Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển Doanh nghiệp vừa có báo cáo kiểm điểm công tác tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước 2 tháng đầu năm 2015, kế hoạch triển khai 6 tháng đầu năm 2015.
Về công tác thoái vốn, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã phê duyệt chủ trương, phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thoái vốn cho 25 doanh nghiệp với tổng giá trị thoái vốn khoảng 3.683 tỷ đồng theo mệnh giá.
Một trong những doanh nghiệp vừa nhận được chủ trương thoái vốn được giới đầu tư quan tâm là Tổng công ty công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor).
Chủ trương thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại Vinamotor được đưa ra hồi đầu năm nay - theo sự đồng ý của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong thông tin được đăng tải tại Cổng thông tin Chính phủ.
Còn nhớ, tháng 3/2014, Vinamotor đã IPO với việc bán được vỏn vẹn 1,5 triệu cổ phần trên tổng số 51 triệu cổ phần chào bán. Việc chào bán chỉ 51 triệu cổ phần được cho là quá ít so với vốn điều lệ 876 tỷ đồng của Vinamotor, cổ phiếu của Tổng công ty vì vậy chưa thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.
Quyết định bán toàn bộ cổ phần Nhà nước tại Vinamotor nhanh chóng tạo được sức hút đáng kể. Từ chỗ cổ phần "bán chẳng ai mua" như đợt IPO vừa qua, hiện đã có 4 nhà đầu tư tổ chức mong muốn được mua phần lớn hoặc toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng công ty này. Các tổ chức đó là CTCP Ô tô TMT, Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Sacom, CTCP Ô tô Thành Công Ninh Bình và Công ty TNHH Mô tô N.A Việt Nam.
Với sự hấp dẫn đó, có thể dự đoán cổ phần tại Vinamotor có khả năng sẽ được bán đấu giá thay vì chào bán riêng lẻ.
Một thông tin mới trong phương án thoái vốn vừa được đưa ra, đó là đối tượng được chào mua cổ phần Vinamotor phải có đủ các điều kiện như sau:
- Vốn chủ sở hữu tại thời điểm đăng ký đấu giá trên 855 tỷ đồng (là số vốn mà Nhà nước định thoái)
- Cam kết sở hữu tối thiểu 5 năm cổ phần
- Cam kết chào mua công khai số cổ phần của các cổ đông khác tại Vinamotor trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày trở thành cổ đông của Vinamotor.
Nếu như 2 tiêu chí cuối cùng phần nào mang tính hứa hẹn, tiêu chí đầu tiên về vốn chủ sở hữu lại là điều kiện khó khăn nhất, khiến các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện khó lòng xoay xở. Đó như một rào cản mang tính kỹ thuật để xét duyệt các doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá.
Trên thực tế, năng lực hoạt động của một doanh nghiệp không phải hoàn toàn được đánh giá qua quy mô vốn điều lệ của doanh nghiệp đó. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, việc tăng vốn ồ ạt lên gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 10 lần, không phải là hiếm.
Có thể thấy qua một ví dụ nhỏ. Với Vua tôm Minh Phú (MPC), vốn điều lệ của công ty này ở mức 700 tỷ đồng, nhưng vẫn đủ năng lực quản lý công ty con là Minh Phú Hậu Giang với vốn điều lệ đã tăng lên trên 866 tỷ đồng sau khi bán cổ phần cho đối tác ngoại. Minh Phú Hậu Giang luôn là một trong những công ty con tích cực nhất, mang lại phần lớn doanh thu, lợi nhuận cho công ty mẹ.
Như vậy, đường lối kinh doanh cũng như những ưu thế về sản xuất, thị trường, mới là điểm cốt lõi để một doanh nghiệp có thể thâu tóm một doanh nghiệp khác. Quy mô vốn chưa hẳn là yếu tố quyết định.
Đặt ra tiêu chí về vốn chủ sở hữu, vô hình chung, đã gạt đi tương đối nhiều các ứng viên dày dặn kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô. Với mức vốn chủ sở hữu trên 855 tỷ đồng, có thể thấy, những đối tác đủ điều kiện, phần lớn sẽ là những tổ chức đầu tư tài chính hơn là những doanh nghiệp ô tô.
Nếu tiêu chí vốn chủ sở hữu tối thiểu 855 tỷ là điều kiện bắt buộc thì cuộc đua nhiều khả sẽ chỉ còn lại 2 cái tên là Sacom và Vinamco (Vinamco có vốn điều lệ đăng ký là 2.000 tỷ đồng nhưng chúng tôi không thể xác minh được vốn thực góp - PV).
Trong khi đó, vốn điều lệ cũng như vốn chủ sở hữu của TMT và Hyundai Thành Công Ninh Bình nhỏ hơn khá nhiều so với con số trên.
Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia giấu tên cho rằng, còn tùy vào mục đích thoái vốn Nhà nước khỏi Vinamotor là gì, thì sẽ có những tiêu chí đặt ra tương ứng. Nếu mục đích thoái vốn là thu về càng nhiều tiền càng tốt, việc đặt điều kiện về quy mô vốn chủ sở hữu có vẻ phù hợp. Với điều kiện này, các đại gia tài chính, chứng khoán, bất động sản hoàn toàn đáp ứng đủ điều kiện.
Thế nhưng, nếu mục tiêu là tiếp tục phát triển Vinamotor thành một doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, duy trì thương hiệu của Tổng công ty Nhà nước này, thì việc đặt ra tiêu chí về vốn chủ sở hữu, có phần "xa rời thực tế".
Ngoài ra, việc loại hầu hết các ứng viên, việc bán đấu giá cổ phần Nhà nước tại Vinamotor cũng sẽ trở nên thiếu khách quan, thậm chí gây thất thoát vốn Nhà nước. Mục tiêu thu được "càng nhiều tiền càng tốt" về cho Nhà nước, do vậy cũng chưa chắc được đảm bảo.
Suy cho cùng, phải có nhiều nhà đầu tư tham gia, "phiên chợ" mới trở nên sôi động và Nhà nước mới có thể bán vốn với giá hời, thu về tối đa cho ngân sách.
Bộ GTVT ngày 13/3 cũng đã có công văn trình Thủ tướng Chính phủ xung quanh vấn đề này. Bên cạnh đưa ra đề xuất về điều kiện chào mua cổ phiếu Vinamotor như đề xuất của Tổng công ty này (như đã trình bày), Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ được lựa chọn Nhà đầu tư phù hợp để bán đấu giá trọn lô cổ phần tại Vinamotor.
Cuộc đấu giá như Bộ GTVT nhắc đến, có khả năng cũng chỉ có 2 thành viên tham gia (là Sacom và Vinamco), nếu như các đối tác còn lại không kịp tăng vốn chủ sở hữu lên một cách bất thường.