Sở GDCK Hà Nội (HNX) công bố kết quả đấu giá cổ phần của CTCP Liên hợp thực phẩm (LHTP) diễn ra vào ngày 8/10/2015.
Có 11 nhà đầu tư đã đăng ký tham gia phiên đấu giá, trong đó có 5 nhà đầu tư tổ chức và 6 nhà đầu tư cá nhân. Tổng số lượng cổ phần các nhà đầu tư đăng ký mua là 21,25 triệu đơn vị, gấp 11 lần số lượng cổ phần mà Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chào bán (1,93 triệu cổ phần- tỷ lệ 32,2% vốn điều lệ).
Như vậy có nghĩa tất cả nhà đầu tư tham dự phiên đấu giá đều đặt mua với số lượng cổ phần tối đa có thể.
Mức giá đấu thành công bình quân đạt 12.200đ/cp, cao hơn 200đ so với mức giá khởi điểm. Tổng giá trị cổ phần bán được tương ứng 23,57 tỷ đồng.
Trong danh sách cổ đông lớn của Liên hợp thực phẩm ngoài SCIC vừa thoái vốn còn có sự xuất hiện của Gemadept (GMD) và CTCP Bông Sen Vàng.
Theo BCTC được công bố, Liên hợp thực phẩm hiện đang cho Bông Sen Vàng vay với số tiền 18,6 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng ngắn hạn với lãi suất 7,1%/năm và được đảm bảo bằng số cổ phần Bông Sen Vàng đang sở hữu tại Liên hợp thực phẩm.
Được biết, Bông Sen Vàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, có trụ sở tại 127 Nguyễn Du, P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM do ông Đỗ Thành Duy làm Chủ tịch HĐQT. Bông Sen Vàng cũng là đối tác của Gemadept với hàng loạt công trình xây dựng Cảng Quốc tế Gemadept Dung Quất, Gemadept Tower, Cảng Nam Hải….
Hấp dẫn với kết quả kinh doanh?
Với lượng chào mua trong phiên đấu giá cổ phần gấp 11 lần lượng chào bán cho thấy LHTP nhận được sự quan tâm không nhỏ từ các nhà đầu tư.
Tuy vậy, nếu nhìn vào KQKD của LHTP thì có thể thấy đây không hẳn là điểm hấp dẫn với các nhà đầu tư. Năm 2014, LHTP ghi nhận doanh thu 40,41 tỷ đồng, LNST 1,57 tỷ đồng, tương ứng EPS chỉ đạt 263 đồng, một con số khá khiêm tốn.
Được biết, Liên hợp thực phẩm được thành lập từ năm 1969 với sản phẩm kinh doanh chính là Bia HaDo, chiếm hơn 70% tổng doanh thu LHTP.
Hiện trụ sở LHTP đặt tại 267 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội có diện tích 13.846 m2 và được UBND Hà Nội cấp phép cho thuê đến năm 2054.