Đa cấp

Đa cấp "trá hình": Hàng ngàn người bị lừa

Hơn 3.000 người nhiệt tình tham gia mạng lưới phân phối để nhận tiền hoa hồng nhưng chỉ nhận được hoa hồng “ảo”.

Chỉ cần bán được 15 bịch bột ngũ cốc giá 300.000 đồng (20.000 đồng/bịch), mỗi thành viên sẽ nhận được 50.000 đồng. Vì giá mặt hàng rẻ, dễ tiêu thụ, lại không cần bỏ vốn nhiều mà vẫn thu được lợi lớn nên hệ thống phân phối của Công ty TNHH Truyền thông Long Sơn (địa chỉ đăng ký giấy phép tại quận Bình Thạnh, TP HCM), do ông Hà Phương Bắc làm giám đốc, đã nhanh chóng phát triển rộng khắp cả nước. Chỉ trong 2 tháng, hơn 3.000 người đã đăng ký tham gia phân phối sản phẩm cho công ty. Tuy nhiên, đến hạn trả tiền hoa hồng, công ty khất lần và sau đó... biến mất.

“Đa cấp” trá hình

Chị Bùi Thị Hồng Thanh (quận 5, TP HCM) cho biết tháng 5-2014, được sự giới thiệu của bà Hoàng Thị Tín, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM-DV Hoàng Tín Hảo (quận Gò Vấp, TP HCM), chị ký hợp đồng làm “thành viên (TV) tiêu dùng thông minh” chuyên phân phối bột ngũ cốc cho Công ty TNHH Truyền thông Long Sơn.

Theo hợp đồng, ngoài việc được chi trả 50.000 đồng khi bán 15 bịch ngũ cốc (quy thành 1 điểm), một tháng, mỗi TV phải giới thiệu cho công ty 1 TV mới. Khi TV mới gia nhập (gọi là F1), người giới thiệu được hưởng 50.000 đồng cho mỗi điểm mà TV ấy tiêu thụ. Khi F1 giới thiệu TV mới, người giới thiệu ban đầu vẫn tiếp tục nhận được 50.000 đồng/điểm cho tới cấp F6. Tuy nhiên, số tiền hoa hồng phải đạt 1 triệu đồng trở lên mới được công ty thanh toán.

“Bà Tín khẳng định công ty này có nhiều đại gia góp vốn, bà cũng có phần hùn nên tôi tin tưởng rủ thêm người thân, bạn bè tham gia. Đến nay, hệ thống của tôi có 503 người, hệ thống của con gái tôi có 1.080 người tham gia” - chị Thanh cho hay.

Tích cực bán hàng và tận dụng các mối quan hệ để mời gọi nhiều người tham gia mạng lưới phân phối nhưng rốt cuộc, khoản hoa hồng hứa hẹn chẳng thấy tăm hơi. “Sau nhiều lần hứa hẹn nhưng không thấy ông Bắc thực hiện, chiều 25-7, một số TV đến văn phòng Long Sơn (926 Trần Hưng Đạo, quận 5) để đòi nợ thì công ty đã dọn đi mất. Website công ty bị dỡ xuống và giám đốc cũng mất tăm” - anh Vũ Quang Minh Kỳ (Đồng Nai) lo lắng.

Không có thẩm quyền, vẫn đóng dấu tá lả!

Theo phản ánh của người lao động, từ khi họ gia nhập công ty, mọi hoạt động giao nhận hàng, ký kết hợp đồng đều thực hiện tại nhà bà Tín. Ban đầu, các TV được ký bản hợp đồng ghi tên Công ty TNHH Truyền thông Long Sơn, trụ sở tại 18 KDC Hoàng Hải, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM do ông Hà Phương Bắc ký.

Đến đầu tháng 6, các TV được thông báo Long Sơn sẽ liên kết với một công ty khác để thành lập tập đoàn và đổi tên thành Công ty TNHH CP KT CN Cao Hoàn Mỹ, đồng thời chuyển địa điểm về 926 Trần Hưng Đạo. Từ đó, những hợp đồng ký kết đều được đóng dấu của Công ty Cao Hoàn Mỹ do “giám đốc” Hà Sỹ Nam ký.

Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được, từ khi thành lập đến nay, đại diện pháp luật kiêm giám đốc Công ty Cao Hoàn Mỹ là bà Lê Thị Thu Hà. Bà Ai, kế toán trưởng Công ty Cao Hoàn Mỹ, cho biết con dấu trên hợp đồng đúng là của công ty nhưng khẳng định doanh nghiệp này không liên quan gì đến việc làm của ông Bắc và ông Nam.

Bà Ai giải thích: Lâu nay, Cao Hoàn Mỹ không hoạt động kinh doanh gì nên khi ông Bắc ngỏ ý thuê lại một phần mặt bằng (926 Trần Hưng Đạo) và muốn nhượng lại công ty, bà Hà đã đồng ý. Ngày 2-6, dù hai bên chưa ký kết hợp đồng chuyển nhượng công ty nhưng bà Hà đã lập biên bản bàn giao con dấu để ông Bắc làm thủ tục thay đổi tên người đại diện.

“Từ khi chuyển đến đây và tiếp quản con dấu, các nhân viên của Long Sơn sử dụng con dấu để đóng hợp đồng liên tục không nghỉ nhưng ông Bắc không chịu tiến hành thủ tục sang tên. Thấy không ổn, cuối tháng 7, chúng tôi đã đòi lại con dấu. Chúng tôi cũng đang làm hồ sơ kiện ông Bắc” - bà Ai cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bắc khẳng định ông Hà Sỹ Nam chỉ là một nhân viên bình thường. Dự định sau khi chuyển nhượng xong, ông sẽ cho ông Nam làm giám đốc Công ty Cao Hoàn Mỹ. Song, do thủ tục chuyển nhượng rắc rối và hàng không ra được nên kế hoạch bị phá sản.

Hiện ông Bắc đã giải tán Công ty Long Sơn và về nhà ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Khi chúng tôi hỏi về khoản tiền công làm việc suốt 2 tháng của các TV, ông Bắc nói: “Cứ để họ kiện cáo xong rồi mới tính”!

Bà Tín vô can?

Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Tín khẳng định mình vô can: “Vì thấy một số bất hợp lý trong hình thức kinh doanh của Công ty Long Sơn nên chính tôi đã khuyên mọi người không nên tham gia. Một số người nghe theo, còn một số hám lợi không nghe. Giờ mọi việc vỡ lở, thấy tôi là người có vị thế, có kinh tế nên họ đổ thừa để làm mất uy tín của tôi”.

Theo bà Tín, do ông Bắc mượn nhà bà làm nơi chứa hàng nên mới có việc các TV nhận hàng tại nhà bà và có phiếu xuất hàng để tên Công ty Hoàng Tín Hảo.

 

Theo Mai Chi