Về cuối phiên sáng, lực bán có phần tăng mạnh hơn đã đẩy nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường giảm khá sâu. Trong đó, với những diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí trên thị trường như GAS, PVD, PVS, PVS… đã đồng loạt giảm. Khép phiên sáng, GAS giảm mạnh 800 đồng xuống 39.500 đồng/CP. PVD giảm 700 đồng xuống 30.200 đồng/CP. PVS giảm 600 đồng xuống 18.700 đồng/CP.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngân hàng trên thị trường như BID, VCB và STB cũng đều chìm trong sắc đỏ. Cụ thể, VCB giảm mạnh 1.100 đồng xuống 41.200 đồng/CP. BID giảm 100 đồng xuống 20.700 đồng/CP. STB giảm 300 đồng xuống còn 11.100 đồng/CP. Trong khi đó, ACB là cổ phiếu ngân hàng duy nhất còn duy trì được sắc xanh ở phiên sáng nay.
Ngoài ra, các cổ phiếu lớn khác như BVH, VNM, VIC, MSN… cũng đồng loạt giảm giá và gây nên áp lực lớn cho hai chỉ số.
Chiều ngược lại, một vài cổ phiếu như GMD, KDC, NTP, AAA, PVC, TCM… vẫn còn duy trì được sắc xanh. Trong đó, TCM bất ngờ bật tăng mạnh 900 đồng lên 31.000 đồng/CP. TNG tăng 400 đồng lên 20.200 đồng/CP. Được biết, đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam- EU vừa chính thức kết thúc tại Bruxelles (Bỉ) sẽ có thể tác động tích cực tới các cổ phiếu dệt may trên thị trường.
Trong khi đó, với việc bất ngờ được FTSE thêm vào danh mục đầu tư, BHS phiên sáng nay bứt phá với mức tăng 1.000 đồng lên 21.500 đồng/CP. Tương tự, SBT cũng tăng 200 đồng lên 18.700 đồng/CP. Đáng chú ý, mặc dù được thêm vào danh mục của FTSE nhưng NT2 phiên sáng nay bất ngờ giảm 300 đồng xuống 27.900 đồng/CP. HHS giảm 600 đồng xuống 15.300 đồng/CP sau khi tiếp tục ‘lỡ hẹn’ với FTSE.
Giao dịch trên thị trường trong phiên sáng tiếp tục diễn ra ảm đạm, tổng giá trị giao dịch trên cả hai sàn chỉ đạt hơn 860 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận là khoảng 80 tỷ đồng.
Chốt phiên sáng, chỉ số VN-Index giảm 3,91 điểm (-0,68%) xuống 567,71 điểm. Toàn sàn có 82 mã tăng, 84 mã giảm và 143 mã đứng giá.
Tương tự, chỉ số HNX-Index cũng giảm 0,17 điểm (-0,21%) xuống 79,97 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, mã tăng, 81 mã giảm và 238 mã đứng giá.
Thị trường bước vào phiên giao dịch của tuần mới với những diễn biến khá thận trọng. Đa số các cổ phiếu trụ cột trên thị trường đều chỉ đang giao dịch ở mức giá tham chiếu hoặc giảm giá nhẹ, điều này khiến cả hai chỉ số tiếp tục chìm trong sắc đỏ.
Trong đó, các mã như BID, BVH, CTG, VCB, VNM, KDC, MSN, VNM… đều đồng loạt giảm giá. Hiện tại, VNM đang giảm 1.000 đồng xuống 122.000 đồng/CP. BID giảm 200 đồng xuống 20.600 đồng/CP. BVH giảm 500 đồng xuống 49.000 đồng/CP. MSN đang giảm 500 đồng xuống 71.500 đồng/CP. Được biết, trong tuần giao dịch vừa qua, MSN đã bị khối ngoại trên HOSE bán ròng tới hơn 324,3 tỷ đồng và tính từ đầu tháng 10 tới nay, MSN bị bán ròng lên tới khoảng 1.000 tỷ đồng.
Các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVS, PVC… đều đã chìm trong sắc đỏ sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tuyên bố họ sẽ giữ nguyên chính sách sản lượng để bảo vệ thị phần. Trong phiên giao dịch ngày 4/12, giá dầu Brent đã giảm 1,8% xuống 43,05 USD, dầu WTI giảm 2,7% xuống 39,97 USD.
Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu NT2, SBT và BHS đều đã tăng giá sau khi được thêm vào danh mục của quỹ ETF FTSE. Đáng chú ý nhất là trường hợp của BHS, với việc bất ngờ được FTSE thêm vào danh mục kỳ này, BHS đang tăng mạnh 1.200 đồng lên 21.700 đồng/CP.
Trong khi đó, trước những kỳ vọng quá lớn từ nhiều CTCK và nhà đầu tư, nhưng HHS tiếp tục ‘lỡ hẹn’ với ETF nên mã này đang giảm 500 đồng xuống 15.400 đồng/CP.
AAA đang tăng mạnh 300 đồng lên 11.500 đồng/CP sau khi các lãnh đạo của công ty này tiếp tục đăng ký mua một lượng lớn cổ phiếu.
Sau khoảng 45 phút giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 2,67 điểm (-0,47%) xuống 568,95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 11,6 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 194 tỷ đồng.
Chỉ số HNX-Index cùng thời điểm giảm nhẹ 0,02 điểm (-0,03%) xuống 80,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 88 tỷ đồng.
Trong bối cảnh đón nhận không ít thông tin kém tích cực như kể trên, diễn biến thị trường cũng khó có thể khởi sắc. Thanh khoản cô đọng về mức thấp trong khi khối ngoại vẫn tiếp tục chuỗi bán ròng mạnh trên HOSE là những tín hiệu khá xấu khiến tâm lý thị trường càng trở nên thận trọng và e dè. Nhà đầu tư chưa tìm lại được động lực tham gia thị trường khi rủi ro vẫn đang hiện hữu ở mức đáng kể. VCBS duy trì dự báo xu hướng điều chỉnh nhiều khả năng vẫn là chủ đạo trong tuần giao dịch sắp tới. Duy trì vị thế tiền mặt tiếp tục được VCBS ưu tiên khuyến nghị với các nhà đầu tư vào lúc này.
>>> Xem thêm: VNM ETF có 2 tuần liên tiếp bị rút vốn, khối ngoại trên HOSE bán ròng 4 tuần liên tục