Kết thúc ngày giao dịch cuối tuần 12/09, nhóm cổ phiếu thủy sản được phiên “mãn nhãn” với 14/17 cổ phiếu tăng giá trong đó có đến 10 cổ phiếu đóng cửa trong sắc tím.
Mã | Mặt hàng | Giá ngày 8/5 | Giá ngày 12/9 | Tăng giá | |
1 | cá tra | 14.6 | 16.7 | 14.4% | |
2 | cá tra | 10.3 | 12.8 | 24.3% | |
3 | cá tra | 21.0 | 22.5 | 7.1% | |
4 | tôm | 15.7 | 30.8 | 96.2% | |
5 | cá tra | 9.9 | 11.1 | 12.1% | |
6 | cá tra | 5.3 | 5.4 | 1.9% | |
7 | cá tra | 4.9 | 5.1 | 4.1% | |
8 | tôm | 4.9 | 8.0 | 63.3% | |
9 | cá tra | 25.0 | 30.3 | 21.2% | |
10 | hỗn hợp | 3.9 | 4.9 | 25.6% | |
11 | tôm | 6.5 | 7.6 | 16.9% | |
12 | tôm, cá tra, cá hồi, cá kiếm | 5.3 | 6.7 | 26.4% | |
13 | tôm | 32.8 | 80.0 | 143.9% | |
14 | cá tra | 32.8 | 55.5 | 69.2% | |
15 | hỗn hợp | 17.0 | 15.7 | -7.6% | |
16 | hỗn hợp | 18.5 | 19.0 | 2.7% | |
17 | cá tra | 52.0 | 50.5 | -2.9% |
Trong gần 3 tuần trở lại đây, nhóm cổ phiếu thủy sản cho thấy sự tăng trưởng khá cao trong khối lượng giao dịch và giá, hay nói cách khác, dòng tiền có xu hướng chọn cổ phiếu thủy sản làm nơi đổ bộ. Tất nhiên, cùng với đợt tăng giá bắt đầu từ ngày 13/05 của thị trường chung, từ trước đó, giá cổ phiếu các bluechips trong ngành như Thủy sản Minh Phú (MPC), Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) đã tăng đáng kể. 2 cổ phiếu có quy mô nhỏ hơn là CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) và CTCP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cà Mau (CMX) cũng đã tăng lần lượt là 96,2% và 63,3%.
Vậy điều gì đã tạo nên sự tăng giá cho cổ phiếu ngành thủy sản?
Doanh nghiệp xuất khẩu tôm được hỗ trợ cả về giá và lượng
Có thể thấy cổ phiếu của các doanh nghiệp chế biến tôm như MPC, FMC, CMX là những cổ phiếu tăng giá tốt nhất từ đầu sóng. Sự tăng giá này được hỗ trợ mạnh bởi các yếu tố tích cực trong ngành xuất khẩu tôm cả về giá và lượng.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôm đã đạt gần 1,8 tỷ USD. VASEP dự báo xuất khẩu tôm 2014 có thể vượt mốc 3,5 tỷ USD nếu dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt và thị trường thuận lợi.
Không những thế, giá tôm đông lạnh cũng đang gia tăng do nguồn cung chịu tác động của dịch bệnh xảy ra ở Thái Lan và các nước sản xuất khác. Bên cạnh đó, giá tôm tăng lên một phần do sức mua hàng của Mỹ và EU bắt đầu tăng trở lại từ tháng 6/2014.
Theo VASEP, thu hoạch tôm chân trắng thường vào chính vụ tháng 10, cũng là lúc nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng lên trên toàn thế giới. Giá có thể còn cao hơn dự kiến nếu Trung Quốc tăng cường mua hàng. Về phía tôm sú, giá mặt hàng này tại Nhật Bản ngày càng tăng vì sản lượng đang giảm khi nhiều người chuyển sang sản xuất tôm chân trắng. Giá tôm sú trên thị trường thế giới hiện nay cao hơn so với tháng 3/2014 khoảng 10%. Giá bán buôn tôm Indonesia tại Nhật Bản đã tăng từ 3.400 yên lên 3.500 yên/1,8kg.
>> Tôm lên ngôi, top 10 xuất khẩu thủy sản lớn nhất chỉ còn 2 Doanh nghiệp cá
Bên cạnh thông tin tích cực từ thị trường chung, các doanh nghiệp cũng có những yếu tố hỗ trợ riêng.
CTCP Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho biết, trong tháng 8, công ty đã chế biến được 1.045 tấn tôm đông lạnh thành phẩm các loại, đạt doanh số tiêu thụ 15 triệu USD. So cùng kỳ năm trước, 8 tháng đầu năm nay sản lượng tăng 25,2%, doanh số tăng 48,8%. FMC cũng được xếp vào doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan. Những con số này tạo cho nhà đầu tư kỳ vọng về một kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm.
Về phía Vua tôm Minh Phú, giá cổ phiếu MPC bắt đầu bật tăng nhanh và mạnh từ cuối tháng 7 khi tung ra những thông tin hấp dẫn như chia cổ tức 6 tháng đầu năm 2014 bằng tiền tỷ lệ 50% và mạnh tay nới giá mua cổ phiếu quỹ lên đến 100.000 đồng/cổ phiếu.
Thị trường Nga rộng mở
Lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào Nga vừa được Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) gỡ bỏ, cho phép thêm một số Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thủy sản vào thị trường này.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang thị trường Nga có thêm Chi nhánh CTCP Thủy sản số 1 (mã: SJ1)- Nhà máy chế biến thực phẩm Tân Phú Trung, Xí nghiệp đông lạnh AGF9 (CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang – mã: AGF) do đảm bảo đủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm xuất khẩu.
Trước đó, Nga đã cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản khác của Việt Nam được xuất khẩu sang Nga. Thông báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ký lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông sản và thực phẩm của những nước đã trừng phạt hoặc ủng hộ lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga trong vòng một năm kể từ ngày 7/8/2014.
Các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam bước chân vào thị trường Nga, nâng cao kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Và thị trường chứng khoán cũng kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản từ thông tin này.
Liệu có phải nước nổi, bèo nổi?
Nhìn lại kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp thủy sản, có thể thấy trong danh sách các mã tăng trần ngày 12/09 có doanh nghiệp lỗ ròng 6 tháng đầu năm như AVF, VNH; lỗ lũy kế bằng 70% vốn điều lệ như CMX; hay sụt giảm lợi nhuận như AGF, ATA, BLF.
Tỷ suất sinh lời của các cổ phiếu thủy sản nhỏ cũng rất thấp. Như vậy, sự tăng giá của một số cổ phiếu thủy sản (mà đặc biệt là cá tra) có vẻ như không đến từ sự tích cực trong hoạt động kinh doanh.
Khi thị trường đang hưng phấn và một nhóm ngành nào đó trở nên hấp dẫn hơn cả nhờ thông tin hỗ trợ nổi bật thì không chỉ cổ phiếu tốt trong ngành mà những cổ phiếu èo uột của doanh nghiệp yếu kém cũng được thể “ăn theo”. Khi cổ phiếu tốt đã tăng lên một mức giá cao, nhà đầu tư đến sau đã chọn mua cả những cổ phiếu kém vì giá thấp và chưa tăng nhiều.
Đây có thể là một lựa chọn cho đầu tư ngắn hạn nhưng chứa không ít rủi ro.