Tại Hội nghị"Phổ biến một số quy định mới về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK" do Sở GDCK Hà Nội tổ chức, đại diện SCIC đã đưa ra thực trạng việc bán vốn cổ phần của Tổng công ty và cũng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn.
Theo đại diện SCIC, tính đến thời điểm hiện tại tổng công ty SCIC đã tiếp nhận vốn gần 1.000 DN và đã thoái vốn được 678 DN, thu về khoảng 6.000 tỷ đồng, giá trị thu về cao hơn giá vốn 2,2 lần.
Trong số gần 1.000 DN SCIC tiếp nhận có nhiều DN khó khăn trong đó 17% DN kinh doanh thua lỗ liên tục nên việc bán vốn rất khó khăn.
Theo quyết định 2344 của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu DNNN, cuối năm 2015 SCIC sẽ chỉ giữ vốn ở 100 DN, hiện tại SCIC còn giữ vốn gần 300 DN chưa kể bao gồm số tiếp nhận thêm trong năm nay. Nghĩa là trong năm nay SCIC sẽ phải bán vốn trên 300 DN trong đó có hơn 100 công ty đại chúng và công ty niêm yết.
3 tháng đầu năm 2015 SCIC mới bán được 22 doanh nghiệp, giá trị bán tăng 3,3 lần có nghĩa là từ nay đến cuối năm mỗi ngày SCIC phải bán 1 DN, theo đại diện SCIC đây là một nhiệm vụ rất lớn của Tổng công ty.
Theo đại diện SCIC, trong quá trình thoái vốn 10 năm trở lại đây SCIC gặp rất nhiều khó khăn, trước đây khi tính giá trị công ty phải tính giá đất kể cả đất thuê vào giá bán nên rất khó bán. Hiện nay quy chế bán vốn cơ bản đã hoàn thiện, đề cập và xử lý được các tồn tại vướng mắc, một số cơ chế thể hiện trong Quyết định 51 nhưng một số cơ chế thì chưa.
Thứ nhất, về giá khởi điểm, có cơ chế hạ giá 3 lần mỗi lần 10% nhưng tại một số DN xác định ngay từ đầu chỉ có 1 doanh nghiệp quan tâm thì họ không tham gia ngay từ đầu mà chỉ tham gia vòng 3, điều này làm cho việc bán vốn thu về giá trị không cao (giảm 30%) và thời gian bán vốn kéo dài.
Khi DN kinh doanh thua lỗ, giá trị cổ phần không đạt được mệnh giá và giá trị giao dịch rất thấp thì SCIC bán theo mệnh giá, nếu không bán được xác định đúng giá trị và lấy làm giá khởi điểm, theo cơ chế này có doanh nghiệp SCIC bán cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cp với giá 500 đồng/cp.
Về việc bán vốn cho người lao động. Các DN hiện nay bán vốn có quy mô nhỏ, các NĐT tham gia với tư cách NĐT chiến lược còn các nhà đầu tư ngoài không quan tâm, chủ yếu bán cho người lao động, SCIC đề xuất trích 30% cổ phần bán cho người lao động hoặc NĐT chiến lược.
Thứ hai, Nghị định 51 chưa cho phép SCIC bán cả lô. Trong quá trình thoái vốn cổ phần nhiều nhà đầu tư muốn mua cả lô để có thể tham gia quản lý doanh nghiệp, trong các thương vụ này NĐT sẵn sàng trả giá cao. Có trường hợp NĐT chỉ cần mua thêm một khoản nhỏ là có thể chi phối công ty thì phần còn lại không ai mua nên SCIC kiến nghị bán cả lô thì bán rất dễ và hiệu quả cao. Khi bán cả lô phát sinh 2 vấn đề, bán cả lô cho công ty niêm yết và công ty đại chúng bắt buộc NĐT phải chào mua công khai, nếu phải ghi rõ giá chào mua thì lộ thông tin, SCIC đề xuất không phải ghi rõ giá, khi nào đến phiên đấu giá mới ghi.
Theo đại diện SCIC phải tuyệt đối tuân thủ quy chế bán đấu giá, có trường hợp không có lợi cho người bán nhưng phải tuân thủ. Ví dụ có công ty bán đấu giá công khai có nhiều NĐT quan tâm, đến thời điểm bỏ giá NĐT hỏi có cần nhét phong bì không vì đó là hình thức, nhưng kết quả người muốn mua thì không trúng còn mất tiền đặt cọc, trong khi người không muốn mua lại trúng.
Cuối cùng, trong Quyết định 51 Thủ tướng giao SCIC 2 việc, thoái vốn cổ phần và tham gia mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành và lĩnh vực tài chính ngân hàng, điều kiện mua lại là khi doanh nghiệp bán đấu giá không thành công, bán thỏa thuận không được, NHNN không xử lý được, không nhận về được hoặc không bán chỉ định cho ngân hàng nào đó được thì mới bán cho SCIC. Nhưng bên cạnh đó với SCIC thì Thủ tướng yêu cầu mua phải có hiệu quả và có lãi. Điều này rất mâu thuẫn.
Theo đại diện SCIC, thay vì để SCIC mua lại vốn cổ phần của các DN cổ phần hóa thì nên cho SCIC tiếp nhận lại doanh nghiệp để tái cơ cấu lại.