Cuộc chơi của các đại gia trên thị trường chứng khoán

Trong vài tháng trở lại đây, tại nhiều doanh nghiệp niêm yết xuất hiện các giao dịch thỏa thuận lớn như KBC, Thủy điện Thác Bà, Khoáng sản KSA, Vicostone….

Có những phiên giá trị một thương vụ giao dịch thỏa thuận lên tới hàng trăm tỷ đồng, đóng góp đáng kể cho sự sôi động trên sàn thứ cấp. Tuy nhiên, nếu chú ý, phía sau những thương vụ khủng cũng có những vấn đề đáng suy ngẫm, bởi nó tác động không nhỏ đến một lượng lớn nhà đầu tư.

Có thương vụ, ông chủ tịch công ty thông báo bán ra một lượng lớn cổ phiếu, sau đó một công ty có liên quan đến doanh nghiệp đăng ký mua vào và đã thực hiện mua số lượng lớn cổ phiếu này trong nhiều phiên giao dịch. Mỗi bên mua bán đều chỉ đưa lý do tái cơ cấu danh mục đầu tư, song giá cổ phiếu trên sàn có sự biến động đáng kể.

Cụ thể, giá cổ phiếu tăng tới gần 40% trong khoảng thời gian trên, thanh khoản cũng tăng vọt, trong khi hoạt động của Công ty không có biến động nào đáng kể. Tất nhiên, không loại trừ diễn biến của 2 sàn nói chung tích cực có thể tác động đến giao dịch cổ phiếu trên. Song cũng không loại trừ giao dịch mua bán tay phải - tay trái có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu.

Đường đi của một loạt giao dịch thỏa thuận khác liên quan đến một mã cổ phiếu thủy điện cũng lạ không kém. Cổ đông nhà nước thông báo thoái vài chục triệu cổ phiếu này, một doanh nghiệp niêm yết hiện sở hữu số lượng lớn cổ phần tại đây muốn tăng tỷ lệ lên mức chi phối. Thông thường, bên mua phải chào mua công khai cổ phiếu trên. Như vậy, giá cổ phiếu có thể biến động lớn, cổ đông nhỏ lẻ có thể bán ra giá cao.

Để tránh điều này, chuỗi giao dịch thỏa thuận đã được thực hiện: một nhà đầu tư cá nhân mua toàn bộ số cổ phiếu từ cổ đông nhà nước, sau đó bán toàn bộ cho 1 công ty chứng khoán, công ty chứng khoán sau đó bán lại toàn bộ số cổ phần trên cho doanh nghiệp niêm yết nọ.

Trong thời gian này, giá cổ phiếu hầu như ít biến động, nói một cách gián tiếp, doanh nghiệp niêm yết kia đã mua được lượng lớn cổ phiếu với chi phí ở mức thấp nhất có thể.

Trước đây, thị trường cũng từng chú ý đến giao dịch thỏa thuận của một mã cổ phiếu hiện thuộc nhóm "nóng" nhất sàn HOSE. Trong phiên đó, hơn một nửa cổ phiếu đang lưu hành của DN được bán thỏa thuận. Cũng kể từ đó, thanh khoản của cổ phiếu này tăng vọt và luôn duy trì ở mức cao.

Chẳng cần phân tích sâu xa, nhà đầu tư tinh ý nhìn cơ cấu lệnh đặt mua bán trên sàn tập trung ở mã cổ phiếu này lên tới hàng vài triệu cổ phiếu/lệnh trong các phiên cũng có thể nhận biết, đằng sau thành tích thanh khoản này là gì. Dân bám sàn nói rằng, lướt sóng những cổ phiếu đó có thể là phương án hay, còn đầu tư dài hạn vào cổ phiếu loại này có lẽ không phải là lựa chọn khôn ngoan.

Sau khi vượt đỉnh cũ thiết lập hồi tháng 3 năm nay, thị trường vẫn trong xu hướng tăng giá. Trong khi lãi suất ngân hàng thấp, nhiều người dân có tiền, thậm chí rất nhiều tiền đang tìm kiếm các kênh đầu tư khác sinh lợi cao hơn. Song với chứng khoán, họ vẫn có cảm giác về một độ rủi ro hiện hữu và chưa dám mạnh tay nhập cuộc. Có thể cuộc chơi của những đại gia như đã kể trên, ở khía cạnh nào đó, đang góp phần tạo ra rủi ro nhất định trên thị trường.