Trước khi trở thành chính khách, ông Hồ Nghĩa Dũng cũng từng là lãnh đạo doanh nghiệp.
Ông Hồ Nghĩa Dũng sinh năm 1950 tại Đà Nẵng, từng tốt nghiệp Đại học Công nghiệp Hungary trước khi nhận công tác trong ngành thép và được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty thép Việt Nam vào năm 1998.
Sau bốn năm ở vị trí này, năm 2002, ông được điều động giữ chức Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, trước khi quay lại Hà Nội làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 6/2006, thay cho ông Đào Đình Bình bị miễn nhiệm trước đó.
Nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Dũng kết thúc vào tháng 8/2011 và theo đánh giá của giới truyền thông, thật sự không có nhiều dấu ấn đáng kể trong giai đoạn này. Thông tin về hoạt động của ông, cũng như về cá nhân ông, xuất hiện khá khiêm tốn.
Nhưng ông Hồ Nghĩa Dũng không định "nghỉ ngơi": ngày 14/04/2012, tức là chỉ 8 tháng sau khi nghỉ hưu, ông Hồ Nghĩa Dũng được Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, điều mà trên website của mình, công ty tự đánh giá rằng "một trong những thành công lớn của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả hiện nay là đã mời được Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Tiến sỹ Hồ Nghĩa Dũng về làm Cố vấn cao cấp cho Dự án Hầm đường bộ qua Đèo Cả".
Vẫn website công ty này cho hay trong suốt quá trình hình thành ý tưởng dự án, cũng như khi đã trình lên Bộ Giao thông Vận tải và Chính phủ, ông Hồ Nghĩa Dũng là người "đã đồng thuận và tạo điều kiện để dự án hoàn thành các thủ tục căn cứ pháp lý".
Cụ thể, ngày 05/10/2009 Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đã ký Quyết định số 2860/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Hồ sơ đề xuất đầu tư xây dựng Hầm đường bộ qua Đèo Cả - QL 1A theo hình thức BOT&BT. Tiếp đó, ngày 6/10/2009 ông đã ký Quyết định số 2886/QĐ-BGTVT về việc chỉ định Nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho dự án này.
Nguyên Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cũng được xác nhận là đã "tạo điều kiện để Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả tiếp xúc với các tổ chức tín dụng lớn trong và ngoài nước".
Ngày 22/11/2011, tại trụ sở Bộ Sinh thái, Phát triển bền vững, Giao thông và Nhà ở của Pháp, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cùng với Ngân hàng Credit Agricole Corporate&Investment Bank (CA-CIB) và Société Générale (SG) của Pháp đã tổ chức lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) tài trợ 800 triệu USD cho dự án quan trọng này, cho dù về sau việc tài trợ này không thực hiện được.
"Sức làm việc không mệt mỏi cộng với kinh nghiệm và năng lực nắm bắt đường hướng chính sách, chính là một tài sản lớn cho Công ty Đèo Cả", website của công ty viết.
Trả lời báo chí mới đây, một đại diện của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho hay đến thời điểm hiện tại, tất cả các gói thầu tại dự án này đã được triển khai đúng tiến độ. Đến cuối năm 2014, chủ đầu tư phấn đấu thông phần đường dẫn đến cửa hầm; đồng thời các nhà thầu sẽ hoàn thành toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến, thông hầm Cổ Mã (một dự án thành phần) và hoàn thành 100m đầu tiên của hầm chính.
Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã chỉ đạo chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành dự án vào quý IV/2016 thay vì tháng 7/2017 như kế hoạch trước đó. Tiếp theo dự án này, chủ đầu tư cũng đã và đang xúc tiến các thủ tục để đầu tư tiếp hầm đường bộ qua Đèo Cù Mông với vốn đầu tư dự kiến khoảng hơn 4.000 tỷ đồng.
Trong vai trò là thành viên hội đồng quản trị và là cố vấn của Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, cựu Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng chắc chắn đã và đang có những đóng góp nhất định cho công ty này. Cho dù gần đây, bắt đầu xuất hiện những ý kiến về việc liệu một cựu quan chức từng ký vào các văn bản mang tính phê duyệt cho một dự án cụ thể lại quay về làm việc cho dự án đó thì có phải là một câu chuyện "mâu thuẫn lợi ích" hay không.
Được biết, ông Hồ Nghĩa Dũng hiện cũng là Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam, nơi chắc chắn ông có chuyên môn và trải nghiệm hết sức sâu sắc từ quá trình hoạt động trước đó trong ngành này.
Dù sao, việc một chính khách về hưu tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội hay kinh doanh là một câu chuyện tích cực và là một xu hướng cần được ủng hộ, như VnEconomy từng đề cập đến trong một số bài viết gần đây.