Còn 246 doanh nghiệp phải cổ phần hóa đến cuối năm 2015

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp phát biểu tại buổi họp.

Sau 4 tháng đầu năm 2015 cả nước có thêm 43 doanh nghiệp (DN) cổ phần hóa (CPH), đến cuối năm còn 246 DN phải CPH. Đây là thông tin tại buổi họp báo chuyên đề về tình hình tái cơ cấu, CPH DNNN thời gian qua và các giải pháp đẩy mạnh tiến độ tái cơ cấu DNNN năm 2015 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5.6.2015.

Ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN), Bộ Tài chính - thừa nhận số lượng DN còn lại phải CPH theo kế hoạch là một thách thức. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, số vốn thoái tính đến Quý I/2015 là 8.213 tỉ đồng và số thu về 8.599 tỉ đồng. Số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỉ đồng.

Trong số tiền còn đọng lại trên, ông Tiến cho biết, phần lớn nằm vẫn trong khu vực ngân hàng bất động sản. Con số chưa thoái trong hai lĩnh vực này theo ông còn khoảng 12.000 tỉ đồng.

Về các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, CPH DNNN năm 2015, theo lãnh đạo Cục TCDN, từ nay tới cuối năm, phía cơ quan chức năng sẽ phân loại các DN để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). DN nào đủ điều kiện thì mới IPO còn không thì sẽ chuyển sang Cty cổ phần. Cụ thể, sau 12 tháng thực hiện chuyển sang CTCP, DN sẽ phải trình phương án IPO. Nếu tiếp tục không IPO được, DN sẽ phải thực hiện đúng quy định là bán cả DN hoặc tuyên bố phá sản.

"Nếu không ai mua thì rõ ràng DN có vấn đề. Bởi vậy, giải pháp này không phải chữa cháy mà rõ ràng mang tính triệt để," ông Tiến nhận định.

Một giải pháp được ông Tiến nhấn mạnh là sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra, cụ thể là gắn trách nhiệm người đứng đầu DN, bộ, ngành với công tác CPH. Nếu DN không thực hiện, không quyết tâm, chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo DN. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.