“Đại hạn” của BCI không liên quan đến đại gia Trầm Bê?

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan, các nhà đầu tư lớn bất ngờ “tháo chạy”, tuy nhiên, lãnh đạo Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI) cho rằng đây là việc bình thường và cũng không liên quan đến đại gia Trầm Bê, người sáng lập và cũng là cổ đông lớn của BCI.

BCI gặp "đại hạn"

Theo báo cáo từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, trong 2 tuần qua, hàng loạt các nhà đầu tư lớn của Công ty Đầu tư Xây dựng Bình Chánh đã đồng loạt bán ra hàng chục triệu cổ phiếu BCI.

Trong đó, Tổng Công ty Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) - cổ đông lớn nhất của BCI bán toàn bộ 24,19 triệu cổ phiếu BCI, tương ứng gần 28% vốn, thu về trên 400 tỷ đồng. Điều đáng nói, ông Nguyễn Văn Lệ (đại diện vốn cho HFIC) là cổ đông sáng lập, Chủ tịch HĐQT BCI cũng từ nhiệm. Ngay sau đó, BCI công bố bổ nhiệm ông Trần Ngọc Henri (Phó Chủ tịch HĐQT) tiếp quản chiếc ghế của ông Lệ.

bci-fabfb

Văn phòng công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh

Hai cổ đông nước ngoài lớn là Red River Holdings và Vietnam Infrastructure Strategic Ltd cũng tiếp bước HFIC "tháo chạy" khỏi BCI. Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam công bố, quỹ Đầu tư Red River Holding bán toàn bộ gần 3,6 triệu cổ phiếu và hoàn tất việc thoái vốn tại BCI. Quỹ Vietnam Infrastruscture Strategic Ltd cũng đã chuyển nhượng gần 2 triệu cổ phiếu của BCI cho một quỹ khác là Forum One - VCG Partners.

Như vậy, tổng cộng gần 1/3 số lượng cổ phiếu đang lưu hành của BCI đã được các cổ đông lớn bán ra sau khi công ty này công bố tình hình kinh doanh ảm đạm. Một trong những cổ đông lớn lâu năm còn lại của BCI là ông Trầm Bê và ngân hàng Phương Nam.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, BCI đang gặp "đại hạn" bởi không chỉ các nhà đầu tư lớn ồ ạt bán cổ phiếu mà ngay cả kết quả kinh doanh cũng không mấy khả quan. Và đây là nguyên nhân chính khiến cổ đông thoái vốn.

Doanh thu trong 4 năm gần đây của BCCI đều kém hơn hẳn so với thời gian trước năm 2010. Điều này đã mang đến nỗi thất vọng lớn cho các cổ đông.

Trong quý I/2015, BCI chứng kiến doanh thu chỉ đạt 22,5 tỷ đồng, sụt giảm gần 70% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm 54% (với con số chưa được 10 tỷ đồng). Hàng loạt các dự án của BCI bị chậm so với kế hoạch và kéo theo đó hàng tồn kho tăng vọt lên trên 2132 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản của doanh nghiệp tính tới cuối năm vừa qua. Đáng lưu ý là khoản nợ phải trả lại trên 1.456 tỷ đồng (nợ ngắn hạn 336 tỷ đồng và dài hạn trên 1.120 tỷđồng).

Tại Đại hội cổ đông 2015, BCI đã thay đổi phương thức chia 10% cổ tức 2013 từ tiền mặt sang phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu. BCI cũng chủ trương rút bớt vốn đầu tư vào chung cư cao tầng và có thể thoái vốn, chuyển nhượng cho các nhà đầu tư có nhu cầu trong bối cảnh khoảng hơn 20 dự án của BCI đang gặp những vướng mắc pháp lý.

doanh-thu-bcci-sa-sut-manh-trong-4-nam-gan-day-3bbef

Doanh thu BCI sa sút mạnh tron 4 năm gần đây

Theo báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Maritime Bank đánh giá thì "Triển vọng năm 2015 của BCI chưa có nhiều yếu tố đột biến. Các dự án đất nền đang trong thời gian trì hoãn và chưa có động thái mạnh mẽ nào triển khai".

Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã kết luận về việc kiểm tra công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các dự án của BIC. Theo đó, BCI có nhiều sai phạm, cụ thể như đầu tư không đồng bộ, không đúng tiêu chuẩn, không phù hợp quy hoạch được duyệt. Trong số hơn 20 dự án BCI đang làm chủ đầu tư thì nhiều dự án chưa hoàn tất công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng; chưa hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, chưa đầu tư công viên…

"Cổ đông không mâu thuẫn với Trầm Bê"

BCI có nhiều lợi thế như quỹ đất rất lớn, thương hiệu lâu năm nhưng tốc độ tăng trưởng khá chậm. Thế nhưng, chiều muộn 28/7, trao đổi với Dân trí, lãnh đạo BCI cho rằng chưa có quý nào BCI bị lỗ. Cách điều hành chậm mà ổn định.

"Tính ổn định của công ty chúng tôi rất cao nên vượt qua sóng gió thị trường. Chưa có cổ đông nào phê bình chúng tôi làm ăn không tốt mà chỉ là thiếu tính đột biến vì quá thận trọng", ông Nguyễn Thuỵ Nhân, Tổng Giám đốc BCI nói.

Về việc các cổ đông lớn thoái vốn, ông Trần Ngọc Henri, Chủ tịch HĐQT BCI cho biết: "HFIC không nói rõ nguyên nhân nhưng có thể do chiến lược mới về đầu tư của TPHCM nên họ thoái vốn. Đây cũng là chủ trương chung của Chính phủ về thoát vốn toàn bộ các công ty đầu tư ngoài ngành sở hữu dưới 30% khỏi công ty nhà nước. Còn với Red River Holdings và Vietnam Infrastructure Strategic Ltd, họ không thoái vốn ra ngoài mà chuyển qua một quỹ khác theo thoả thuận nội bộ".

cu-dan-nhat-lan-3-keo-den-so-bcci-ngay-3122014-d9d63

Cư dân Nhất Lan 3 phản đối chủ đầu tu BCI

Lãnh đạo BCI khẳng định việc thoái vốn không ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư. Ngược lại, 1.500 nhà đầu tư của BCI "phấn khởi" bởi giá cổ phiếu tăng từ 16.000 đồng lên 20.000 đồng.

Ông Henri cũng bác bỏ thông tin nguyên nhân nhà đầu tư rút vốn khỏi BCI là do có mâu thuẫn với ông Trầm Bê. Lãnh đạo BCI cho biết, ông Trầm Bê hiện là thành viên HĐQT của BCI, là cổ đông sáng lập. Nhân vật được nhắc đến nhiều sau vụ thâu tóm Sacombank đang nắm giữ 3,06% cổ phần tại BCI, ngân hàng Phương Nam nắm 12,93%. Cá nhân có cổ phiếu lớn nhất ở BCI là ông Henri với 6,67% cổ phần.

"Anh Bê đâu có bị gì để mà cổ đông thoái vốn. Việc cổ đông lớn thoái vốn là theo chiến lược của họ chứ tôi chưa nghe có mâu thuẫn cá nhân với anh Bê. Chưa có kiện tụng, không ai phàn nàn", ông Henri khẳng định.

Những ngày qua, dù có dư luận cho rằng nguyên nhân cổ đông lớn rút khỏi BCI là do mâu thuẫn với ông Trầm Bê; nhưng vị đại gia này không phản hồi gì đến BCI cũng như hoàn toàn im lặng trước "cáo buộc" này.