Dai dẳng

Dai dẳng "cuộc chiến vương quyền" ở EFI

(NDH) Cùng với sự bất đồng kéo dài trong nội bộ HĐQT, là sự căng thẳng trong cuộc đua nắm giữ cổ phần tại EFI. EFI vẫn chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2015. Chiếc ghế thứ 5 trong HĐQT vẫn chưa tìm ra báo hiệu cuộc chiến vương quyền sẽ còn dai dẳng tại DN này.

ĐHĐCĐ bất thường EFI được tổ chức tại 187 Giảng Võ

Gay cấn ngay từ khi bầu đoàn Chủ tịch

Ngày 16 tháng 12 năm 2015, NXB Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2015 của CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (mã EFI - HNX) tại địa điểm 187 Giảng Võ, Quận Đổng Đa, Thành phố Hà Nội. NXB Giáo dục hiện là cổ đông nắm giữ 12,81% vốn điều lệ của EFI.

Ngoài cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, cán bộ, nhân viên Công ty EFI, Đại hội còn có sự tham gia của bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Giám đốc Phòng quản lý niêm yết Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, ông Vũ Văn Hùng, Tổng Giám đổc - Tổng biên tập NXBGDVN, ông Hoàng Lê Bách, Phó Tổng Giám đốc NXBGDVN - Giám đốc NXBGD tại Hà Nội.

Đại hội đã có sự tham gia của cổ đông và người ủy quyền, đại diện cho 9.657.146 cổ phần chiếm 88,7605% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết và đủ điều kiện để tiến hành. Tuy nhiên, một diễn biến có phần bất ngờ đã xảy ra.

Theo biên bản Đại hội, buổi họp này diễn ra căng thẳng ngay từ khi giới thiệu danh sách Đoàn Chủ tịch (gồm một Chủ tọa và một ủy viên. Chỉ 58,16% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành. Một số cổ đông đã không đồng thuận và liên tục có ý kiến phát biểu, tranh luận căng thẳng.

Đại hội nhận thấy do không thống nhất được danh sách Đoàn Chủ tịch nên toàn thể Đại hội đã biểu quyết tạm dừng và đồng ỷ để NXBGDVN sẽ tiếp tục tổ chức Đại hội. Tới 12 giờ 30’ ngày 16 tháng 12 năm 2015, Đại hội mới kết thúc dù chưa thể thực sự bắt đầu.

"Cuộc chiến vương quyền"vẫn chưa thể có hồi kết

Cuộc họp này được tổ chức nhằm bầu ra thành viên HĐQT thứ năm cho EFI. Nguyên nhân là bởi vào cuối tháng 2/2015, Chủ tịch HĐQT của ty EFI từ nhiệm. Từ đó, EFI chỉ còn 4 thành viên, ít hơn so với quy định tối thiểu (phải có từ 5 thành viên). Các quyết định của công ty do đó liên tục gặp khó khăn và EFI không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 dù hiện nay đã là những ngày cuối cùng của năm. Nguyên nhân là bởi ĐHĐCĐ thường niên chỉ được tổ chức sau khi bầu bổ sung thêm được thành viên HĐQT.

Không giống các cuộc họp ĐHĐCĐ thông thường khác, Đại hội này được tổ chức bởi cổ đông lớn NXB Giáo dục. Trước buổi họp này, NXB Giáo dục cũng đã 2 lần đề nghị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên tới HĐQT và Ban Kiểm soát công ty nhưng bất thành.

Có tổng cộng hai ứng viên đại diện cho hai nhóm cổ đông tranh cử vào chiếc ghế nóng trong HĐQT là ng Lê Thành Anh - Phó TGĐ Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) và ông Nguyễn Quang Vinh.

Được biết ông Lê Thành Anh là ứng viên được cổ đông lớn là NXBGDVN (nắm giữ 12,81% số cổ phần có quyền biểu quyết liên tục trong 6 tháng) đề cử.

Ônng Nguyễn Quang Vinh đại diện cho nhóm cổ đông nắm giữ 25,03% cổ phần có quyền biểu quyết liên tục trên 6 tháng bao gồm CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR), Quỹ America LLC và ông Nguyễn Quang Vinh. Ông Vinh hiện là cổ đông lớn nhất của EFI.

Cơ cấu cổ đông EFI

EFI là một cổ phiếu thanh khoản "bèo bọt" trên HNX. Điều này có thể được lý giải bởi số lượng cổ phiếu khá ít, chỉ gần 11 triệu cổ phiếu cùng việc gần 55% cổ phần EFI nằm trong tay các cổ đông lớn.

Tuy vậy, giao dịch của các cổ đông lớn, cổ đông nội bộ lại khá nhộn nhịp, nhất là từ tháng 3/2015 khi EFI vắng bóng vị nữ Chủ tịch. Các giao dịch này chủ yếu là từ ông Nguyễn Quang Vinh, PVR. Chủ tịch PVR là ông Nguyễn Tuấn Anh đồng thời cũng là thành viên HĐQT của EFI hiện đang đăng ký mua tới 1,088 triệu cổ phiếu. Đây đều là nhóm cổ đông đứng ra đề cử cho ông Vinh. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, nhà đầu tư cá nhân này từ việc "chân ướt chân ráo" trở thành cổ đông lớn của EFI thì nay đã là cổ đông lớn nhất. PVR cũng mới trở thành cổ đông của EFI từ tháng 10/2014.

Sự ra đi của bà Lã Thị Thanh Vân theo sự điều động của NXB Giáo dục và nguyện vọng cá nhân và sau đó là sự xuất hiện ngày càng rõ nét của nhóm cổ đông mới đã khiến tình hình của EFI trở nên rất bất ổn.

Lao đao theo Dự án 187 Giảng Võ?

Nguồn thu chính của EFI trong năm 2014 đến từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi, đầu tư tài chính) và kinh doanh dịch vụ quản lý tòa nhà. Thực tế, EFI đang nắm giữ các bất động sản tại Hà Nội và Đà Nẵng với giá trị đầu tư 70,2 tỷ đồng. Nhưng đến cuối năm 2014, những bất động sản này đều đnag bị giảm giá. Thông qua CTCP Đầu tư IP Việt Nam, EFI đã góp 13 tỷ đồng vào Dự án 187 Giảng Võ.

Khi mới chào sàn năm 2010, EFI đánh giá đây là một dự án rất khả thi và tiềm năng. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại, dự án được đầu tư từ năm 2008 nhưng đến nay vẫn nằm đắp chiếu do chưa được phép thi công. Dù đến thời điểm đầu năm 2015, EFI vẫn đặt mục tiêu tiếp tục tham gia dự án này. Nhưng khá bất ngờ khi trong quý II/2015, toàn bộ phần vốn góp tham gia dự án đã được EFI chuyển nhượng hòa vốn cho đối tác khác.

Quyền đầu tư vào dự án được ví như linh hồn của EFI khi mới chào sàn đã được sang tay nhưng miếng bánh EFI vẫn không thôi hấp dẫn khiến các cổ đông trong công ty rơi vào tình trạng tranh chấp kéo dài. Tuy nhiên, điều này cần được giải quyết sớm. Các cổ đông nhỏ lẻ của EFI cần thiết được tham gia ĐHĐCĐ thường niên năm 2015 khi năm 2016 sẽ tới chẳng bao lâu nữa.

Sơ đồ mặt bằng khu đất 187 Giảng Võ