Công đoàn Rạng Đông đã

Công đoàn Rạng Đông đã "vỡ mộng" thâu tóm RAL?

(NDH) Kế hoạch mua lại cổ phần RAL do SCIC thoái vốn đã được công đoàn công ty này hé lộ tại ĐHĐCĐ thường niên 2015. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu này đã được bán lại cho 2 NĐT cá nhân trong cùng một gia đình là bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng.

Trong phiên giao dịch ngày 7/9/2015, 2.364.267 cổ phiếu RAL, tương đương 20,56% vốn của CTCP Phích nước Rạng Đông đã được sang tên, đổi chủ.

Bên bán không phải cái tên quá xa lạ, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước SCIC. Kế hoạch thoái vốn của SCIC khỏi các khoản đầu tư đã được biết đến từ lâu. Rạng Đông là một trong rất nhiều DNNY phải "chia tay" cổ đông Nhà nước này.

Giao dịch này đã giúp SCIC thu về 114 tỷ đồng, tương đương giá giao dịch 48.300 đồng/cổ phiếu, cao hơn 5,6% so với mức giá tham chiếu ngày 7/9.

SCIC cũng là cổ đông lớn thứ hai của Rạng Đông, chỉ sau tổ chức công đoàn của công ty. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, tổ chức Công đoàn Rạng Đông đã trình và được cổ đông thông qua việc không phải thực hiện chào mua công khai khi SCIC thoái vốn theo hình thức chào bán thỏa thuận trực tiếp hoặc chào bán đấu giá hay khi các cổ đông lớn thoái vốn.

Tuy nhiên, trong giao dịch thỏa thuận được SCIC thực hiện vào ngày 7/9, bên nhận chuyển nhượng không phải là Công đoàn Rạng Đông. Theo báo cáo giao dịch được công bố mới đây, đã có hai nhà đầu tư cá nhân mua lại toàn bộ số cổ phần trên. Đáng chú ý, hai cá nhân này lại là người một nhà.

Cụ thể, bà Lê Thị Kim Yến (sinh năm 1959) đã mua vào 1,655 triệu cổ phiếu RAL. Tỷ lệ sở hữu của bà Yến qua đó tăng lên từ 0,76% lên 15,15%.

Em trai bà Lê Thị Kim Yến là ông Lê Đình Hưng (sinh năm 1960) mua 709.310 cổ phiếu RAL. Trước khi mua lại phần cổ phiếu của SCIC, ông Hưng đã nắm giữ tới 355.530 cổ phiếu RAL, tương đương 3,09% vốn. Hiện ông Hưng đã nắm giữ 9,26% vốn của Rạng Đông.

Sau khi chi ra hơn 114 tỷ đồng, tổng số cổ phần do gia đình này nắm giữ được nâng lên 24,41% vốn, vẫn thấp hơn tỷ lệ sở hữu của công đoàn.

Khi Công đoàn RAL đề cập đến việc mua lại cổ phần của SCIC, đã có cổ đông đã đề nghị Công đoàn không nên mua lượng cổ phiếu này do lo ngại sự thiếu cạnh tranh, mất dân chủ. Lý lẽ mà vị cổ đông này đưa ra khi đó là cần cơ chế để đảm bảo minh bạch. Bởi nếu mà Công đoàn mua được lượng cổ phiếu trên, tỷ lệ sở hữu của Công đoàn sẽ tăng lên 59,94%, nắm quyền chi phối công ty. Cổ đông này cũng bày tỏ mong muốn một tổ chức mua lại cổ phần RAL để có người đại diện tham gia vào HĐQT của công ty.

Công đoàn đã "thất bại" trong kế hoạch mua lại phần vốn của SCIC. Tuy nhiên, không mua được cổ phần trực tiếp từ SCIC không có nghĩa là kế hoạch nắm giữ tỷ lệ chi phối tại Rạng đông của tổ chức công đoàn đã hoàn toàn "đổ bể". Công đoàn Rạng Đông cũng đề cập đến việc không phải thực hiện chào mua công khai khi các cổ đông lớn thoái vốn.

Gia đình bà Lê Thị Kim Yến không phải là cổ đông nội bộ của công ty. Trước khi mua gom cổ phần từ SCIC, bản thân ông Hưng cũng đã nắm giữ tới 3% vốn. Có khả năng hai cổ đông này có kế hoạch gắn bó lâu dài với Rạng Đông nhưng cũng không loại trừ khả năng đây chỉ là những cổ đông trung gian trong thực hiện giao dịch, nhằm "lướt sóng" cổ phiếu.