Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Nhóm cổ phiếu ngành bất động sản
Không hề nghịch lý khi nhiều tổ chức tài chính nhận định cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS) sẽ hấp dẫn hơn trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong năm 2015. Ngay từ cuối năm 2014, đã xuất hiện nhiều chính sách mới theo hướng tạo điều kiện cho sự hồi phục của thị trường BĐS. Cụ thể, Thông tư 32/2014/TT-NHNN, ngày 18/11/2014 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định mở rộng đối tượng, kéo dài thời gian áp dụng lãi suất vay đối với gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng; Một văn bản khác cũng của NHNN, Thông tư 36/2014/ TT-NHNN ngày 21/11/2014, hạ hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 250% xuống còn 150%, đồng nghĩa với cho phép đẩy mạnh tín dụng dành cho BĐS trong năm mới; Luật Nhà ở (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 1/07/2015, cho phép người nước ngoài được mua nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm cũng là trợ lực mới cho thị trường BĐS. Những yếu tố trên kỳ vọng sẽ làm "tan băng" thị trường BĐS, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) ngành BĐS hồi phục, đặc biệt là nhóm DN niêm yết.
"Ở khía cạnh đầu tư, chúng tôi đánh giá khoảng thời gian trước khi thị trường phục hồi chính là thời điểm vàng để tích lũy các cổ phiếu tốt. Nhà đầu tư nên cân nhắc các yếu tố sau đây khi đưa ra quyết định đầu tư vào cổ phiếu BĐS: DN có tình hình tài chính lành mạnh, sở hữu nhiều nhà đất thuộc phân khúc giá rẻ hoặc bình dân, tọa lạc tại những vị trí tốt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ở thời điểm này, những chủ đầu tư sẵn hàng tồn kho đem bán sẽ chiếm nhiều lợi thế. Nếu mức chiết khấu giữa thị giá cổ phiếu so với giá trị tài sản ròng càng cao thì tính hấp dẫn của cổ phiếu càng tăng"- Công ty Chứng khoán VPBS nhận định.
Cổ phiếu ngành ngân hàng
Hai năm qua, lý do chính khiến nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa sôi động chủ yếu nằm ở các vấn đề nội tại của ngành Ngân hàng. Những vấn đề này có thể giải quyết triệt để vào năm 2015 và tình hình sẽ khả quan hơn khi quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đạt được những bước tiến cần thiết. Đặc biệt, kinh tế vĩ mô được cải thiện tích cực sẽ hỗ trợ đáng kể cho nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo Công ty Chứng khoán MBS, đối với cổ phiếu ngân hàng, NĐT nên lựa chọn cổ phiếu đang duy trì hoạt động ổn định, có dòng cổ tức đều đặn, chiến lược kinh doanh và quản lý rủi ro tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp và ít có (hoặc đã xử lý ổn thỏa) hiện tượng sở hữu chéo cũng như cho vay chéo trong nội bộ ngân hàng. MBS đưa ra nhóm cổ phiếu ngân hàng để NĐT tham khảo, đó là EIB, VCB, MBB, ACB, STB…
Đồng quan điểm trên, ông Andy Ho, Giám đốc Đầu tư của Vinacapital đưa ra nhận xét: "Tôi đánh giá ngành ngân hàng 2015 sẽ phục hồi trở lại, ACB, EIB… đang phục hồi và với giá cổ phiếu hiện tại là khá rẻ". Với mục tiêu đến năm 2015, cả nước có 15 ngân hàng mạnh và xử lý dứt điểm những ngân hàng yếu kém, rõ ràng, các ngân hàng sẽ có sự phân hóa đáng kể. "Chọn mặt" cổ phiếu ngân hàng để "gửi vàng" phải căn cứ trên bình diện rộng này.
Cổ phiếu ngành dầu khí
Những ngày cuối năm 2014, trước sự sụt giảm của giá dầu kéo theo cổ phiếu ngành dầu khí giảm giá mạnh sau quãng thời gian tăng trưởng ấn tượng. Thời điểm này, một số quỹ đầu tư lớn cũng thoái vốn tại nhiều mã cổ phiếu họ dầu khí. Trong năm 2015, giá dầu thế giới được dự báo giao động từ 65-75 USD/thùng. Vậy tại sao cổ phiếu ngành dầu khí lại vẫn là nhóm đáng quan tâm?
Hiện nay, một số cổ phiếu ngành dầu khí đã giảm giá tới 40-50% so với hồi tháng 9/2014. Mức giảm trên khiến hệ số P/E của những DN này xuống dưới 10 lần, trong khi mức bình quân trên sàn là 15 lần. Do lo ngại giá dầu giảm tác động làm sụt giảm lợi nhuận của nhóm cổ phiếu họ nhà "P" nên sự định giá của thị trường đang rẻ hơn mặt bằng chung. Tuy nhiên, chỉ cần khi giá dầu nhích lên rất có thể "sóng" cổ phiếu dầu khí sẽ nổi. Bởi vậy, ở tầm nhìn trung và dài hạn, NĐT lựa chọn cổ phiếu họ dầu khí là lựa chọn không tồi trong năm 2015.
Cổ phiếu các ngành tiêu dùng
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI), những nỗ lực về chính sách của Nhà nước thời gian qua đang tác động tích cực tới nền kinh tế, trong đó, một số ngành "ngấm" chính sách sẽ có bước phát triển tốt. Cụ thể, các ngành kinh doanh hàng xuất khẩu; nông nghiệp và những ngành như thủy sản, phân bón sẽ tiến triển tích cực.
Không chỉ bởi lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là xuất khẩu và nông nghiệp, mà còn bởi những chính sách tín dụng hiện đang hướng tới hỗ trợ ngành này, khi NHNN có chính sách ưu đãi cho nhóm này vay vốn giá rẻ. Bên cạnh đó, hàng tiêu dùng như sữa, đồ uống, đồ ăn nhanh cũng sẽ có triển vọng tốt. Việt Nam có dân số đông, lực lượng lao động trẻ nên nhu cầu tiêu dùng còn lớn so với các nước đã phát triển. "Do nhiều DN tại Việt Nam hầu hết đều kinh doanh đa ngành nên khó có thống kê tin cậy về triển vọng cũng như mức tăng trưởng của từng ngành. Tuy vậy, những ngành, nghề có phản ứng tốt với chính sách sẽ có lợi nhuận tốt hơn mặt bằng chung", ông Dũng nhận định.