Đã đến lúc rút tiền để đầu tư?

Thị trường chứng khoán (TTCK) sôi động, bất động sản ấm dần, giá vàng đang ở ngưỡng thấp, giá trị các loại ngoại tệ khá ổn định… có vẻ như đây là thời điểm đẹp cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, để có thể "lướt sóng" thu lời lại không đơn giản. Vậy, nên "nhắm" vào lĩnh vực nào trong thời điểm này.

Sau một thời kỳ dài "ngủ đông", thị trường bất động sản đã ấm trở lại. Nếu trước đây, nhiều khu đô thị, chung cư bị bỏ không, tức là hàng nghìn tỷ đồng bị "chôn vùi", thì vài tháng lại đây đã có giao dịch. Mặc dù mức giá không thể bằng thời kỳ "nóng" nhưng lượng giao dịch ngày càng nhiều đã mang lại tâm lý lạc quan cho giới đầu tư. Theo giới chuyên gia, đây là thời điểm hợp lý cho những người có nhu cầu mua nhà để ở, vì mức giá đã thấp hơn nhiều so với trước, thêm vào đó, chủ đầu tư muốn thu hồi vốn nên đưa ra khá nhiều chương trình ưu đãi cho người mua. Chẳng hạn như ở những khu chung cư cao cấp như Royal City (Thanh Xuân), Times City (Minh Khai), Mulberry (làng Việt kiều Châu Âu, Hà Đông)… người đến xem, mua tấp nập, vì mức giá thấp hơn trước khoảng 10 triệu đồng/m2 cộng với chiết khấu, tặng gói dịch vụ miễn phí trong hàng chục năm... Không chỉ riêng những khu chung cư chưa hoàn tất, một số khu chung cư đã hoàn thiện cũng có khối lượng giao dịch không nhỏ như Mandarin (Cầu Giấy), Mipec (Tây Sơn), dù giá khá cao, trung bình 4-5 tỷ đồng/căn (Mipec), hoặc 7-8 tỷ đồng (Mandarin), thậm chí có những căn 10-12 tỷ đồng (duplex - có tầng lửng, diện tích khoảng gần 300m2).

Những khu đô thị như Định Công, Trung Yên… không quá sôi động mua - bán nhưng giá cũng "nhích" do nhiều người hỏi mua. Mặc dù thị trường bất động sản sôi động, nhưng đây không phải là thời kỳ "vàng" cho lướt sóng, mà chỉ thích hợp cho những ai thực sự có nhu cầu về nhà ở, vì thị trường tăng hay giảm phụ thuộc chính vào sức khỏe của toàn nền kinh tế, nếu dòng tiền trong nền kinh tế không quá dư dả, người đầu cơ cũng khó kiếm lời.

Kênh đầu tư khác được nhiều người nhắm tới là TTCK. Với những phiên tăng điểm khá tốc độ, TTCK đã vượt kỳ vọng của nhiều người. Từ ngưỡng dưới 500 điểm, thị trường đã chinh phục lại mốc 500 điểm, rồi tiến nhanh đến ngưỡng 600 điểm, thậm chí bỏ xa ngưỡng này sau 5 năm đầy khó khăn. Không còn không khí trầm buồn ở các sàn giao dịch chứng khoán, khối lượng giao dịch chỉ ra niềm tin của nhà đầu tư đã quay lại. Cả 2 sàn chính thức không khó khăn để có được khối lượng giao dịch 200 triệu đơn vị, còn giá trị thường xuyên đạt 3.000-4.000 tỷ đồng. Với bước tiến này, chứng khoán được coi là điểm đến đầu tư khá tốt cho những người đang có nguồn tiền nhàn rỗi. Song, giờ đây, cổ phiếu không còn là kênh đầu tư cho những người chỉ dỏng tai nghe người khác, để có thể thành công, nhà đầu tư cần có kiến thức đầy đủ về thị trường, cộng với tìm hiểu kỹ càng về doanh nghiệp niêm yết, nghiên cứu kỹ cả những bước đi của giới đầu tư nước ngoài. Không phải ngẫu nhiên mà sau một thời gian "trốn chạy", khối ngoại hối lại quay về đổ tiền vào sàn chứng khoán Việt Nam. Nhưng cũng phải nhìn vào một thực tế, TTCK không dễ để "lướt sóng", vì các nhà đầu tư đã khôn ngoan hơn sau nhiều năm "vấp ngã".

Còn đối với kênh đầu tư vàng, so với những thời điểm ở "đỉnh", với 48 triệu đồng/lượng, giá vàng hiện nay đã quá thấp, quanh ngưỡng 36 triệu đồng/lượng. Nhưng, nếu muốn đầu tư cần so sánh với giá vàng thế giới, độ chênh lệch giữa hai thị trường để tránh rủi ro, cũng như đánh giá lượng giao dịch trên thị trường. Nếu phân tích theo những thông số này, giá vàng trong nước mặc dù giảm, nhưng vẫn cao hơn thế giới tới gần 4 triệu đồng/lượng. Hơn nữa, giá trong nước diễn biến theo thế giới, nhưng khi giảm lại không giảm mạnh bằng thế giới, mà chỉ thường "nhỏ giọt", khiến biên độ giữa hai thị trường ngày càng bị "nới rộng". Một yếu tố khác, giá vàng biến động quá ít trong mấy tháng nay, tốc độ tăng, giảm chậm, nên nếu mua để đầu tư, khó có thể thu lời, thậm chí còn bị lỗ nếu giá thế giới tiếp tục giảm mạnh. Trong khi nhiều quỹ đầu tư lớn trên thế giới, cũng như nhiều chuyên gia dự báo, giá vàng thế giới có thể giảm nữa khi nền kinh tế toàn cầu tiếp tục ấm, vì khi đó nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn, thay vì chỉ mua vàng để tích trữ.

Vậy còn kênh ngoại tệ? Từ lâu nay, đồng USD không còn là đồng tiền "vua" trong các lựa chọn ngoại tệ của nhà đầu tư. Thực tế là trong thời gian dài, đồng USD không có nhiều biến động, tỷ giá trên cả thị trường tự do lẫn chính thức đều khá ổn định, nếu có thay đổi cũng không lớn. Những "cơn sốt" ngoại tệ không còn xảy ra để khiến nhà nhà đi mua USD tích trữ. Doanh nghiệp cũng không phải lo "găm" USD đề phòng cho những thay đổi của đồng này. Còn nếu so việc gửi tiết kiệm bằng USD và VND, rõ ràng là gửi VND được lợi nhiều hơn, vì lãi suất VND có giảm cũng vẫn trong khoảng 6-7%/năm, trong khi lãi suất USD chỉ 1-1,5%/năm.

Vậy đầu tư vào đâu? Lời khuyên của nhiều chuyên gia trong thời điểm hiện tại vẫn dành sự ưu tiên cho gửi tiết kiệm ngân hàng, vì đây là kênh khá an toàn cho dòng vốn, không nên nghĩ đến chuyện "lướt sóng" vàng hay ngoại tệ. TTCK cũng là điểm nhắm tốt nếu nhà đầu tư đã có đủ sự hiểu biết, còn bất động sản chỉ dành cho những người thực sự mua để ở.