Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, VN-Index lùi dần về 600 điểm

Cổ phiếu ngân hàng lao dốc, VN-Index lùi dần về 600 điểm

(NDH) Trong khi nhiều cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường như BMI, PVI, PTI… đã hồi phục trở lại, tuy nhiên, BVH tiếp tục bị bán rất mạnh trong phiên hôm nay. Khép phiên giao dịch, BVH giảm 2.900 đồng xuống còn 46.000 đồng/CP.

Tưởng chừng như những ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến việc đàm phám hiệp định TPP chỉ có thể xảy ra trong phiên giao dịch hôm qua, tuy nhiên, các dư âm của nó vẫn là cái cớ khiến thị trường tiếp tục sụt giảm mạnh ở phiên hôm nay. Một số cổ phiếu may mặc và thủy sản như TCM, HVG, KMR… vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Trong đó, TCM giảm 900 đồng xuống còn 36.500 đồng/CP, khớp lệnh 1,6 triệu đơn vị. HVG cũng giảm mạnh 700 đồng xuống 19.700 đồng/CP và khớp lệnh hơn 2 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, trong khi nhiều cổ phiếu bảo hiểm trên thị trường như BMI, PVI, PTI… đã hồi phục trở lại, tuy nhiên, BVH tiếp tục bị bán rất mạnh trong phiên hôm nay. Khép phiên giao dịch, BVH giảm 2.900 đồng xuống còn 46.000 đồng/CP.

Đáng chú ý nhất trong phiên hôm nay, một số cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG, ACB… đã sụt giảm mạnh. Trong đó, VCB giảm tới 1.900 đồng xuống còn 46.000 đồng/CP. BID giảm 1.200 đồng xuống 23.700 đồng/CP và khớp lệnh được hơn 3 triệu đơn vị.

Tương tự, cổ phiếu MSN phiên hôm nay cũng bất ngờ sụt giảm mạnh 4.500 đồng xuống 84.500 đồng/CP.

Chiều ngược lại, sắc xanh đã trở lại với nhiều cổ phiếu lớn khác trên thị trường như SSI, KDC, MBB, VGS… Trong đó, VGS tăng kịch trần nhờ những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm.

Giao dịch trên thị trường phiên hôm nay diễn ra ảm đạm, thanh khoản sụt giảm mạnh so với các phiên trước. SSI tăng 300 đồng lên 26.500 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 3,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, PVX giảm nhẹ 100 đồng xuống 3.600 đồng/CP và cũng khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.

Hết thời gian giao dịch, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 600,76 điểm, giảm 8,71 điểm (-1,43%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 83,580 triệu đơn vị, trị giá 1.642,59 tỷ đồng. Toàn sàn có 109 mã tăng, 98 mã giảm và 100 mã đứng giá.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 83,17 điểm, giảm 0,14 điểm (-0,17%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 39 triệu đơn vị, trị giá 469,78 tỷ đồng. Toàn sàn có 105 mã tăng, 70 mã giảm và 192 mã đứng giá.


Sau phiên lao dốc mạn hôm qua, thị trường phiên sáng nay giao dịch rất thận trọng, thanh khoản hai sàn sụt giảm mạnh so với phiên sáng hôm trước. Dòng tiền trong phiên sáng đa phần tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, FLC đứng giá tham chiếu và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, nhưng cũng chỉ đạt hơn 2 triệu đơn vị. Tương tự, PVX giảm 100 đồng xuống 3.600 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 2,2 triệu đơn vị.

Phiên sáng nay, hai cổ phiếu MSN và BVH đã giảm giá rất mạnh và tạo áp lực lớn đẩy chỉ số VN-Index xuống dưới mốc tham chiếu. Trong đó, BVH giảm 2.100 đồng xuống 46.800 đồng/CP. MSN giảm 4.000 đồng/CP xuống 85.000 đồng/CP.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ TPP như TCM, HVG, TNG, KMR… vẫn tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Khép phiên sáng, TCM giảm 1.000 đồng xuống 36.400 đồng/CP. HVG giảm 500 đồng xuống 19.900 đồng/CP và khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, một số cổ phiếu lớn khác trên thị trường như SSI, KDC, MBB, DPM, SHB, VGS… đã đồng loạt tăng giá. Trong đó, VGS đã được kéo lên mức giá trần. Được biết, VGS đã công bố BCTC hợp nhất quý II/2015, với doanh thu thuần đạt hơn 892,5 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý II của VGS đạt hơn 15,4 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 606,46 điểm, giảm 3,01 điểm (-0,49%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 38,94 triệu đơn vị, trị giá 748,77 tỷ đồng. Toàn sàn có 85 mã tăng, 85 mã giảm và 137 mã đứng giá.

Trong khi đó, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 83,43 điểm, tăng 0,12 điểm (0,14%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 20,16 triệu đơn vị, trị giá 239,45 tỷ đồng. Toàn sàn có 79 mã tăng, 71 mã giảm và 217 mã đứng giá.


Thị trường trước phiên giao dịch mới đón nhận thông tin giá dầu phiên 3/8 giảm 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2015, với giá dầu Brent xuống dưới 50 USD/thùng, khi số liệu sản xuất đáng thất vọng của Trung Quốc khiến giá các loại hàng hóa tiếp tục lao dốc.

Thông tin trên được cho là sẽ có phần ảnh hưởng tiêu cực tới dòng cổ phiếu dầu khí trên thị trường. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian đầu của phiên giao dịch, các cổ phiếu dầu khí trên thị trường chưa có dấu hiệu tiêu cực, một số mã như GAS, PGS, PVC… đang giao dịch ở mức giá tham chiếu.

Đáng chú ý, sau phiên bị bán tháo hôm qua, các cổ phiếu được cho là hưởng lời từ TPP như TCM, HVG, KMR…vẫn tiếp tục giảm giá, tuy nhiên, mức giảm đã suy yếu đi đáng kể. Trong đó, TCM đang giảm 500 đồng xuống 36.900 đồng/CP. HVG giảm 500 đồng xuống 19.900 đồng/CP. Được biết, đàm phán TPP cấp bộ trưởng tiếp theo dự kiến diễn ra từ ngày 22-25/8 trùng thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN.

Diễn biến tương tự cũng đang xảy ra ở nhóm cổ phiếu bảo hiểm. Hiện tại, các mã như BVH, BIC, PTI… vẫn tiếp tục giảm giá, tuy nhiên đà giảm cũng không quá mạnh. BCH đang giảm 1.100 đồng xuống 47.800 đồng/CP. Trong khi đó, một số cổ phiếu bảo hiểm khác là BMI, PVI… đã tăng giá trở lại.

Hiện giờ, khá nhiều cổ phiếu lớn trên sàn HOSE như CTG, KDC, MBB, SSI… đã nhích lên trên mốc tham chiếu. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục giảm điểm do nhiều cổ phiếu lớn khác là VCB, VIC, MSN, BID… đã lùi xuống dưới mốc tham chiếu.

Đến 09:41, chỉ số VN-Index đứng ở mức 607,85 điểm, giảm 1,62 điểm (-0,27%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 10,8 triệu đơn vị, trị giá 197 tỷ đồng.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 83,56 điểm, tăng 0,24 điểm (0,29%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,75 triệu đơn vị, trị giá 41,84 tỷ đồng.

Trong ngắn hạn, VCBS tiếp tục cho rằng áp lực bán sẽ còn hiện hữu trên thị trường trong các phiên tiếp theo của tuần khi những động lực tăng trưởng mới của hai chỉ số chưa xuất hiện. Theo đó, xu hướng giảm ngắn hạn của thị trường hình thành, nhà đầu tư nên hạ tỷ trọng danh mục về mức thấp và cần ưu tiên mục tiêu bảo toàn vốn.