Có sóng chưa chắc có lãi

Tuần qua, với 4 phiên tăng và 1 phiên giảm, VN Index đã tăng khoảng 26 điểm, tương đương 4,6% lên 588 điểm; HNX Index cũng có diễn biến tương tự khi tăng thêm được 2,5 điểm, tương đương 3,2% lên 80,75 điểm.

Đã thấy sóng tăng

Từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10, GTGD trên cả 2 sàn dao động trong khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng/phiên. Nhưng kể từ ngày 6-10, thanh khoản đã vọt lên 3.000 tỷ đồng/phiên. Chỉ trong một thời gian ngắn, thanh khoản tăng hơn 50% cho thấy dòng tiền đang đổ mạnh vào TTCK kèm với kỳ vọng rất lớn. Đây là những tín hiệu rất rõ ràng về một đợt sóng mới của thị trường.

Nhưng so sánh diễn biến của TTCK trong khoảng 3 năm gần đây, có sóng không đồng nghĩa với có lãi. Sau khi tăng mạnh trong 2 phiên 5 và 6-10 để vượt 580 điểm, VN Index chùng lại vào ngày 7-10 khi giảm xuống dưới mốc 580 điểm, tuy nhiên chỉ số này lại tăng tiếp vào ngày 8 và 9-10 để lên gần 590 điểm. Trước mắt, vùng kháng cự 575-580 điểm đã được VN Index vượt qua một cách thuyết phục.

Sẽ là chủ quan nếu xem dòng tiền của khối ngoại giống như động cơ đẩy cho TTCK Việt Nam trong ngắn hạn. Việc khối này mua vào chỉ là sự xác nhận cho một sóng tăng, nghĩa là thị trường nhiều khả năng đang ở chân sóng.

Tuy nhiên, đường đi của chỉ số này không quá hưng phấn mà sẽ theo từng nấc. Điển hình là phiên 9-10, VN Index đã nằm trên ngưỡng 590 điểm trong khoảng 2/3 thời gian giao dịch, nhưng cuối cùng lại đóng cửa phiên chỉ hơn 588 điểm. Như vậy, khả năng VN Index có thể lui về lại vùng hỗ trợ mới 580 điểm hoàn toàn có thể xảy ra trong tuần này.

Rõ ràng, một sóng tăng mạnh, thẳng đứng, CP trần đồng loạt có thể tạo ra những sự đột biến, bùng nổ nhưng đồng thời chứa đựng rất nhiều rủi ro. Trong khi thị trường tăng một cách chậm rãi, nhưng CP lại luân phiên tăng sẽ tạo ra nhiều cơ hội và bền hơn. Các NĐT dày dạn kinh nghiệm thích thị trường diễn biến theo kiểu này vì có khả năng xoay vòng tiền, đồng thời nắm giữ CP mà không chịu quá nhiều áp lực từ thị trường chung theo kiểu hàng ngày phải canh mua-bán.

Tích lũy đan xen bùng nổ

Nếu nhóm CP cơ bản với phần lớn là mid cap và penny tỏ ra vượt trội trong tháng 9, thì sang tháng 10, khi thị trường chung phát ra những tín hiệu tăng, vai trò dẫn dắt lại thuộc về các blue chip. Trong khoảng 5 phiên gần đây, dù VN Index tăng mạnh hay nhẹ, cũng hiếm khi thấy penny, mid cap và blue chip tăng cùng một pha. Sự phân hóa cực kỳ rõ nét. Điển hình phiên ngày 9-10, CP cơ bản hầu hết có giá vàng (không tăng) hoặc đỏ (giảm) trong khi màu xanh (tăng) lại phủ trên các blue chip.

Xét về từng nhóm CP, hiện thời nhóm dầu khí được ủng hộ bởi giá dầu đang có xu hướng tăng trở lại, đang có vai trò lực đẩy cho thị trường, kèm theo đó là nhóm bảo hiểm với sự bùng nổ của BVH. Riêng nhóm ngân hàng, có lẽ chưa vào một sóng mạnh, nên cũng có sự phân hóa và dường như diễn biến của các CP nhóm này sẽ theo những câu chuyện riêng. Kỳ vọng nhiều khả năng sẽ lan tỏa khi KQKD 9 tháng xuất hiện một cách rõ ràng hơn, chẳng hạn khi BCTC quý III-2015 của 1 trong 3 ông lớn BID, CTG hay VCB xuất hiện.

Nhiều khả năng khi nhóm blue chip luân phiên nhau tăng, sẽ tác động đến điểm số để tạo ra nhiều phiên tăng/giảm nhẹ cũng như đi ngang, trong khi những phiên bùng nổ sẽ ít hơn. Tuy nhiên, trong khoảng 5-10 phiên, chỉ cần 1-2 phiên tăng mạnh, điểm số cũng sẽ được bổ sung đáng kể, kèm theo đó là việc CP hình thành mặt bằng giá mới. Với NĐT, sẽ rất khó tìm kiếm lợi nhuận nếu lựa chọn chiến thuật mua đuổi hay nắm giữ CP chỉ trong thời gian ngắn.

Nếu đặt trong khoảng thời gian 20 phiên giao dịch, CP có KQKD quý III khả quan, cộng với thị trường tích cực, có thể xuất hiện từ 1-2 phiên tăng trần; hoặc nếu khả năng này không xảy ra cũng có thể tăng 3-4% nhưng kéo dài trong 3-4 phiên. Nhưng sẽ rất áp lực khi nắm giữ những CP không tăng giá và nhìn những CP khác đang tăng.

Trong tháng 10, nhiều khả năng lực đẩy sẽ bao gồm: BCTC quý III-2015, tác động từ TPP, mở room và sức mua của NĐTNN. Sẽ không nhiều CP có cùng lúc 4 lực đẩy nói trên và khi xuất hiện riêng lẻ thường chỉ kéo dài trong khoảng vài phiên. Tóm lại, khi TTCK tăng điểm sẽ có nhiều CP gặp thời, cái khó ở đây là sự lựa chọn và kiên nhẫn của các NĐT.

NĐTNN trở lại

Sau một thời gian bán ròng, khối ngoại đã có sự trở lại ấn tượng trong tuần vừa rồi. Chỉ trong 3 phiên gần nhất, giá trị mua ròng của khối này tại HOSE đạt hơn 1.100 tỷ đồng, tương đương 50 triệu USD, xấp xỉ quy mô vốn của một quỹ ngoại vào loại trung bình. Điều này một lần nữa minh chứng cho sự thu hút của TTCK Việt Nam đối với khối ngoại, đặc biệt khi TPP đã được thỏa thuận.

Cũng cần nói rõ, dòng tiền khối ngoại trở lại trên diện rộng bao gồm các ngành ngân hàng, bất động sản chứ không gói gọn trong nhóm CP TPP. Nghĩa là, khối này đã nhận thấy cơ hội cho cả thị trường thay vì chỉ dành cho một số nhóm CP nào đó.

Ảnh minh họa: L.THANH



Cụ thể, trong phiên 9-10, NĐTNN đã mua ròng 1,5 triệu CP HBC, trong khi tổng KLGD khớp lệnh của CP này đạt 2,6 triệu CP. Nói đến đây, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ đến việc ít nhất HBC phải tăng, còn lạc quan thì phải tăng trần, nhưng kết thúc phiên HBC thậm chí giảm 600 đồng xuống còn 17.700 đồng/CP. Một loạt CP bất động sản khác, dù được khối ngoại mua mạnh nhưng kết thúc phiên cũng giảm, hoặc nếu tăng cũng chỉ ở mức nhẹ nhàng thay vì bùng nổ.

Việc khối ngoại mua khi giá giảm cho thấy diễn biến giá CP khá cân bằng về mặt cung-cầu hơn là chịu sự chi phối của một khối NĐT nào. Và khi khối ngoại mua mà giá vẫn giảm, có thể phát ra tín hiệu CP sẽ còn tích lũy, dù có tăng cũng nên xem xét một cách thận trọng, dài hạn hơn là chờ đợi kiểu như "Tây mua sẽ đẩy giá tăng".

Trong những ngày tới nếu VN Index tiếp tục trụ vững trên mốc 580 điểm cùng thanh khoản từ 3.000 tỷ đồng/phiên trở lên, thị trường sẽ tiếp tục có những diễn biến tích cực. Nhiều khả năng VN Index sẽ tiếp tục thử thách vùng 595-600 điểm trong tuần này và kết thúc tuần sát với ngưỡng này.