Nợ nhiều, chi phí lãi vay "ăn mòn" lợi nhuận
Tiêu biểu trong danh sách này chính là CTCP Thép Pomina (mã POM) khi công ty “ngậm ngùi” lỗ ròng 25,3 tỷ đồng trong 2014.
Trên thực tế, lợi nhuận Pomina đã bắt đầu giảm sút mạnh từ năm 2012 và ghi lỗ từ 2013 đến nay. Năm 2013, công ty lỗ tới 219 tỷ đồng. Hiện công ty còn khoản lỗ lũy kế trên bản cân đối kế toán khoảng 215 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Pomina tính đến cuối 2014 khá lớn, trên 9.504 tỷ đồng, tăng thêm hơn 2.000 tỷ đồng so với đầu 2014. Tuy nhiên cơ cấu tài chính của doanh nghiệp này lại không bền vững khi nợ phải trả chiếm đến 7.135 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 6.345 tỷ đồng nợ ngắn hạn.
Chính bởi khoản tiền nợ ngân hàng lớn dẫn tới công ty phải chịu một phần chi phí lãi vay không nhỏ, ăn mòn đến lợi nhuận ròng. Năm 2014, khoản chi phí lãi vay của công ty lên tới 274 tỷ đồng, năm 2013 con số này là 235 tỷ đồng.
Danh sách này còn có sự góp mặt của những “đại gia” có tổng tài sản lớn, trên 10.000 tỷ đồng. Cụ thể là “ông lớn” ngành xây dựng: Vinaconex.
Ngoại trừ năm 2012 sụt giảm quá mạnh, Vinaconex vẫn “đều đều” mỗi năm thu về lợi nhuận chỉ bằng 1 góc nhỏ của nguồn vốn khổng lồ.
Vinaconex còn hơn 2.507 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 3.583 tỷ đồng nợ dài hạn. Khoản nợ này đã khiến công ty “gánh” một phần chi phí lãi vay không nhỏ, ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng thu về.
Cụ thể, năm 2014, chi phí lãi vay VCG phải trả khoảng 221 tỷ đồng, mặc dù khoản chi phí này đã giảm so với năm trước đó (2013 chi phí lãi vay trên 663 tỷ đồng) nhưng đã chiếm 22% lợi nhuận gộp. Ngoài ra việc bị lỗ từ hoạt động khác cũng làm hụt lợi nhuận thu về.
Tiền nhiều, “mắc kẹt” ở đâu?
Bất động sản Phát Đạt (mã PDR) có tổng tài sản trên 6.052 tỷ đồng. Trong đó, khoản hàng tồn kho của công ty đang chiếm 5.413 tỷ đồng, tương đương 89% tổng tài sản.
Gần 5.500 tỷ đồng này đang mắc kẹt tại 4 dự án: The EverRich 2, EverRich 3, dự án Nhà Bè và dự án Long Thạnh Mỹ. Báo cáo tài chính công ty này cũng cho biết giá trị hàng tồn kho tại 4 dự án này chủ yếu do khoản tiền bồi thường đất.
Khoản lợi nhuận 42 tỷ đồng trong năm 2014 cũng đã được xem là tín hiệu khả quan với PDR khi 3 năm liền kề trước đó, công ty lãi chưa đến 10 tỷ đồng/năm. PDR cho biết lợi nhuận 2014 đến từ doanh thu từ việc bàn giao căn hộ thuộc dự án The EverRich 2 và chuyển nhượng một phần đất thuộc dự án Long Thạnh Mỹ.
Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) đã lỗ 2 năm liên tục trong 2012 và 2013. Năm vừa qua, công ty ghi nhận lãi ròng 118 tỷ đồng. Tuy nhiên khoản lỗ lũy kế trên bảng cân đối kế toán vẫn còn tới 2.933 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần của công ty cũng chỉ còn 0,1 tỷ đồng.
Tuy là doanh nghiệp có tổng nguồn vốn khủng, trên 15.944 tỷ đồng nhưng cơ cấu nguồn vốn của công ty này vẫn chủ yếu là “nợ”.
Nợ phải trả của PVX tính đến thời điểm 31/12/2014 khoảng 13.058 tỷ đồng. Tuy nợ ngân hàng của PVX không nhiều như các doanh nghiệp khác nhưng tiền của PVX vẫn đang “mắc kẹt” bởi hơn 2.437 tỷ đồng phải trả người bán, 5.611 tỷ đồng tiền người mua trả trước.
Giá vốn hàng bán lớn khiến lợi nhuận gộp của PVX còn lại không nhiều, khiến công ty khó khăn trong việc “chống chọi” với các loại chi phí. Năm vừa qua, mặc dù 2 quý đầu công ty vẫn ghi lỗ nhưng nhờ việc chuyển giao tài sản dự án Xi măng Cẩm Phả với giá trị 383,8 tỷ đồng khiến PVX thoát khỏi chuỗi lỗ khủng liên tiếp.
Ngoài ra còn nhiều doanh nghiệp có nguồn vốn khủng nhưng lợi nhuận thu về năm vừa qua chưa bằng 1%. Tiêu biểu trong danh sách này là DIG với lợi nhuận 2014 đạt 21 tỷ, bằng 0,4% tổng nguồn vốn (5.044 tỷ đồng), Sacomreal lãi 27 tỷ đồng, bằng 0,5% tổng tài sản (5.404 tỷ đồng).