Cổ phiếu ngân hàng và dầu khí lao dốc, VN-Index giảm gần 9 điểm

Cổ phiếu ngân hàng và dầu khí lao dốc, VN-Index giảm gần 9 điểm

(NDH) Thị trường ghi nhận đà tăng hiếm hoi của một số cổ phiếu lớn như BVH, KDC, LAS... Trong đó, BVH tiếp tục duy trì mức tăng 1.000 đồng lên 52.000 đồng/CP. KDC tăng 300 đồng lên 28.200 đồng/CP

Nỗ lực kéo thị trường hồi phục trong phiên giao dịch hôm qua đã gần như bị ‘tiêu tan’. Về cuối phiên giao dịch, lực bán tăng mạnh đã đẩy hàng loạt các cổ phiếu trụ cột trên thị trường giảm giá khá sâu. Trong đó, hai nhóm ngân hàng và dầu khí là tâm điểm kéo hai chỉ số sụt giảm mạnh.

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng ở phiên hôm nay, VCB và STB là hai mã có mức giảm mạnh nhất. Khép phiên giao dịch, VCB giảm tới 1.700 đồng xuống 41.400 đồng còn STB giảm 600 đồng xuống 10.800 đồng/CP và khớp lệnh gần 1,9 triệu đơn vị. Trong klhi đó mức giảm của CTG và BID là 300 – 400 đồng.

Ngày 4/12/2015, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2015/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng. Có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung, trong đó nổi bật nhất là việc mở rộng đối tượng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc so với quy định chung.

Diễn biến của các cổ phiếu dầu khí về cuối phiên giao dịch càng trở nên xấu hơn. Đà giảm của các mã như GAS, PVD, PVS, PVC… đã bị nới rộng đáng kể. Khép phiên giao dịch, GAS giảm 600 đồng xuống 38.700 đồng/CP. PVD giảm 1.000 đồng xuống 29.000 đồng/CP. Việc giá dầu thế giới tiếp tục đi theo chiều hướng tiêu cực khiến nhà đầu tư không kỳ vọng gì nhiều đối với nhóm cổ phiếu này.

Không dừng lại ở đó, đà giảm của thị trường còn lan rộng tới nhiều mã cổ phiếu lớn khác như VNM, FPT, VIC, MSN…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu bất động sản như FLC, HAR, HQC, ITA, KBC… cũng đều chìm trong sắc đỏ. FLC giảm 300 đồng xuống 7.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt gần 6,6 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, thị trường ghi nhận đà tăng hiếm hoi của một số cổ phiếu lớn như BVH, KDC, LAS... Trong đó, BVH tiếp tục duy trì mức tăng 1.000 đồng lên 52.000 đồng/CP. KDC tăng 300 đồng lên 28.200 đồng/CP.

Phiên hôm nay, thị trường tiếp tục có nhiêu giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn. Trong đó, GMD đã nâng lượng thỏa thuận lên thành hơn 2,15 triệu cổ phiếu, trị giá trên 87 tỷ đồng. MBB thỏa thuận 2 triệu cổ phiếu, trị giá 29,6 tỷ đồng. Các mã có lượng thỏa thuận lớn khác gồm HAH (1 triệu cổ phiếu), HNG (1,3 triệu cổ phiếu), PTC (1,5 triệu cổ phiếu), QBS (1 triệu cổ phiếu), TDH (2,43 triệu cổ phiếu), SPP (1,35 triệu cổ phiếu).

Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 8,95 điểm (-1,56%) xuống 565,2 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 165 mã giảm và 88 mã đứng giá. Tổng khối lượng gaio dịch đạt hơn 107,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị đạt hơn 1.850,3 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 409 tỷ đồng.

Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,54 điểm (-0,67%) xuống 79,6 điểm. Toàn sàn có 72 mã tăng, 118 mã giảm và 183 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 38,87 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch là hơn 425,3 tỷ đồng.


Cổ phiếu ngân hàng và dầu khí kéo thị trường giảm điểm

Về cuối phiên sáng, lực bán bất ngờ tăng mạnh trở lại đã đẩy nhiều cổ phiếu trong nhóm ngân hàng và đầu khí chìm trong sắc đỏ. Ở nhóm cổ phiếu dầu khí, diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới tiếp tục khiến các cổ phiếu như GAS, PVS, PVD, PXS, PVC… đồng loạt giảm giá. Trong đó, GAS giảm 300 đồng xuống 39.000 đồng/CP. PVD giảm mạnh 700 đồng xuống 29.300 đồng/CP. PVS giảm 600 đồng xuống 18.100 đồng/CP.

Trong khi đó, EIB và SHB là hai cổ phiếu ngân hàng hiếm hoi duy trì được mức giá tham chiếu, các mã như BID, CTG, VCB, STB, MBB và ACB đều đã giảm giá trở lại. Phiên sáng nay, STB giảm mạnh 400 đồng xuống 11.000 đồng/CP. VCB giảm 800 đồng xuống 42.300 đồng/CP.

Ở chiều ngược lại, thị trường vẫn nhận được lực đỡ khá tốt đến từ một vài mã trụ cột như BVH, VIC, KDC, LAS, PLC…, điều này đã phần nào giảm áp lực tới hai chỉ số VN-Index và HNX-Index. Khép phiên sáng, BVH tăng mạnh 2.00 đồng lên 53.000 đồng/CP. KDC tăng 300 đồng lên 28.200 đồng/CP.

Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng diễn ra ảm đạm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn HOSE và HNX chỉ đạthơn 1.100 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là trên 200 tỷ đồng. Mã GMD phiên sáng nay có thỏa thuận hơn 1,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 77,8 tỷ đồng. TDH và CEO thỏa thuận lần lượt 2,43 triệu cổ phiếu và 1 triệu cổ phiếu.

Mã HQC giảm nhẹ 100 đồng xuống 6.000 đồng/CP và dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HNX, đạt hơn 3,7 triệu đơn vị. Trên sàn HNX, vị trí dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh thuộc về mã TIG, đạt hơn 3 triệu đơn vị.

Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 2,34 điểm (-0,41%) xuống 571,81 điểm. Toàn sàn có 56 mã tăng, 120 mã giảm và 133 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,49 điểm (-0,61%) xuống 79,65 điểm. Toàn sàn có 58 mã tăng, 93 mã giảm và 222 mã đứng giá.


Tiếp nối đà hưng phấn từ phiên giao dịch trước, ngay đầu phiên giao dịch mới, BVH đã tăng mạnh 2.000 đồng lên 53.000 đồng/CP. và đang hỗ trợ rất lớn giúp chỉ số VN-Index tiếp tục nhích lên trên mốc tham chiếu.

Mặc dù vậy, động lực tăng điểm của thị trường không còn được mạnh mẽ như phiên trước đặc biệt là tâm lý nhà đầu tư có phần bị ảnh hưởng khi khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng trên cả hai sàn. Hiện tại, hàng loạt các cổ phiếu lớn như BID, VNM, VIC, VCB, CTG, SHB, VCG… đều chỉ đang giao dịch giằng co quanh mốc giá tham chiếu.

Chiều ngược lại, sắc đỏ đã quay trở lại với các mã như FPT, MSN, DBC… Hiện tại, FPT đang giảm nhẹ 100 đồng xuống 48.900 đồng/CP. MSN giảm 500 đồng xuống 71.500 đồng/CP.

Giá dầu ngày 8/12 giảm phiên thứ 3 liên tiếp, với giá dầu Brent giảm hơn 1% sau khi xuống thấp nhất trong gần 7 năm do lo ngại các nước sản xuất tiếp tục tăng sản lượng trong cuộc chiến giành thị phần. Thông tin trên tiếp tục là trở lại lớn nhất của nhóm dầu khí trong thời gian này. Hiện tại, các mã như PVD, PXS, PVS, PVC… đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, PVD giảm 200 đồng xuống 29.800 đồng/CP. PVS giảm 300 đồng xuống 18.400 đồng/CP.

Thị trường lúc này đã quay trở về trạng thái giao dịch cầm chừng sau khi bùng nổ trong phiên trước. Thanh khoản cả hai sàn đang ở mức khá thấp. Đáng chú ý, ngay từ đầu phiên giao dịch, TDH đã có thỏa thuận hơn 2,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 33,3 tỷ đồng.

Sau 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,42 điểm (-0,07%) xuống 573,73 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,5 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 169 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm đứng ở mức 79,83 điểm, tức giảm 0,31 điểm (-0,39%). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 64 tỷ đông.

Xét đến tâm lý giao dịch khá hứng khởi của nhà đầu tư, phiên tăng điểm vừa qua có thể mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư ưa thích mạo hiểm và lướt sóng. Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư theo dõi sát thị trường, nếu tiếp tục ấm lên và thanh khoản được duy trì tốt thì có thể cân nhắc mua bắt đáy một phần danh mục. Tuy nhiên, VCBS cho rằng nhịp hồi phục này sẽ khó cơ hội trở thành xu hướng tăng bền vững trong bối cảnh các thông tin trên thị trường tiếp tục ở mức kém tích cực và khối ngoại vẫn đang duy trì đà bán ròng trên thị trường.