Mục tiêu đằng sau của những cổ đông chiến lược này chưa hẳn là lợi nhuận, mà có thể cơ hội cung cấp các dịch vụ tài chính cho các doanh nghiệp, nhất là những đơn vị đang sở hữu lượng khách hàng lớn. Bên cạnh đó, dòng tiền “khổng lồ” của những doanh nghiệp này mới là miếng bánh mà NH hướng tới.
Từ cổ đông chiến lược
Mới đây, Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn tổ chức thành công phiên đấu giá bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với 100% cổ phần được bán hết. Sức nóng của Cảng Sài Gòn được thể hiện ngay trước thềm IPO với 39 nhà đầu tư đăng ký đấu giá và 3 nhà đầu tư chiến lược tham gia đăng ký mua cổ phần. Trong đó, Tập đoàn Vingroup (VIC) đăng ký mua 80% vốn điều lệ Cảng Sài Gòn, VietinBank đăng ký mua 11% vốn điều lệ và VPbank đăng ký mua 11%.
Như vậy, 3 nhà đầu tư chiến lược này đăng ký mua hơn 100% vốn Cảng Sài Gòn trong khi đơn vị này chỉ chào bán 16,51% vốn cho đối tác chiến lược, tương đương 35,7 triệu cổ phần. Giá bán cho nhà đầu tư chiến lược không thấp hơn giá đấu bình quân của cuộc đấu giá công khai. Đây không phải là trường hợp đầu tiên các NH tham gia trở thành cổ đông tại các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
Việc vừa trở thành cổ đông chiến lược, vừa hợp tác cung cấp dịch vụ tài chính sẽ là lợi ích cho đôi bên. Về phía NH, họ sẽ có cơ hội cung cấp các gói tài chính cho cán bộ công nhân viên của đối tác, dịch vụ thanh toán khách hàng liên quan, cũng như tham gia tài trợ vốn cho nhiều dự án lớn. |
Cuối năm 2014, trong đợt IPO của Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), với khớp lệnh khủng lần lượt 25,76 và 22,56 triệu cổ phiếu ở mức giá bình quân 22.300 đồng, Techcombank và Vietcombank chính thức trở thành cổ đông của Vietnam Airlines.
Theo đó, Techcombank và Vietcombank là 2 đơn vị mua thành công lớn nhất, với tỷ lệ sở hữu lần lượt 1,82% và gần 1,6% vốn điều lệ. Được biết Techcombank và Vietnam Airlines đã có lịch sử hợp tác, gắn bó chặt chẽ suốt 15 năm qua trong nhiều dự án. Đặc biệt, trước đây Vietnam Airlines đã từng sở hữu 20% NH này trước khi giảm xuống còn 2,7% vào cuối 2013.
Như vậy, sau HDBank đang sở hữu hơn 10% tại Vietjet Air, đến nay đã có thêm Vietcombank và Techcombank đầu tư vào lĩnh vực hàng không.
Tính đến nay, nhiều NH cũng tham gia sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp khác khá phổ biến. Chẳng hạn, ACB đang sở hữu 9% cổ phần tại CTCP Vận tải biển Việt Nam (VOS), hơn 10% tại CTCP Đầu tư Dầu khí Sao Mai-Bến Đình (PSB) và tại Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), CTCP Thương mại Dịch vụ Tổng hợp Cảng Hải (DVC), CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn (BTS)…
Tiên Phong (TPBank) cũng đang nắm giữ hơn 10% tại CTCP Everpia Việt Nam. Eximbank đang sở hữu hơn 11% cổ phần tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR)… Việc đầu tư vào doanh nghiệp hàng không hay những lĩnh vực kinh doanh khác, với NH không hẳn vì lợi nhuận của đối tác, mà liên kết cung cấp dịch vụ bán lẻ, khách hàng lớn, đặc biệt dòng tiền…
Đến lợi ích đôi bên
Sau khi Techcombank trở thành cổ đông lớn của Vietnam Airlines không bao lâu, 2 bên đã ký kết 2 hợp đồng tín dụng với giá trị lên tới gần 2.000 tỷ đồng, trong đó hợp đồng cấp tín dụng ngắn hạn 1.000 tỷ đồng và hợp đồng tài trợ trung hạn đặt cọc mua máy bay trị giá 42 triệu USD, với mục đích nâng cao hiệu suất kinh tế, phát triển sâu rộng. Theo ông Đỗ Tuấn Anh, quyền Tổng giám đốc Techcombank, việc ký kết là một trong các hoạt động trọng điểm, tạo nền tảng cho các hoạt động chung trong tương lai, sâu sắc và chặt chẽ hơn của 2 bên. Trong khi đó, đối tác Vietcombank cũng đã tham gia vào cơ cấu nhân sự cao cấp của Vietnam Airlines sau khi trở thành cổ đông lớn.
Cụ thể, ông Lại Hữu Phước, Trưởng phòng Kiểm tra giám sát Vietcombank, người đại diện vốn của NH này tại Vietnam Airlines, đã được đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của tổng công ty bầu vào Ban Kiểm soát. Theo Vietcombank, mối quan hệ của 2 doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy lên một tầm cao mới trong thời gian tới.
Techcombank đang có lợi thế lớn khi là cổ đông chiến lược của Vietnam Airlines. |
Ngược lại, Vietnam Airlines hấp dẫn các nhà đầu tư chiến lược NH không chỉ việc cung cấp tín dụng mà còn từ dòng tiền khổng lồ của doanh nghiệp này. Được biết, doanh thu vận tải của Vietnam Airlines vào khoảng 50.000 tỷ đồng mỗi năm và nguồn tiền trên luân chuyển qua NH liên tục, tiền bán vé cũng ở khoảng 1,2 triệu lượt khách mỗi tháng, chưa kể tiền trả lương cho 10.000 nhân viên, người lao động. Với số tiền đó khi Vietnam Airlines "bắt tay" với bất kỳ NH nào cũng tạo ra một khoản lợi không nhỏ.
Với Cảng Sài Gòn, 2 đối tác chiến lược mới là VietinBank và VPBank có thể sẽ có những động thái tiếp theo. Bởi Cảng Sài Gòn đang trực tiếp quản lý 4 khu cảng trực thuộc (quận 4 và quận 7, TPHCM) gồm cảng Nhà Rồng-Khánh Hội, cảng Tân Thuận, cảng Tân Thuận 2, cảng Hành khách tàu biển và thuê khai thác cầu cảng Nhà máy Thép Phú Mỹ (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) của Tổng công ty Thép Việt Nam.
Bên cạnh đó, Cảng Sài Gòn còn tham gia góp vốn liên doanh tại một số cảng liên doanh và đang có 5 công ty con. Không gây ấn tượng về hoạt động kinh doanh chính, nhưng sức hút của Cảng Sài Gòn có thể là ở quỹ đất và khoản doanh thu lớn hàng năm với một lượng khách hàng, người lao động mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Sau IPO, Cảng Sài Gòn có thể bắt tay với các doanh nghiệp thực hiện các dự án bất động sản hàng tỷ đô la. Đây chắc chắn cũng là những khách hàng tiềm năng của các NH.