Khó khăn vì thừa cung
Loại phân bón được sử dụng phổ biến gồm: ure, SA, DAP, phân lân, kali và phân hỗn hợp NPK. Trong khi nhu cầu đạm, kali, lân giữ nguyên hoặc giảm nhẹ thì các loại phân phức hợp như NPK, DAP lại tăng nhẹ. Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón ở Việt Nam năm 2014 ước đạt gần 11 triệu tấn (tăng 4% so với năm 2013).
Theo đó, phân đạm 2,2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 900.000 tấn, kali 960.000 tấn, lân 1,8 triệu tấn, NPK khoảng 4 triệu tấn. Ngoài ra, còn có nhu cầu khoảng 400.000-500.000 tấn các loại phân vi sinh, phân bón lá. Điều này phần nào phản ánh xu hướng thay đổi tập quán canh tác của nông dân trong việc tăng cường sử dụng các loại phân phức hợp.
Từ năm 2012, do đưa vào thêm nhiều nhà máy mới và mở rộng quy mô sản xuất cũ, Việt Nam đã dư thừa phân NPK, phân lân, ure. Sản xuất phân DAP cũng đã đáp ứng được khoảng 30-35% nhu cầu và khả năng cung ứng sẽ còn tăng khi nhà máy DAP số 2 của Công ty Đạm Ninh Bình (tại Lào Cai) đi vào hoạt động với công suất 330.000 tấn/năm.
Trong khi đó, phân bón SA và kali vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm 2014, ước tính sản lượng phân bón của Việt Nam đạt hơn 8 triệu tấn, đáp ứng được trên 80% nhu cầu phân bón vô cơ, trong đó NPK ước đạt 3,8 triệu tấn, phân lân đạt 1,8 triệu tấn, phân ure đạt 2,4 triệu tấn, phân DAP đạt 330.000 tấn.
Hiện tượng thừa cung chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá phân bón bán lẻ trong năm 2014 hầu hết có xu hướng giảm so với năm 2013. Cụ thể, Ure Phú Mỹ đạt trung bình 9.300 đồng/kg (giảm 8,6%), DAP (Trung Quốc) 12.400 đồng/kg (giảm 13,1%), kali 9.900 đồng/kg (giảm 16,3%), phân lân 3.350 đồng/kg (tăng 4,1%). Trong các tháng đầu năm 2015, mặc dù bước vào cao điểm vụ Đông Xuân nhưng giá mặt hàng phân bón lại có xu hướng giảm so với năm trước.
Thị trường trong nước biến động giảm do nhu cầu phân bón tại khu vực phía Nam ổn định trong khi nguồn cung trong nước khá dồi dào, nguyên nhân chính do dự trữ trong các doanh nghiệp vẫn còn cao. Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), trong 4 loại phân bón phổ biến của thế giới là DAP và ure sẽ tiếp tục trong xu hướng giảm giá ở mức 5%, còn lại kali sẽ tăng nhẹ 1% và TSP ở mức ổn định so với năm 2014. Từ năm 2015 trở đi, xu hướng giá phân bón sẽ ổn định với DAP và kali khi không có sự thay đổi cho đến năm 2025, ure và TSP lại ở xu hướng giảm mỗi năm 1%.
Tăng trưởng nhờ giá dầu
Thị trường phân bón trong nước bão hòa với sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong bối cảnh nhu cầu chưa cải thiện và xu hướng giá phân bón giảm ít nhất đến năm 2018. Đây là giai đoạn thể hiện năng lực nội tại thực sự của các doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh cũng bị tác động mạnh bởi xu hướng giảm giá phân bón và những doanh nghiệp này chỉ duy trì đà tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Điển hình là CTCP Phân bón dầu khí Cà Mau (DCM). Theo CTCK FPT (FPTS), trong năm 2014, DCM đạt 6.044 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 3,5%), tuy nhiên lợi nhuận sau thuế tăng 55% tương ứng với mức EPS đạt 1.550 đồng/CP.
Kết quả này đạt được trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ tăng nhẹ (tăng 1,2%) và giá bán giảm 11,2%, nhưng nhờ sự hỗ trợ từ PVN với giá khí thấp nên biên lợi nhuận gộp được cải thiện. Dự phóng trong năm 2015, DCM đạt 5.790 tỷ đồng doanh thu thuần và 852 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với mức EPS là 1.600 đồng/CP.
Tương tự là CTCP Hóa chất và Phân bón dầu khí (DPM). Mặc dù hoạt động đầu tư vào PVTEXT Đình Vũ thua lỗ nặng, nhưng với việc giá khí đầu vào chiếm khoảng 70-80% chi phí sản xuất phân bón của DPM nên việc giá khí trên thị trường giảm mạnh đã mang lại tác động tích cực đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Trong năm 2015, dựa trên giá dầu Brent bình quân ở mức 60USD/thùng, giá khí đầu vào của DPM sau khi tăng tariff tăng từ 0,63 lên 0,92 USD/MMBTU là 5,03USD/MMBTU (giảm 25%), so với mức bình quân 6,78USD/MMBTU năm 2014 (giá dầu Brent bình quân 2014 là 97USD/thùng). Đây được xem như là yếu tố tích cực tác động đến hiệu quả hoạt động của DPM. Theo dự báo của FPTS, trong năm 2015, DPM sẽ đạt 1.268 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng EPS đạt 2.900 đồng/CP.