Đại gia thủy sản bỏ trốn, hàng loạt cán bộ ngân hàng hầu tòa

Sử dụng các bản báo cáo tài chính khống và một số chiêu trò khác để vay vốn ngân hàng, đến khi mất khả năng chi trả, ông Lâm Ngọc Khuân cùng gia đình bỏ trốn ra nước ngoài để lại món nợ “kếch xù”, khiến hàng loạt cán bộ ngân hàng phải hầu tòa.

Xài tiền “chùa”

Sáng 20.7, TAND tỉnh Sóc Trăng xét xử sơ thẩm công khai vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Cty TNHH Phương Nam, có trụ sở chính tại phường 7, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng (gọi tắt là Cty Phương Nam).

Buổi sáng, HĐXX tiến hành bước thẩm tra lý lịch 27 bị cáo. Trong đó, Lâm Minh Mẫn, nguyên Kế toán trưởng và nguyên Phó giám đốc Cty Phương Nam Trịnh Hồng Phượng (cùng 35 tuổi) bị truy tố tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 25 bị can còn lại nguyên là cán bộ các ngân hàng có chi nhánh tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu bị cáo buộc tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

 Đại gia thủy sản bỏ trốn, hàng loạt cán bộ ngân hàng hầu tòa - 1
Bị cáo Trịnh Hồng Phượng - nguyên Phó giám đốc Cty Phương Nam và các bị cáo khác tại tòa sáng 20.7.

Tham gia bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo tại phiên tòa có gần 30 luật sư và các ngân hàng có liên quan. Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lý Thị Thu Nga - Phó Chánh tòa Kinh tế (TAND tỉnh Sóc Trăng).

Theo cáo trạng, Cty Phương Nam được thành lập vào năm 1998, với ngành nghề kinh doanh là thu mua chế biến tôm xuất khẩu, tiêu thụ nội địa và mua bán thức ăn tôm, vật tư phục vụ nuôi tôm. Đến năm 2010, Cty Phương Nam được cấp đăng ký kinh doanh thành Công ty CP Chế biến thực phẩm Phương Nam, với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Trong đó, ông Lâm Ngọc Khuân làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Cty; Lâm Ngọc Hân (con gái ông Khuân) làm Phó giám đốc; Trịnh Hồng Phượng làm Phó giám đốc phụ trách kinh doanh; Lâm Minh Mẫn làm Kế toán trưởng…

Từ năm 2008 đến cuối tháng 9.2012, Cty Phương Nam kinh doanh thua lỗ trên 996 tỷ đồng, nhưng Khuân chỉ đạo cho con gái và cấp dưới lập 19 báo cáo tài chính khống cho thấy Cty kinh doanh có lãi gần 41 tỷ đồng và nâng khống lượng hàng hóa tồn kho có giá trị từ 123 tỷ đồng lên trên 747 tỷ đồng để thế chấp tại các ngân hàng vay vốn.

Ngoài ra, ông Khuân còn chỉ đạo cấp dưới gian dối trong việc thế chấp tài sản hàng tồn kho là tôm đông lạnh; dùng một tài sản là hàng tồn kho thế chấp nhiều ngân hàng; cung cấp các báo cáo, số liệu về tình hình sản xuất kinh doanh và hàng tồn kho khi cán bộ ngân hàng xuống kiểm tra việc sử dụng vốn vay nhằm che giấu việc sử dụng vốn sai mục đích để chiếm đoạt số tiền trên 784,8 tỷ đồng của 5 ngân hàng: LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và ABbank Bạc Liêu.

Khi vay được tiền, ông Khuân sử dụng vào mục đích cá nhân và chiếm hưởng. Từ năm 2008 đến năm 2011, Khuân cùng vợ là Trần Thị Mỹ dùng tiền vay các ngân hàng xây dựng biệt thự (thực tế là lâu đài) của gia đình tại khóm 2, phường 7, TP.Sóc Trăng. Để sử dụng tiền vay, ông Khuân chỉ đạo Trịnh Hồng Phượng và Lâm Minh Mẫn ký hợp đồng thi công xây dựng với nội dung là thi công văn phòng của Cty, nhưng trên thực tế khi biệt thự được xây xong, Khuân làm thủ tục hợp thức hóa căn biệt thự cho vợ là bà Mỹ đứng tên chủ sở hữu.

Ngoài ra, vợ chồng Khuân vào năm 2009, còn sử dụng vốn vay mua căn hộ ở phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM, rồi chỉ đạo Hân và Mẫn lấy hàng trăm triệu đồng tiền của Cty chi trả cho đơn vị bán căn hộ.

 Đại gia thủy sản bỏ trốn, hàng loạt cán bộ ngân hàng hầu tòa - 2

Chân dung ông Lâm Ngọc Khuân và con gái Lâm Ngọc Hân.

Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 1.2008 đến cuối tháng 9.2011, Lâm Ngọc Hân và Lâm Minh Mẫn còn giúp Khuân chi tạm ứng hơn 71 tỷ đồng, bằng 176 chứng từ (đã hoàn ứng hơn 65 tỷ đồng, bằng 158 chứng từ) để Khuân có tiền đi nước ngoài, tiếp khách…

Cáo trạng xác định: Trong các phi vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Khuân và Lâm Ngọc Hân có vai trò chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo Lâm Minh Mẫn và Trịnh Ngọc Phượng thực hiện các hành vi trên để chiếm đoạt số tiền trên.

Cán bộ ngân hàng giúp sức

Theo Viện kiểm sát: Căn cứ tài liệu điều tra tại 5 ngân hàng: LPB Hậu Giang, VDB Sóc Trăng, VCB Sóc Trăng, Sacombank Sóc Trăng và ABbank Bạc Liêu, đã có đủ cơ sở xác định hành vi “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” của các cán bộ ngân hàng trong thẩm định hồ sơ vay vốn, thẩm định tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, quản lý tài sản là hàng tồn kho để thế chấp cho ngân hàng, giải ngân và kiểm tra sau giải ngân không đúng đã vi phạm khoản 3, Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng...

Một số cán bộ ngân hàng như Nguyện Thế Thắng, Nguyễn Văn Xem (nguyên Giám đốc và Phó giám đốc Ngân hàng VDB Sóc Trăng) được xác định gây thiệt hại hơn 343 tỷ đồng cho VDB Việt Nam; hay bị cáo Đỗ Hùng Sở (Giám đốc Ngân hàng LPB Hậu Giang) đã ký 5 hợp đồng tín dụng và phụ kiện hợp đồng tín dụng (trong đó có 3 hợp đồng tín dụng và và phụ kiện hợp đồng tín dụng chưa hoàn tất) với Cty Phương Nam, nhưng không chỉ đạo cán bộ cấp dưới kiểm tra, xác minh tài sản của Cty này đem thế chấp, không chỉ đạo kiểm tra thực tế hàng tồn kho của Cty…, đã gây hậu quả thiệt hại gần 259 tỷ đồng…  

 Đại gia thủy sản bỏ trốn, hàng loạt cán bộ ngân hàng hầu tòa - 3
Tòa lâu đài của ông Khuân được xây dựng bằng tiền vay của các ngân hàng.

Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Long (nguyên Giám đốc Sacombank Sóc Trăng) bị cáo buộc dù biết Cty Phương Nam sử dụng vốn sai mục đích, nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới giải ngân cho vay để Khuân chiếm đoạt nợ gốc gần 147 tỷ đồng. Còn bị can Nguyễn Văn Sơn (nguyên Giám đốc ABBank Bạc Liêu) biết Cty Phương Nam còn nợ trên 42 tỷ đồng, không có khả năng thanh toán, nhưng vẫn chỉ đạo tiếp tục cho Cty này giải ngân hơn 83 tỷ đồng để công ty trả nợ cũ, qua đó bị chiếm đoạt trên 80 tỷ đồng.

Trong 25 bị cáo là cán bộ ngân hàng thì Ngân hàng VDB Sóc Trăng có 5 bị cáo; Ngân hàng LPB Hậu Giang có 8 bị cáo; Ngân hàng Sacombank Sóc Trăng có 6 bị cáo...

Hiện Cơ quan điều tra đang truy nã đối với ông Khuân và con gái, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.

Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra từ ngày từ 20- 31.7.