Cổ phiếu ô tô tăng tốc
Tính đến ngày 16/6, cổ phiếu HHS của CTCP ô tô Hoàng Huy đã tăng 70% so với đầu năm, gấp hơn 10 lần mức tăng chung thị trường (chỉ số VN-Index tăng hơn 6%).
Tuy nhiên, mức tăng trên của HHS chưa bằng một nửa so với cổ phiếu TMT của CTCP ô tô TMT và chưa bằng 1/3 so với cổ phiếu HTL của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long khi hai mã này tăng với mức 3 con số lần lượt là 174% và 250%.
Nhẹ nhàng hơn, cổ phiếu SVC của CTCP Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn cũng tăng hơn 23%, còn cổ phiếu HAX của CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh tăng hơn 16% kể từ đầu năm - tốc độ tăng 2 con số.
Riêng cổ phiếu GGG của CTCP Ô tô Giải Phóng giảm nhẹ hơn 6% trong năm nay. Tuy nhiên, cổ phiếu này cũng đang phục hồi trở lại, khi trong vòng 1 tháng qua GGC đã tăng tới 25%.
Và nếu tính trong vòng 1 tháng qua, cả 6 mã ô tô đều tăng giá, trong đó HTL vẫn là cổ phiếu tăng mạnh nhất với mức hơn 37%, trong khi SVC là mã tăng thấp nhất với 0,5%.
Diễn biến cổ phiếu ngành ô tô. Nguồn: VCSC
Ô tô bán…chạy
Cổ phiếu ô tô tăng gần như đồng loạt có lẽ phản ánh sự cải thiện trong hoạt động của toàn ngành chứ không chỉ riêng công ty nào. Tiêu thụ ô tô tại Việt Nam tăng ở tất cả các phân khúc, từ xe du lịch, xe thương mại đến xe chuyên dụng, với tốc độ tăng cũng đến 3 con số.
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), trong 5 tháng đầu năm 2015, Việt Nam đã tiêu thụ 84,8 nghìn chiếc ô tô các loại, tăng tới 105% so với cùng kỳ năm 2014. Trong số này, doanh số bán ô tô du lịch đạt 50,4 nghìn chiếc, tăng 88%; xe thương mại đạt 29,5 nghìn chiếc, tăng 103%; và xe chuyên dụng đạt gần 5 nghìn chiếc, tăng 116% so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô bán chạy, không kể là xe lắp ráp trong nước hay xe nhập khẩu. VAMA cho biết doanh số xe lắp ráp trong nước 5 tháng đạt 62,3 nghìn chiếc, còn doanh số bán xe nhập khẩu đạt 22,5 nghìn chiếc, đều tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ.
Tại Triển lãm Quốc tế lần thứ 12 về Phương tiện Giao thông và Công nghiệp phụ trợ (Vietnam AutoExpo 2015) tổ chức sáng ngày 17/6 tại Hà Nội, VAMA dự báo doanh số bán ô tô tại Việt Nam sẽ đạt gần 180.000 chiếc trong năm 2015, tăng 10% so với năm 2014.
Tuy nhiên, con số dự báo trên có thể được coi là khiêm tốn vì nhiều thành viên của VAMA tin tưởng mức tăng trưởng có thể sẽ cao gấp đôi so với dự báo đó.
Những con số đó cho thấy thị trường ô tô Việt Nam đang tiếp tục đà phục hồi mạnh của năm 2014 sau thời gian rơi vào suy thoái. Năm ngoái, sản lượng tiêu thụ ô tô của Việt Nam đạt hơn 157.000 chiếc, tăng 43% so với năm 2013.
Tiêu thụ ô tô tăng mạnh cũng khiến sản xuất tăng theo. Phát biểu tại lễ khai mạc Vietnam AutoExpo 2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2015, sản xuất sản phẩm ô tô đạt mức tăng trưởng 62,3% so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo công bố tại triển lãm
Về mục tiêu phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030, bà Thoa cho biết Việt Nam sẽ xây dựng ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng tối đa nhu cầu nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng và các loại xe chuyên dụng, phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và phụ kiện chi tiết có giá trị cao trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Dự báo, năm 2020 sẽ có 246.000-347.000 xe ô tô mới gia nhập thị trường, năm 2025 có gần 600.000 đến hơn 800.000 xe.
“Như vậy, ngành ô tô còn rất nhiều tiềm năng để các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất và kinh doanh trong giai đoạn tới,” bà nói.
Trao đổi với phóng viên Người Đồng Hành bên lề triển lãm Vietnam AutoExpo 2015, ông Kim Wan Joo, CEO của hãng Tata Daewoo Commercial Vehicle, nhận định nhu cầu đối với ô tô ở Việt Nam là khá cao do Việt Nam là một nước đang phát triển, tầng lớp trung lưu tăng nhanh. Các hãng ô tô đang nhắm đến Việt Nam vì Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi ở Đông Nam Á.
Tại triển lãm, Tata Deawoo đã mang theo một số dòng xe tải tới trưng bày.