DATC bán cổ phần tại DCSC 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) tiến hành bán đấu giá cổ phần nhằm thoái vốn đầu tư tại Công ty Cổ phần Tư vấn - Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản DATC (DCSC).

DCSC là doanh nghiệp nhà nước duy nhất hoạt động trong lĩnh vực thẩm định giá và bán đấu giá tài sản tại Việt Nam, tiền thân là Trung tâm Thông tin Tư vấn, Dịch vụ về Tài sản - Bất động sản trực thuộc Cục Quản lý Công sản - Bộ Tài chính. Ngày 29/11/2007 Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 3776/QĐ-BTC chuyển giao Trung tâm Thông tin Tư vấn, Dịch vụ về Tài sản và Bất động sản sang Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Công ty DCSC được thành lập theo Nghị quyết số 31/2007/NQ-HĐQT ngày 21/12/2007 của Hội đồng quản trị DATC và được Sở Kế hoạch Đầu tư TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh số 0103021789 ngày 11/1/2008. Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp nắm giữ 60% vốn điều lệ DCSC.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, chính thức thông báo bán đấu giá cổ phần nhằm thoái vốn đầu tư tại DCSC. Theo đó, DATC sẽ bán đấu giá công khai toàn bộ 600.000 cổ phần thuộc sở hữu của mình tại DCSC với mệnh giá là 10.000 đồng/1 cổ phần và giá khởi điểm là 16.100 đồng/cổ phần (mười sáu ngàn một trăm đồng/cổ phần).

Số mức giá được đặt là 01 mức giá. Mỗi nhà đầu tư được phát một phiếu đấu giá và chỉ được ghi 01 (một) mức giá đặt mua; Khối lượng đặt mua tối thiểu là 50.000 cổ phần; Khối lượng đặt mua tối đa là 600.000 cổ phần. Đơn vị tổ chức thực hiện bán đấu giá là Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT.

Các nhà đầu tư thỏa mãn điều kiện tham dự đấu giá theo như Quy chế bán đấu giá cổ phần của DATC tại DCSC do Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT ban hành. Các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có đủ điều kiện sau đây được tham dự đấu giá:

- Có tư cách pháp nhân (đối với các tổ chức), có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Nếu người đại diện pháp nhân thì phải có giấy ủy quyền. Nếu là cá nhân phải có chứng minh thư nhân dân, giấy tờ tùy thân hợp lệ và có đủ năng lực hành vi dân sự;

- Đối với nhà đầu tư nước ngoài: ngoài các quy định như đối với pháp nhân và cá nhân trong nước, phải mở tài khoản tiền gửi tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật Việt Nam về ngoại hối. Mọi hoạt động liên quan đến mua cổ phần đều phải thông qua tài khoản này;

- Các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư: Trường hợp các tổ chức tài chính trung gian nhận ủy thác đầu tư của cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, tổ chức nhận ủy thác đầu tư có trách nhiệm tách biệt rõ số lượng nhà đầu tư, số cổ phần của từng nhà đầu tư trong và ngoài nước đăng ký mua.