Theo tiến sĩ Thiên, xu hướng hiện nay của nền kinh tế là chuyển đổi sang phát triển, tăng trưởng có chất lượng, gắn với chuyển đổi cơ cấu. Muốn vậy, phải làm được 2 việc lớn.
Thứ nhất là đầu vào, phải có giống tốt, công nghệ tốt thì giá trị gia tăng mới cao, mới vươn ra được thị trường thế giới.
Thứ hai là đầu ra, liên quan đến thị trường thế giới. VN đang tăng cường đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới với EU, Hàn Quốc…
Muốn hội nhập với các FTA thì phải làm lớn và chỉ có các doanh nghiệp (DN) lớn mới giúp thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết đầu ra cho nông dân, giải quyết vấn đề chiến lược của nông nghiệp.
* Cụ thể theo ông, việc các DN lớn đầu tư vào nông nghiệp còn giúp thay đổi gì trong những vấn đề như chất lượng sản phẩm, đầu ra…?
- Hàng loạt “đại gia” nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp như Tập đoàn Hòa Phát làm thức ăn chăn nuôi, TH Truth Milk chăn nuôi bò lấy sữa, Vingroup cũng tham gia đầu tư nông nghiệp…
Điều tin cậy là những DN này đã làm thì họ làm trên quy mô lớn, làm thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp mà bao nhiêu năm nay Bộ NN-PTNT vẫn loay hoay. Vì sản xuất nông nghiệp mà cứ làm cá thể, làm nhỏ thì không có cách nào chuyển đổi cơ cấu được.
Điểm quan trọng là khi họ đầu tư thì họ kiểm soát được chất lượng sản phẩm mà người nông dân làm ra. Trước đây, các hộ nông dân làm thì mỗi người một tí, chất lượng không đồng đều nhưng DN họ áp dụng được công nghệ vào, có quản trị thì chất lượng đảm bảo, đồng đều.
Với các DN lớn, họ còn có điều kiện tiếp xúc đối tác, tiếp xúc các thị trường bên ngoài, biết cách thức xúc tiến thương mại, định hướng được thị trường vì họ phải xác định năng lực cạnh tranh.
* Tuy nhiên, việc cùng lúc nhiều nhà đầu tư đổ xô vào nông nghiệp thì có vấn đề gì phải lưu ý không?
- Điểm đáng phải quan tâm nhất là các DN lớn họ thường làm trên diện tích lớn thì quan hệ với nông dân chắc chắn có vấn đề. Đất sử dụng đó, người nông dân vẫn đang trồng cấy, sinh sống trên đó. Việc mua lại hay được giao đất sẽ vẫn có những ảnh hưởng, tác động nhất định đến nông dân.
Nếu chỉ có DN được hưởng lợi nhưng người dân hưởng lợi ít hơn thì khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo lại tăng lên, gây bất bình đẳng trong xã hội. Tôi nghĩ, chúng ta phải hướng tới, đảm bảo sản xuất nông nghiệp tiến lên công nghệ cao, thâm nhập được thị trường thế giới nhưng trong quá trình đó người nông dân cũng phải được hưởng lợi.
* Ông có cho rằng, việc nhiều nhà đầu tư tư nhân lớn tham gia đầu tư vào nông nghiệp là đón trước khả năng VN ký kết Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ mở cửa cho đầu ra tiêu thụ nông sản VN?
- Cũng có câu chuyện đó vì ngành nông nghiệp có những lợi thế lớn có thể bứt lên hàng đầu thế giới. Đó là sự lựa chọn rất chuẩn. Hơn nữa, đầu tư vào nông nghiệp hiện nay chính sách chung của nhà nước là ủng hộ nên tiếp cận đất đai dễ hơn và có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ, nhất là đầu tư vào các vùng khó khăn, vùng miền núi.
Nhưng như tôi đã nói, có mỗi chuyện đáng lưu ý là doanh nhân cũng phải gắn kết với nông dân để nông dân cũng được hưởng lợi. Vì trong đầu tư, kinh doanh nông nghiệp, DN đương nhiên hưởng lợi nhưng nông dân thì chưa chắc.
Toàn bộ thiết chế nhà nước hiện nay phải làm sao để nông dân cũng được tham gia vào chuỗi đó. Do đó, rất nên bàn kỹ câu chuyện này, vì bây giờ vốn cứ ào ạt đổ vào, các địa phương thấy sản lượng ở địa phương mình tăng lên, lợi nhuận tăng, thu ngân sách tăng mà người dân có nơi lại nghèo đi, không có đất sản xuất là thành chuyện ngay.
* Cũng không phải nhà đầu tư nào vào nông nghiệp đều có thể đem lại thay đổi tích cực, thậm chí cảnh báo là “thảm họa” nếu trồng trên quy mô lớn mà không có đầu ra?
- Nói chung, đầu tư nông nghiệp thì hiệu quả kinh tế nó phải gắn với thị trường, có quy hoạch, có kỹ thuật. Chứ lúc này bảo trồng cái này mới tốt, lúc khác bảo trồng cây kia mới tốt thì không ổn. Nhưng các đại gia họ sẽ biết nên làm gì. Còn quy hoạch chỉ mang tính định hướng.