Đại gia Việt chia lại thị trường

Vài tuần gần đây, thị trường lại rộ tin “rỉ tai” Masan Group chính thức sở hữu GreenFeed. Một nguồn tin cho hay hai bên đang đàm phán ở mức định giá GreenFeed tại thời điểm này là 500 triệu USD, cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2012 là 164 triệu USD.

GreenFeed là một doanh nghiệp nội địa nắm bốn nhà máy thức ăn chăn nuôi có công suất hơn nửa triệu tấn cùng hệ thống trang trại chăn nuôi heo khép kín, trải dài suốt từ Bắc chí Nam. Thông tin bán GreenFeed thật ra đã xuất hiện từ năm ngoái. Và nay, nếu Masan Group hoàn thành việc sở hữu GreenFeed thì cuộc đua nắm giữ thị phần thức ăn chăn nuôi, lĩnh vực có quy mô lên tới 8 tỉ USD/năm đã thay đổi đáng kể.

Nội lấn lướt ngoại

Cuối tháng 4.2015, trong một động thái đầy bất ngờ, Masan công bố nắm được quyền kiểm soát đối với hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi là Proconco (sở hữu 52%) và Anco (sở hữu 70% cổ phần). Hai khoản đầu tư này được Masan sở hữu gián tiếp thông qua Masan Nutri-Science (MNS), trước đây là công ty TNHH Sam Kim. Trên thị trường hiện nay, sản lượng thức ăn của Proconco và Anco cộng lại khoảng 1,7 triệu tấn, chỉ đứng sau C.P Việt Nam. Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư vào GreenFeed là thật, khi đó, Masan có trong tay khoảng trên 2,2 triệu tấn thức ăn và nghiễm nhiên, đã cân bằng thị phần với đối thủ số một là C.P Việt Nam.

Tương tự như Masan là Thuỷ sản Hùng Vương (HVG). Được biết đến với hoạt động chế biến thuỷ sản, Hùng Vương hiện sở hữu sáu nhà máy sản xuất thức ăn, công suất 905.000 tấn/năm. Năm 2015, nhiều khả năng HVG sẽ đạt sản lượng 1,2 triệu tấn thức ăn thuỷ sản dành cho cá tra, vượt xa mục tiêu 1 triệu tấn đề ra hồi đầu năm và chính thức trở thành doanh nghiệp nắm thị phần lớn nhất mảng thức ăn thuỷ sản tại Việt Nam.

Tuy chưa công bố chính thức, nhưng gần đây HVG có động thái tích cực chuyển sang lĩnh vực thức ăn gia súc. Một nguồn tin tin cậy tiết lộ, HVG đã đạt thoả thuận với các tập đoàn hàng đầu về lĩnh vực chăn nuôi heo Đan Mạch, để nhập trọn gói con giống, thiết bị chuồng trại, nhà máy thức ăn, Remix, thuốc thú y cho dự án chăn nuôi heo khép kín. Dự kiến, HVG sẽ dành ra khoảng 2.000 tỉ đồng cho khoản đầu tư này để nhắm tới mục tiêu đến 2018 có thêm 1,2 - 1,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi và hàng triệu con heo thương phẩm.

Một đại gia khác là tập đoàn Hoà Phát (HPG) cũng đang có bước đi táo bạo sang lĩnh vực chăn nuôi. Hoà Phát vừa mới thành lập công ty chăn nuôi thứ hai tại Đồng Nai với vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Theo thông tin công bố, đầu năm 2016, đại gia ngành thép này sẽ có sản phẩm thức ăn chăn nuôi đầu tiên ra thị trường, qua đó, chính thức bước vào cuộc đua của ngành chăn nuôi với tham vọng đạt doanh số 8.000 tỉ đồng ở lĩnh vực này vào năm 2016.

Với việc ba đại gia cùng lúc tham gia thị trường, rõ ràng thị phần thức ăn đã, đang nghiêng hẳn về các doanh nghiệp nội địa. Giới chăn nuôi dự đoán trong tương lai gần, cùng lắm là đến giữa năm 2016, thị phần thức ăn của Hùng Vương, Hoà Phát và Masan cộng lại sẽ chiếm không dưới 40%. Điều này sẽ là bước đột phá, làm xoay chuyển đáng kể thị trường thức ăn vốn luôn được dư luận đánh giá chỉ do doanh nghiệp FDI thao túng…

Đổi ngôi

Hội nghị cổ đông tổ chức hồi tháng 4 năm nay, Masan Group công bố trong năm năm tới sẽ không chia lợi nhuận tại Masan Nutri-Science. Điều này đồng nghĩa với việc, Masan sẽ dành toàn bộ lợi nhuận để… lấy thị trường. Vài tháng gần đây, Masan bắt đầu chi hàng trăm tỉ đồng quảng cáo sản phẩm cám Con cò và Anco trên truyền hình.

Giới chăn nuôi cho hay Masan đang làm mọi cách để lấy thị phần thật nhanh trước khi các đối thủ khác nhảy vào. Ngoài đổ tiền quảng cáo, người chăn nuôi ở khu vực phía Nam cũng cho hay họ có thể mua được thức ăn Con cò và Anco trực tiếp từ nhà máy chứ không thông qua đại lý như trước. Đây là kiểu kinh doanh mới, bỏ qua trung gian, tiếp cận trực tiếp xuống các trại nhằm cắt giảm tối đa chi phí…

Thuỷ sản Hùng Vương cũng đang thực hiện chiến lược này. Thay vì lệ thuộc vào đại lý, gần đây Hùng Vương "rót" thức ăn trực tiếp xuống các nông trại cá tra. Theo tính toán, cách làm này giúp người nuôi tiết kiệm ít nhất 10 - 15%
giá thành nhờ cắt giảm các công đoạn bao bì, huê hồng đại lý, vận chuyển lòng vòng….

Theo hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đến hết năm 2014, doanh nghiệp FDI mặc dù sở hữu chỉ có 58 nhà máy thức ăn nhưng chiếm 60 - 65% thị phần so với doanh nghiệp trong nước nắm giữ 144 nhà máy. Trong đó, công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam chiếm 19,4%, công ty TNHH Cargill chiếm 8,1%… Thực tế là C.P Việt Nam với sản lượng thức ăn khoảng 2,4 triệu tấn trong năm ngoái nhưng chỉ có 40% sản lượng tham gia thị trường, 60% còn lại được sử dụng trong hệ thống nuôi gia công theo kiểu "tự sản tự tiêu". Còn với Cargill hay Uni-President, vài năm trở lại đây, mảng thức ăn thuỷ sản vốn là thế mạnh của hai đại gia này không còn, do bị Hùng Vương lấy mất thị phần.

Có thể thấy, sự vào cuộc của các đại gia Việt như Masan Group hay Hùng Vương, Hoà Phát đang là đối trọng đáng gờm với các doanh nghiệp FDI.