Những chỉ đạo mới nhất về cổ phần hóa đã cho thấy, nhiều doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sẽ có tên trong danh sách phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nay và năm tới (2016).
VNPT đang đẩy nhanh cổ phần hóa các doanh nghiệp trực thuộc |
Điều này cũng có nghĩa, áp lực công việc tiếp tục đè nặng lên vai những người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương.
Con số chính thức sẽ được công bố sau khi các bộ, ngành hoàn tất việc rà soát các doanh nghiệp nhà nước theo tiêu chí mới của Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg để trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo quyết định này, Nhà nước chỉ nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong 16 ngành, lĩnh vực. Như vậy, số doanh nghiệp mới thêm vào danh sách cổ phần hóa sẽ khá lớn.
Trong đó, danh sách doanh nghiệp bổ sung ngay vào kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 sẽ phải được trình trong quý I/2015. Những doanh nghiệp trong kế hoạch từ năm 2016 về sau sẽ lộ diện vào quý III/2015.
Như vậy, danh sách doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa trong năm 2015 chưa chốt ở con số 289. Đây là con số còn lại sau khi trừ đi 143 doanh nghiệp đã hoàn tất cổ phần hóa trong danh sách 432 doanh nghiệp phải cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn, ông Lê Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) so với năm 2014, những đánh giá cho thấy, có nhiều điểm thuận lợi hơn.
"Cho đến nay, có thể nói, văn bản chính sách phục vụ tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã hoàn thiện. Các cơ chế đột phá, tháo gỡ những nút thắt mà doanh nghiệp kêu ca trước đó, như cho phép thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách…, đã có. Như vậy, kết quả cổ phần hóa trong năm nay phụ thuộc chính vào tiến độ triển khai của từng doanh nghiệp", ông Hùng nói.
Thuận lợi cũng có thể nhìn thấy trong cách thức thực hiện mà Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đang tiến hành. Đó là giám sát tiến độ theo từng bước trong quá trình thực hiện phương án cổ phần hóa được phê duyệt.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải công bố tiến độ hoàn thành từng bước trong 6 bước thực hiện, gồm thành lập ban chỉ đạo, thuê tư vấn, xác định giá trị doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp, phê duyệt phương án cổ phần hóa, thực hiện IPO.
"Việc giám sát tiến độ sẽ không đợi đến cuối năm 2015, mà sẽ theo từng công đoạn để có giải pháp thúc đẩy. Về nguyên tắc, nếu chậm một bước trong tiến trình này thì việc hoàn tất các bước tiếp sau sẽ bị ảnh hưởng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo từng tháng, từng quý đều phải báo cáo tiến độ chi tiết. Nếu có vướng mắc, phức tạp, cần báo cáo để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý", ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (Văn phòng Chính phủ) cho biết.
Điều quan trọng, theo đánh giá của các chuyên gia, việc giám sát theo tiến độ từng doanh nghiệp trong danh sách cổ phần hóa phải kịp thời phát hiện, cảnh báo các vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh ngoài dự liệu.
Tính đến ngày 24/3/2015, 289 doanh nghiệp phải tiến hành cổ phần hóa trong năm nay đều đã thành lập ban chỉ đạo, trong đó 207 doanh nghiệp đang tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp, 81 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 29 doanh nghiệp(3 tổng công ty nhà nước và 26 doanh nghiệp) đã cổ phần hóa. Cũng trong thời gian này, các doanh nghiệp đã thoái được 4.937 tỷ đồng, thu về 6.987 tỷ đồng, bằng 1,42 lần giá trị sổ sách.