Công ty chứng khoán đồng loạt giảm lãi

Đa phần các công ty đưa ra nguyên nhân khiến lãi giảm mạnh, thậm chí lỗ là do doanh thu môi giới và tự doanh lao dốc.

3 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán liên tục chứng kiến nhiều phiên giảm điểm. Đặc biệt trong tháng 3, nhiều phiên giảm tới 17 điểm khiến thanh khoản thị trường biến động mạnh. Điều này cũng đã tác động lớn tới các công ty chứng khoán. Hết quý I, hầu hết lãi công ty chứng khoán lao dốc mạnh, có đơn vị giảm tới 90% so với cùng kỳ 2014.

Nằm trong top đầu các công ty chứng khoán, nhưng quý I năm nay Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC, mã CK: HCM) doanh thu lợi nhuận èo uột. Cả quý, công ty chỉ đạt 130 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 46,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 42% và 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính khiến lãi giảm mạnh là do doanh thu tự doanh của công ty này sụt tới 93%, chỉ đạt 5,9 tỷ đồng và môi giới giảm 25% còn 51,5 tỷ đồng...

Bên cạnh các chỉ tiêu trên, tại thời điểm 31/3, lượng tiền và tương đương tiền của HSC là 1.460 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng so với đầu năm. Trong khi đó, giá trị khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của HSC chỉ có gần 96 tỷ, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản đầu tư này đang phải trích lập dự phòng hơn 80 tỷ.

ck-3347-1429604602.jpg

Nhiều công ty chứng khoán giảm lãi trong quý I. Ảnh: Nhật Minh.

Cũng là nhóm công ty thường có lợi nhuận tốt qua các năm, thế nhưng, quý I năm nay Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) thông báo kết quả kinh doanh không mấy khả quan.

Báo cáo tài chính quý I của đơn vị này cho thấy, doanh thu đạt 27,7 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng lợi nhuận sau thuế của Rồng Việt chỉ đạt 3,67 tỷ đồng, giảm 33% so với quý I/2014. Đến ngày 31/3, quỹ tiền mặt của VDSC còn 273 tỷ đồng, trong đó tiền ký quỹ của nhà đầu tư đạt 200 tỷ.

Nguyên nhân sụt giảm chủ yếu do mảng doanh thu hoạt động đầu tư chứng khoán, góp vốn giảm từ 7,2 tỷ đồng còn 2,2 tỷ đồng và doanh thu hoạt động tư vấn giảm từ 3,2 tỷ đồng còn 214 triệu đồng. Có 2 mảng tăng trưởng nhưng không cao là doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán (tăng từ 10 tỷ lên 10,96 tỷ) và mảng doanh thu khác (tăng từ 9,5 tỷ lên 13,5 tỷ).

Thê thảm hơn các công ty trên, tại Công ty Chứng khoán Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (VCBS), doanh thu quý I chỉ đạt 49 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 55% và 86% so với cùng kỳ 2014. Nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm cũng do thị trường chứng khoán diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng đến cả nghiệp vụ môi giới và tự doanh. Theo đó, doanh thu môi giới chứng khoán chỉ đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Doanh thu đầu tư chứng khoán, góp vốn 17 tỷ đồng, giảm gấp 3,8 lần so quý I năm ngoái.

Không chỉ ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận, nhiều công ty chứng khoán còn báo lỗ. Cụ thể, Công ty Chứng khoán MHB quý I chỉ đạt 1,4 tỷ đồng doanh thu, giảm 93% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 800 triệu đồng. Hay Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS), doanh thu quý I giảm gần 4 lần so với cùng kỳ và chỉ đạt 29,4 tỷ đồng, kéo lợi nhuận công ty âm 39 tỷ đồng.

Thống kê của VnExpress.net cũng cho thấy, trong số gần 20 công ty chứng khoán bao cáo tài chính quý I, chỉ khoảng 2 công ty báo lãi tăng, còn lại giảm so với cùng kỳ.

Nhìn nhận về bức tranh chung, chuyên gia kinh tế Huy Nam đánh giá, thực sự nền kinh tế cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán thời gian qua ảm đảm, hầu hết mảng môi giới và tự doanh đều gặp khó khăn. Riêng một số công ty có đầu tư thêm vào những lĩnh vực sinh lời tốt dù đã có lợi nhuận bù đắp nhưng mức này cũng không cao.

"Đầu năm ngoái, sức bật của thị trường chứng khoán tốt hơn hẳn so với năm nay. Đến tháng 5/2014 thì chứng khoán lao dốc mạnh vì tình hình Biển Đông, nhưng không lâu sau đó thị trường nhanh chóng đón nhận nhiều đợt sóng tích cực nên lợi nhuận 2014 khá tốt. Còn 2015, dù được mong đợi bứt phá nhưng tới nay tình hình sức khỏe doanh nghiệp vẫn chưa có chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp phá sản có dấu hiệu gia tăng", ông Nam nói.

Ông cũng cho biết thêm, hiện thị trường vẫn chưa có nhiều thông tin hỗ trợ, bất động sản có khởi sắc vào cuối năm 2014 nhưng cũng chỉ ở một vài phân khúc, còn lại vẫn còn nhiều khó khăn. Dẫu vậy, ông Nam hy vọng, việc đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, hội nhập, đầu tư nước ngoài sẽ giúp thị trường sáng sủa hơn trong quý II, III.