Mùa đại hội cổ đông năm nay tiếp tục nóng chuyện cổ tức, chuyện mua bán, sáp nhập, thay tên đổi chủ ngân hàng… Nhưng vấn đề nổi lên rõ nhất là: qua rồi thời đầu tư chụp giật vào cổ phiếu ngành này.
Ngân hàng không phải quán ăn!
Nếu muốn sáng mua, chiều có lãi thì chỉ có thể đầu tư vào các quán ăn! Đó là giải thích một cách cụ thể và "chân thực" nhất của một lãnh đạo ngân hàng trong buổi đại hội cổ đông (ĐHCĐ) năm nay cho vấn đề mà cổ đông bức xúc lâu nay: cổ tức!
Chẳng còn tâm huyết để mà đi "hiến kế" như những mùa đại hội cổ đông trước, các cổ đông đến dự đại hội năm nay chỉ mang tâm trạng hy vọng được chia cổ tức. Nghe sao có vẻ giống… đi xin, cho dù họ đã, đang phải bỏ tiền đầu tư mà không có bất cứ quyền quyết định nào ngoài quyền đến dự ĐHCĐ hàng năm. Đây là tình cảnh của các cổ đông nhỏ. Một số ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu (mà cổ phiếu đang ngày càng xuống giá và bị pha loãng). Nhiều ngân hàng không trả cổ tức vì giữ lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu, tăng tiềm lực của ngân hàng. Và một số khác thì không có lợi nhuận để trả cổ tức. Một điểm mới trong mùa chi trả cổ tức năm nay là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ xét duyệt mức chi trả cổ tức của từng ngân hàng. Đây là điều NHNN đã từng muốn làm từ nhiều năm trước - từ những năm mà cổ phiếu nói chung và cổ phiếu ngành ngân hàng còn rất nóng. Không còn là muốn, năm nay người đứng đầu ngành tỏ rõ uy lực của cơ quan quản lý nên dù muốn hay không các ngân hàng thương mại (NHTM) buộc phải tuân thủ. Nhưng NHNN lại chỉ mới xét duyệt mức chi trả, chứ không xét tại sao NHTM không chỉ trả cổ tức cho cổ đông.
Vì thế tiếp tục có nhiều ngân hàng triền miên không trả cổ tức như TPBank, SeaBank, nhưng điển hình nhất trong việc "khất" cổ tức là Techcombank. Từ năm 2011 đến nay ngân hàng này đã không trả cổ tức, dù vẫn hoạt động kinh doanh rất tốt. Thậm chí năm nay họ còn "nói thật" là việc không chia cổ tức dự kiến còn kéo dài thêm 3 - 5 năm nữa! Xin nhắc lại là năm 2011, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng thấp nhất cũng được 14%/năm, và giờ là khoảng 6 - 8%/năm, tùy từng ngân hàng. Ngược lại, hoành tráng nhất trong mùa ĐHCĐ năm nay có lẽ là BIDV, với mức trả cổ tức lên đến 10,2% - vượt cả con số mà ông Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà hứa với cổ đông năm trước (9%). Nhưng vấn đề là giá trị thực lĩnh của các cổ đông BIDV sẽ bị chia sẻ khi ngân hàng này sáp nhập với MHB theo tỷ lệ 1:1. Tất nhiên việc đưa ra tỷ lệ này đã được ban lãnh đạo BIDV cân nhắc trên nhiều yếu tố với những toan tính lâu dài trong tương lai. Nhưng quyết định này quả thực vẫn là sự "ngược đãi" với cổ đông, mà phần lớn chính là các cán bộ, nhân viên của BIDV. Không chỉ MHB, sau mùa ĐHCĐ năm nay sẽ có vài cái tên không còn tồn tại trên thị trường - điều đã được NHNN cảnh báo từ năm 2014. Chính vì thế các cổ đông khá lo lắng cho tương lai đồng tiền họ đang đầu tư vào ngân hàng. Liệu có hay không những trường hợp bị NHNN mua lại với giá 0 đồng như đã từng xảy ra với Ngân hàng Xây dựng? Hay nếu nhà đầu tư chiến lược rút vốn (theo yêu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành) thì ngân hàng của họ sẽ ra sao?
Tương lai nào cho các ngân hàng
Tương lai của những NHTMCP thuộc diện phải tái cơ cấu qua mua bán, sáp nhập (như Thống đốc Nguyễn Văn Bình tuyên bố là 6-8 ngân hàng) được định đoạt bởi NHNN, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2015. Dù muốn hay không các ngân hàng này sẽ phải chấp nhận sáp nhập với một ngân hàng, thường là những ngân hàng mà NHNN vẫn đang nắm quyền chi phối như BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Những ông lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh. Nhưng không hẳn đầu tư vào các ngân hàng này đã mang lại lợi ích lớn cho cổ đông. Vì ngoài việc kinh doanh họ còn phải tiên phong trong thực thi các chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN. Nếu cứ "làm chính sách" như vậy thì cổ đông khó có thể trông mong cổ tức cao. Trong khi đó, với khối NHTM tốp dưới có vẻ cơ hội cho nhà đầu tư vẫn hấp dẫn hơn.
10,2% là mức trả cổ tức "khủng" của Ngân hàng BIDV, cao hơn mức cam kết trước đó |
Tại sao nhiều năm Techcombank không chi trả cổ tức mà vẫn có nhiều cổ đông? Vì họ nhận thấy tương lai khả quan của ngân hàng này. Năm 2014, tổng tài sản của Techcombank đạt gần 176.000 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2013. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.417 tỷ đồng, tăng 61,4%. Năm nay ngân hàng này đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 7,4%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.000 tỷ đồng, tăng trưởng đến 49,2%. Lãnh đạo ngân hàng này nổi tiếng bởi nhiều quyết sách táo bạo nhưng không mạo hiểm. Họ lại có nhà đầu tư chiến lược nước ngoài khá vững chắc…
Hay như MB, ngân hàng này chưa có và cũng không có ý định mời nhà đầu tư chiến lược nước ngoài; không có danh tiếng nổi trội nhưng cũng không có tai tiếng gì. Họ cứ thủng thẳng tiến lên một cách vững chãi: năm 2014 có lợi nhuận trước thuế 3.174 tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt 3.150 tỷ đồng trong năm 2015 với tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Mục tiêu lọt vào tốp 5, chỉ đứng sau các NHTM nhà nước của MB là hoàn toàn có cơ sở. Ở nhóm thấp hơn, tương lai của VPBank có nhiều triển vọng với vị tổng giám đốc khá nổi tiếng Nguyễn Đức Vinh. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2014 đạt 1.609 tỷ đồng, năm 2015 dự kiến tăng lên 2.500 tỷ đồng. Họ tự đánh giá là chỉ đứng sau MB và Sacombank. Những cái tên xếp sau Sacombank có thể kể đến SeaBank, DongA bank, SHB, VIB… dù không được nổi trội nhưng họ tỏ ra khá vững vàng trước sóng gió trong thời gian qua. Nhà đầu tư cũng có thể tìm kiếm cơ hội ở những ngân hàng nhỏ nhưng "có võ" như Bắc Á, Maritime Bank, SCB, TPBank… Song, cho dù đầu tư vào ngân hàng nào thì đã đến lúc phải xác định: ngân hàng không phải là lĩnh vực ăn xổi ở thì. Cổ phiếu ngân hàng khó có thể trở lại vị thế blue chip như trước. Bỏ tiền vào đây nghĩa là phải chấp nhận đang đầu tư cho tương dài hạn.