Nirgunan Tiruchelvam, giám đốc nghiên cứu tiêu dùng của Standard Chartered tại Đông Nam Á, cho rằng giá cả thực phẩm đã giảm rất mạnh trong vài tháng qua. Nhưng thị trường có thể không chú ý đến điều này bởi vì mọi người còn đang tập trung vào giá dầu.
Ông dẫn chứng giá ngô và đậu nành đã giảm 26-30% so với mức cao nhất trong năm nay, còn nhiều mặt hàng nông sản đang có giá ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, do sự kìm hãm của việc đồng USD tăng giá mạnhso với các đồng tiền của khu vực.
Theo ông, đây là những tác động rất quan trọng ảnh hưởng đến lợi nhuận các công ty thực phẩm và ăn uống ở Đông Nam Á vì giá sản phẩm của họ được tính theo giá hàng hóa tiêu dùng nhưng những nguyên liệu đầu vào lại được tính theo giá hàng hóa. Điều này có thể tạo một cơ hội lớn cho việc tăng mạnh lợi nhuận cho những công ty này.
Rất nhiều nhà phân tích gần đây đã lạnh nhạt với cổ phiếu của ngành tiêu dùng trong khu vực do cho rằng những cổ phiếu này giá quá cao và nghi ngờ việc tăng trưởng của tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy tiêu dùng như dự kiến.
Các công ty khác cũng đang rất lạc quan về ngành hàng tiêu dùng Châu Á.
Công ty Capital Economics cho rằng việc tăng trưởng của hàng tiêu dùng tại Châu Á sẽ còn tiếp tục trong dài hạn. Công ty cũng thông báo rằng chi tiêu cho tiêu dùng tại các thị trường mới nổi tại Châu Á đã tăng trung bình hơn 7%/năm kể từ năm 2000.
Nhưng hãng cũng không tin rằng tất cả các thị trường tiêu dùng Châu Á đều có tiềm năng như nhau.
Triển vọng tốt nhất là ở Philippin và Ấn Độ, nơi có sự tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập sẽ tác động tích cực đến việc tăng trưởng trong việc chi tiêu hàng tiêu dùng.
Thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam và Trung Quốc cũng rất tốt. Nếu so sánh thì tăng trưởng chi tiêu cho hàng tiêu dùng sẽ chậm lại ở những nền kinh tế có tỷ lệ vay nợ của các hộ gia đình cao như Thái Lan, hoặc ở những nền kinh tế có tăng trưởng thu nhập chậm như Đài Loan và Hàn Quốc.
Ông Tiruchelvam cũng kỳ vọng người tiêu dùng Thái Lan sẽ tiếp tục nâng cao chi tiêu, ít nhất là cho thực phẩm và đặc biệt là thịt. Theo Standard Chartered, khoảng 73% hộ gia đình có điện của Thái Lan có tủ lạnh. Tại Đông Nam Á, tăng trưởng tủ lạnh có thể đạt 50% trong 5 năm tới theo dự đoán của Standard Chartered.
Bên cạnh đó, dự đoán cho sự tăng trưởng hàng tiêu dùng ở một số thị trường Châu Á sẽ chậm lại.
Morgan Stanley cho rằng việc tăng trưởng chậm tại các nước phát triển nghĩa là tăng trưởng nhu cầu nội địa ở các nước này là tương đối yếu kể từ sau cuộc khủng hoảng. Điều này đã ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của khu vực này cũng như doanh thu của các công ty, việc đầu tư và sự tăng lương.
Công ty này cũng cho rằng đang có những rủi ro trong việc hình thành một vòng luẩn quẩn của tăng trưởng nhu cầu nội địa chậm lại, lạm phát yếu hơn, tỷ lệ lãi suất thực cao hơn và gánh nặng trả nợ đang tạo áp lực lên giá cả các tài sản, hình thành các khoản nợ xấu và làm suy giảm tổng nhu cầu trên thị trường.