5 dự án đó là:
1. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex), PVN làm chủ đầu tư;
2. Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia) có tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần nhiên liệu Sinh học Dầu khí Miền Trung;
3.Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư;
4. Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải – Tracodi làm chủ đầu tư. Đến năm 2009, dự án này được chuyển cho Tổng công ty Giấy Việt Nam -Vinapaco;
5. Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam.
Kiến nghị Bộ Công an điều tra Dự án nhà máy Xơ sợi Đình Vũ ngưng hoạt động vì thua lỗ. Đối với dự án này, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra trong đó kiến nghị Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, Thanh tra chính phủ nghị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự bởi kết quả thanh tra cho thấy quá trình thực hiện đầu tư Dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Đình Vũ đã có dấu hiệu cố ý làm trái hoặc thiếu trách nhiệm trong việc phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng với nhà thầu gây thất thoát, lãng phí lớn vốn đầu tư. Các đại biểu nói về siêu dự án đắp chiếu Theo báo cáo chỉ 5 dự án, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất đã làm tiêu tan trên 30 nghìn tỷ. Trong đó gang thép Thái Nguyên đầu tư dự kiến 3800 tăng lên 8100, tăng hơn hai lần. Tôi phân tích một trường hợp nhà máy bột giấy Phương Nam, dự kiến 1,4 tỷ, điều chỉnh lên 3,4 tỷ, tăng 2,3 lần. Sau khi nghiệm thu chạy thử thì thành công nhưng chạy tải thì không thành công. Do cây đay không phù hợp và cuối cùng đổi sang gỗ tràm nhưng cũng không hiệu quả, bây giờ xử lý nhà máy này gần như là bỏ. Kiểu báo cáo và thẩm tra như trên là chỉ bắn chỉ thiên. Cái chung chỉ ra được nhưng cái cụ thể trong vốn đầu tư thì thất thoát, lãng phí, trách nhiệm tổ chức, cá nhân không chỉ ra được và không tạo ra bước đột phá làm chuyển biến nhận thức trong quản lý vốn đầu tư trong thời gian tới. Đặc biệt là việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 04 về chống tham nhũng, lãng phí. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) Đọc báo cáo về 5 dự án lớn do tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện chậm tiến độ, kém hiệu quả và đã tiêu tốn hay thua lỗ hàng chục nghìn tỷ. Như vậy, chúng ta thấy điều gì. Nhiều sai lầm, khuyết điểm được trình bày như điều đương nhiên, nghe rất quen thuộc như: nhà thầu hạn chế năng lực, giá và thị trường diễn biến không thuận lợi, xa vùng nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không ổn định v.v... Truy xét kỹ thì sẽ thấy nhiều khuyết điểm chủ quan, từ khâu đệ trình đến phê duyệt và triển khai thực hiện các dự án. Dự án thép Thái nguyên đội vốn từ 3843 tỷ lên 8104 tỷ. Thời gian thi công từ 30 tháng lên 9 năm, đến nay vẫn chưa xong. Nhà thầu MCC của Trung Quốc ký hợp đồng thi công IPC giá trúng thầu C là 42,9 triệu USD đòi tăng lên 134 triệu, không được chấp thuận họ lại bỏ dự án là trở thành người bán thiết bị thuần túy. Đến nay đã thanh toán 93% gói thầu thiết bị nhưng phần chưa cung ứng lại là phần điện và điều khiển tự động. Báo cáo của Chính phủ không chỉ ra ai phải chịu trách nhiệm trong khi nhiều dự án, 5 dự án trên có một số dự án đang bế tắc và cử tri sẽ đặt câu hỏi Chính phủ chỉ báo cáo 5 dự án thì hiện còn bao nhiêu dự án như vậy chưa được nêu ra. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) |