Dấu hiệu nhận diện lệnh ảo trên thị trường chứng khoán Việt 

Trong bài viết trước, người viết chỉ mới đề cập đến khía cạnh trực tiếp nhất của lệnh ảo là lệnh đặt mua, đặt bán mà được hủy ngay trong phiên. Tuy nhiên, lệnh ảo biến thiên trong muôn vàn hình thức, mỗi hình thức sẽ đi kèm với từng mục đích khác nhau.

Có muôn vàn hình thức lệnh ảo mà "tay to" sử dụng để đạt được mục đích của mình

Tùy theo nhu cầu của từng đối tượng sử dụng lệnh ảo, song chắc chắn một điều đã gọi là lệnh ảo thì đó không phải là cung và cầu thực.

Theo quan điểm của ông Hoàng Thạch Lân, chuyên gia đầu tư chứng khoán, lệnh ảo là loại lệnh đặt mà không muốn khớp! Ông chia sẻ trên blog rằng, lệnh ảo có thể là lệnh đặt xong rồi hủy.

Đó cũng có thể là lệnh được chèn thêm vào bên mua (hay bán) khi trước đó đã có cả triệu lệnh mua giá trần/bán giá sàn được tung ra để dọa đối tác (khi chèn những lệnh này, người đặt có lẽ không cần phải hủy).

Đó cũng có thể là những lệnh treo giá sàn (mua) hay trần (bán) đối với những mã ít biến động giá. Đó cũng có thể là lệnh của các cổ đông lớn, nội bộ khi làm đăng ký mua (bán), nhưng cuối cùng lại báo cáo là không khớp do thị trường hay giá kì vọng không phù hợp. Thậm chí lệnh ảo cũng có thể là lệnh đã khớp, nhưng chỉ là chuyển từ túi này sang túi kia của cùng một đối tượng đầu tư khi không muốn khớp với người lạ.

Cụ thể, trường hợp sổ lệnh của một mã chứng khoán có dư mua (giá trần), dư bán (giá sàn) hàng triệu đơn vị trong khi thanh khoản vài ngàn là một trường hợp của lệnh ảo. Trong trường hợp này, những lệnh đặt mua trần, bán sàn với khối lượng lớn chỉ mục đích hù dọa, tung hỏa mù đối với nhà đầu tư cá nhân khiến họ lúng túng trong các quyết định mua bán hay có quyết định nhất thời.

Đối với lệnh ảo kiểu này, thông thường sẽ hay bắt gặp lệnh mua trần khủng bởi với các lệnh mua dù cần số dư 100% (tức là có tiền sẵn để mua) nhưng nhà đầu tư khi không có đủ tiền vẫn có thể nhờ hạn mức margin để đặt lệnh, sau đó hủy đi thì không bị mất phí. Còn lệnh bán sàn cần số dư thật, tức là nhà đầu tư khi ra lệnh này nhất định phải có chứng khoán trong tay.

Trường hợp thứ hai, những lệnh treo giá sàn (mua) hay trần (bán) của các mã ít biến động giá. Thử tưởng tượng, trong khi thị trường lên hay xuống mạnh nhưng một vài mã không có biến động kèm với thanh khoản bèo. Lúc này một số nhà đầu tư sẽ đưa vào hệ thống những lệnh mua, bán giá sàn, trần lớn để gây chú ý qua đó tạo thanh khoản.

Thậm chí, có những “đội lái” lập tài khoản ở các công ty chứng khoán khác nhau để tạo ra giao dịch tuy thật nhưng chỉ là chuyển từ túi này sang túi kia của cùng một đối tượng. Những cách thức này sẽ góp phần tạo thanh khoản và sức hút cho cổ phiếu.

Cuối cùng, một trường hợp liên quan đến cổ đông lớn, nội bộ khi đăng ký mua hàng triệu cổ phiếu. Ở góc độ nhà đầu tư cá nhân, khi có thông tin các ông lớn đăng ký mua hay bán cổ phiếu với khối lượng lớn như vậy nhất định trong suy nghĩ sẽ hiện ra những hoài nghi, tại sao họ có hành động như vậy? liệu có biến gì không?

Đối với những cổ đông đặc biệt này, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) có quy định đăng ký giao dịch sẽ có thời hạn trong vòng 30 ngày, sau thi hết thời gian giao dịch họ hoàn toàn có thể ra thông báo không mua, bán được bởi giá thị trường không như kỳ vọng hay bất cứ lý do nào khác. Như vậy, rất có thể những cổ đông lớn, nội bộ này chỉ đơn thuần là tạo sóng trên thị trường chứ không có mục đích mua, bán thực.

Xét về khía cạnh làm giá, ông Lân chia sẻ kinh nghiệm, hủy lệnh lớn và thường xuyên cũng nên bị coi là 1 dấu hiệu của thao túng giá. Đi kèm với dấu hiệu này sẽ là thông tin liên quan và môi giới kêu gọi, hô hào.