Khi châu Á rơi vào khủng hoảng trong năm 1997 - 1998, đổi lại các khoản hỗ trợ, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã buộc nhiều nền kinh tế phải cải tổ, trong đó dù là các doanh nghiệp gia đình hay do nhà nước kiểm soát, cũng cần phải cởi mở, tập trung và minh bạch hơn. Tuy nhiên, sau gần 2 thập niên, các công ty châu Á vẫn khiến IMF cũng như nhiều định chế tài chính khác thất vọng.
Theo The Economist, khoảng 70% giá trị thị trường chứng khoán châu Á vẫn do các doanh nghiệp nhà nước hoặc tập đoàn gia đình kiểm soát. Các công ty châu Á chỉ chi một phần ba lợi nhuận cho cổ tức, so với ba phần tư của các công ty châu Âu và 90% của các công ty Mỹ. Trong năm 2014, Apple mua nhiều cổ phiếu hơn 500 doanh nghiệp hàng đầu châu Á cộng lại.
Thậm chí, nhiều doanh nghiệp châu Á còn đang "thụt lùi" trong cải cách theo mô hình công ty phương Tây. Các tập đoàn tư nhân lớn nhất của Ấn Độ vẫn thao túng nền kinh tế như cách đây nhiều thập niên. Reliance Industries mới đây đã mua một đài truyền hình, giúp cho tập đoàn này có ảnh hưởng chính trị nhiều hơn. Tata Sons mua lại hai hãng hàng không (hãng đầu tiên được quốc hữu hóa vào năm 1953).
Các chaebol Hàn Quốc cũng dường như quay trở lại con đường cũ. Hãng xe Hyundai đã khiến các cổ đông tức giận khi quyết định đầu tư 10 tỷ USD xây trụ sở tại quận Gangnam sang trọng của Seoul. Con gái của nhà tài phiệt hãng hàng không Korean Air bị kết án tù tháng trước sau khi có hành vi nhục mạ một tiếp viên hàng không. Một cuộc khảo sát gần đây của CLSA, một công ty môi giới chứng khoán, cho thấy, các biện pháp quản trị độc lập đã giảm kể từ năm 2012.
Thậm chí, mô hình gia đình trị bén rễ quá lâu khiến các công ty công nghệ châu Á lâm vào cuộc "khủng hoảng người kế vị". Năm trong số 10 công ty công nghệ cao được giao dịch công khai lớn nhất châu Á, theo xếp hạng của S & P Capital IQ, có CEO là những người đã qua tuổi 60, gồm: Samsung, Foxconn, TSMC, Canon và Hitachi Ltd.
Để so sánh, tại Mỹ, chỉ là một trong 10 công ty công nghệ lớn nhất là Cisco Systems Inc. được điều hành bởi một CEO trên 60 tuổi. Hầu hết thế hệ đầu tiên của Silicon Valley đều đã ít nhất một lần bàn giao cho thế hệ trẻ hơn.
"Một vấn đề đối với nhiều công ty châu Á là vẫn điều hành kinh doanh theo mô hình gia đình ngay cả sau khi đã phát triển thành tập đoàn toàn cầu", giáo sư Đại học Harvard, Willy Shih, nhìn nhận. Điều đó có nghĩa là cơ hội CEO tài năng bị hạn chế rất nhiều khi người sáng lập muốn duy trì chế độ cha truyền con nối. Kết quả là nhiều công ty đã lụn bại khi thế hệ con cháu không đủ tài năng để duy trì những tập đoàn khổng lồ do cha ông mình sáng lập.
Các học giả từ lâu đã tranh cãi về hệ thống luật pháp yếu kém và thị trường vốn dẫn các công ty châu Á phải đa ngành và dựa vào mạng lưới chính trị và gia đình. Nhưng cả hai bên đồng ý rằng doanh nghiệp "châu Á" sẽ phải thay đổi khi trọng lượng kinh tế của châu lục trên thế giới tăng lên. Như trường hợp của gia đình tỷ phú Lý Gia Thành (Hồng Kông). Vào tháng 1/2015, ông công bố một kế hoạch cải tổ lại đế chế của mình trong lĩnh vực bất động sản, bán lẻ và viễn thông tài sản.
Tiếp đó, ông cũng quyết định mua lại O2, một trong những nhà khai thác điện thoại di động lớn nhất nước Anh, với giá 15 tỷ USD. Động lực của cải cách làm hài lòng các cổ đông và để đạt được quy mô toàn cầu sẽ buộc các công ty châu Á như Cheung Kong của Lý Gia Thành phải cải cách. Tại Hàn Quốc, Samsung và Hyundai đang cố gắng cải tổ hệ thống để dọn đường cho con cái lên nắm quyền. Nhưng cả hai chaebol khổng lồ này đã phải đối mặt với sự phản ứng của cổ đông và buộc phải từ bỏ kế hoạch nối lại mô hình "gia đình trị".