Cổ phiếu thép không còn

Cổ phiếu thép không còn "tạo nhóm"

Thời gian qua, các CTCK không có báo cáo phân tích riêng về cổ phiếu ngành thép như trước, mà chỉ đưa ra những khuyến nghị đơn lẻ ở vài ba DN.

Các doanh nghiệp thép đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm và thị trường - Ảnh: Hoài Nam

Chưa có số liệu chính thức về tiêu thụ thép của tháng 9/2014, nhưng tình hình tiêu thụ thép xây dựng cũng như thép tấm được nhận định là khả quan và sẽ tiếp diễn trong các tháng cuối năm.

Diễn biến này phù hợp với xu thế phục hồi của nền kinh tế và sự "ấm áp" hơn của thị trường nhà ở. Sản phẩm thép xuất khẩu gặp khó khăn ở thị trường Indonesia, nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó.

Từ tháng 7/2014, thị trường xuất khẩu tôn thép quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam là Indonesia áp dụng mức thuế 435 USD/tấn cho mặt hàng mạ lạnh hợp kim nhôm kẽm có độ dày từ 7 mm trở xuống và khổ 60 mm trở lên.

Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch HĐQT CTCP Đại Thiên Lộc (DTL) cho biết, ngay sau khi Indonesia áp dụng mức thuế nêu trên, Công ty không thể xuất sản phẩm sang thị trường này. Sang tháng 9, Công ty bắt đầu xuất khẩu sang Indonesia các mặt hàng không nằm trong danh mục bị áp thuế. Hiện tại, DTL đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác như Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia, Nam Phi và xuất thử sang thị trường Mỹ.

Là doanh nghiệp trước đây có lượng xuất khẩu lớn sang thị trường Indonesia, nhưng Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho hay, việc áp thuế ở thị trường Indonesia không ảnh hưởng nhiều đến tình hình xuất khẩu chung của Tập đoàn. Mỗi tháng, HSG xuất khẩu khoảng 30.000 tấn, lợi nhuận đạt từ 30 - 40 tỷ đồng. Chiến lược của HSG là đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là đẩy mạnh tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Thực tế, nhu cầu sản phẩm tôn thép trong nước có xu hướng tăng. Thống kê cho thấy, lượng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu bán ra trong tháng 8/2014 đạt 163.972 tấn, tăng 5,8% so với tháng 7 và tăng 47,75% so với cùng kỳ năm trước. Lượng tôn mạ kim loại và xuất khẩu trong tháng 8/2014 đạt 71.140 tấn, tăng 2,31% so với tháng 7 và tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước.

Nhờ đa dạng hóa thị trường và nhu cầu thị trường nội địa tăng, tình hình tiêu thụ của các doanh nghiệp thép vẫn khả quan. Doanh nghiệp thép niêm yết là Tập đoàn Hoa Sen hiện chiếm 35,6% thị phần, CTCP Thép Nam Kim chiếm 12,5% thị phần.

Đối với thị trường nội địa, tình hình tiêu thụ thép xây dựng là một trong những chỉ báo quan trọng về "sức khỏe" của nền kinh tế. Năm 2012, sản lượng thép bán ra của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam trung bình đạt 370.000 tấn/tháng. Con số này của năm 2013 là 380.000 tấn/tháng.

Năm 2014, tính riêng tháng 8, sản lượng thép bán ra của các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thép Việt Nam đạt 407.731 tấn. Trong tháng 9, tổng lượng phôi thép tồn ở các công ty sản xuất thép cùng với phôi thép sản xuất trong nước và nhập khẩu là 500.000 tấn, đáp ứng nhu cầu phôi cho các nhà máy cán thép trong nước.

Tổng mức tiêu thụ thép trong tháng 8/2014 của Hòa Phát là 76.853 tấn, Pomina là 68.547 tấn, Thép Việt Ý là 21.474 tấn. Một số doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ thép tăng cao so với cùng kỳ năm trước là thép Hòa Phát (+37,3%), thép Việt Đức (+51,13%), thép SSE (+ 33,51%).

Trên TTCK, sự khởi sắc của thị trường thép giúp cổ phiếu ngành này thu hút NĐT hơn, nhưng tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp đầu ngành.

Giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát và HSG của Hoa Sen giữ ở mức cao và có nhiều báo cáo phân tích, đánh giá cập nhật về 2 cổ phiếu này. Cả 2 cổ phiếu HPG và HSG đều được khuyến nghị mua vào cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Thực tế, thời gian qua, các CTCK không có báo cáo phân tích riêng về cổ phiếu ngành thép như trước, mà chỉ đưa ra những khuyến nghị đơn lẻ ở vài ba DN.

Trong khi đó, cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp khác trong ngành thép cách đây 2 - 3 năm thu hút sự chú ý không nhỏ của giới đầu tư, thể hiện ở thanh khoản khá dồi dào, nhưng đến nay vẫn chưa tìm lại được sức hút.

Gần đây, thị trường thép khởi sắc, TTCK có diễn biến phục hồi, nhưng cổ phiếu của hầu hết DN thép quy mô vừa và nhỏ không giữ được mức giá khả quan, mà chỉ có "sóng" khi có tin tốt và sóng thường nhanh kết thúc.