại buổi Hội thảo, Phó tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội - ông Nguyễn Anh Phong nhận xét, làn sóng mới từ quỹ ETF hứa hẹn mang đến nhiều lựa chọn cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều chuyên gia đã nhận định, rồi dần dần nhà đầu tư sẽ cập nhật kiến thức về sản phẩm này, trở nên quen thuộc hơn và nhận thấy những ưu điểm của nó.
Như vẫn được nhắc đến nhiều lần, ETFs có những ưu điểm như khả năng phân tán rủi ro, tính minh bạch cao, danh mục đầu tư được đa dạng hóa, cơ chế giao dịch linh hoạt tiện ích và chi phí giao dịch thấp.
Bên cạnh đó, do không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài nên với những cổ phiếu hết room cho khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục tăng thêm tỷ lệ sở hữu nhờ mua chứng chỉ quỹ ETFs.
Một ưu điểm quan trọng nữa, đó là cơ chế hoạt động của quỹ ETFs hỗ trợ giao dịch arbitrage (hoạt động đầu cơ kiếm lời do có sự chênh lệch giá). Đây là một trong những hình thức giao dịch phát hành/mua lại đặc trưng của chứng chỉ quỹ ETF, dựa trên sự chênh lệch giữa giá thị trường CCQ ETF và giá trị tài sản ròng (NAV).
Tùy điều kiện cụ thể về mức độ và chiều hướng chênh lệch giữa hai thành tố giá đã nêu, thành viên lập quỹ (AP) sẽ thực hiện việc mua, bán CCQ ETF/chứng khoán cơ cấu (CKCC) trên thị trường thứ cấp, đồng thời thực hiện giao dịch hoán đổi ETF trên thị trường sơ cấp để thu về lợi nhuận nhờ sự chênh lệch giá.
Cụ thể cơ chế này có thể biểu diễn qua sơ đồ như sau:
Chia sẻ với chúng tôi tại buổi hội thảo này, ông Đức Hiệp - một nhà đầu tư đã bám sàn từ những ngày đầu cho rằng việc mua chứng chỉ quỹ ETFs từ thị trường sơ cấp là điều rất khó khăn với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nguyên nhân là bởi việc mua CCQ khi phát hành không bằng tiền mà bằng danh mục chứng khoán cơ cấu mô phỏng theo danh mục của chỉ số tham chiếu đã được chấp thuận, lại phải mua theo lô với tối thiểu 100.000 chứng chỉ quỹ/lô. Theo ông Hiệp, nên chờ khi nào chứng chỉ quỹ lên sàn thì mua.
Ngoài ra, quỹ ETF được nhắc đến như là một sự lựa chọn thích hợp cho các nhà đầu tư không chuyên do quỹ này chủ yếu hoạt động theo cách quản lý thụ động, biến động theo chỉ số nó mô phỏng. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng khi đầu tư vào quỹ ETF, nhà đầu tư phải theo dõi cả iNAV và NAV của quỹ, không đơn giản như chơi cổ phiếu bình thường, chỉ cần theo dõi giá cổ phiếu và chỉ số thị trường. Vì vậy, với những người chưa thành thạo việc đầu tư thì phải "từ từ"