Dấu ấn thanh khoản
Thanh khoản thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch hàng ngày là chỉ báo quan trọng nhất của thị trường. Đó là mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới các cơ hội. Khi cảm nhận cơ hội xuất hiện, nhà đầu tư sẽ tăng đầu tư và ngược lại. Thanh khoản co dãn hàng ngày nhưng một mức giao dịch nổi bật chắc chắn là dấu hiệu đáng chú ý.
Tuần qua thị trường đã có được sự chú ý như vậy. Nếu xét riêng các giao dịch khớp lệnh, thị trường đạt 11.754,6 tỷ đồng qua 5 phiên, tăng 21% so với tuần chạm đáy. Quy mô khớp trung bình phiên như vậy đạt khoảng 2.351 tỷ đồng.
Nếu tính cả thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch hai sàn là 12.699,4 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 2.540 tỷ đồng/phiên. Kể từ khi thị trường tạo đỉnh vào tháng 3/2015, chưa tuần nào thanh khoản đạt quy mô lớn như vậy.
Mức tăng giao dich này là cực kỳ đáng chú ý, nhất là khi Thông tư 36 bắt đầu có hiệu lực và được cho là sẽ làm giới hạn năng lực vay vốn của nhà đầu tư. Do suốt thời gian kể từ khi Thông tư này bắt đầu áp dụng, thị trường không có được một đợt tăng nóng nào đáng kể để ước đoán lượng đòn bẩy tài chính. Nếu như đợt tăng hiện tại tiếp tục đẩy được thanh khoản lên cao hơn, rất có thể thị trường sẽ có thêm niềm tin rằng Thông tư 36 sẽ không có tác động quá tiêu cực.
Cùng với dấn ấn nổi bật của thanh khoản, thị trường cũng chứng kiến một nhịp tăng liên tục của VN-Index dài nhất kể từ khi chỉ số này đạt đỉnh cuối tháng 8 năm ngoái.VN-Index đã có hai tuần liên tục tăng điểm mà không có nhịp điều chỉnh xen kẽ, thậm chí là không có lấy một phiên điều chỉnh giảm thực sự. Chỉ có phiên cuối tuần rồi, chỉ số mới chính thức quay đầu ở mức độ đáng chú ý.
Thị trường đã có một đợt phục hồi cực dốc, thậm chí hình chữ V – một dạng phục hồi mang tính đảo ngược trạng thái, từ cực kỳ bi quan sang cực kỳ lạc quan. Rất hiếm khi giao dịch đảo trạng thái đột ngột như vậy mà lần gần đây nhất chỉ thấy được ở sự kiện biển Đông hồi tháng 5/2014.
Kể cả trong thời điểm tháng 5 đó, thị trường cũng không có được mức độ gia tăng thanh khoản đột biến như hiện tại. Điều đó thể hiện rằng dòng tiền thường trực trong thị trường là tương đối lớn. Điều còn thiếu chính là một lý do nào đó để dòng tiền này chấp nhận mạo hiểm. Liên tiếp những thông tin hỗ trợ được tung ra hai tuần nay như việc ký các hiệp định thương mại tự do, khả năng mở room, đã giúp nhà đầu tư tự tin hơn.
10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HSX trong tuần | |||||||
Mã CK | Giá đóng cửa ngày 10/4 | Giá đóng cửa ngày 3/4 | Mức giảm (%) | Mã CK | Giá đóng cửa ngày 10/4 | Giá đóng cửa ngày 3/4 | Mức tăng (%) |
CIG | 1.8 | 2.2 | -18.18 | GTT | 2.3 | 1.8 | 27.78 |
SC5 | 23 | 27.8 | -17.27 | KTB | 3.8 | 3.1 | 22.58 |
ST8 | 22.5 | 27 | -16.67 | ITD | 16.8 | 13.9 | 20.86 |
PTB | 50.5 | 59.5 | -15.13 | NVT | 4.1 | 3.5 | 17.14 |
C47 | 13 | 14.9 | -12.75 | PNC | 12.8 | 11 | 16.36 |
VCF | 188 | 214 | -12.15 | PTL | 2.2 | 1.9 | 15.79 |
TCO | 10.2 | 11.2 | -8.93 | VMD | 27.6 | 23.9 | 15.48 |
TYA | 9.8 | 10.7 | -8.41 | DCL | 38.7 | 33.8 | 14.5 |
DQC | 54.5 | 59 | -7.63 | PXL | 3.4 | 3 | 13.33 |
PTC | 10.1 | 10.9 | -7.34 | NAV | 7.7 | 6.8 | 13.24 |
10 cổ phiếu biến động tăng/giảm lớn nhất trên HNX trong tuần | |||||||
Mã CK | Giá đóng cửa ngày 10/4 | Giá đóng cửa ngày 3/4 | Mức giảm (%) | Mã CK | Giá đóng cửa ngày 10/4 | Giá đóng cửa ngày 3/4 | Mức tăng (%) |
OCH | 18 | 24.6 | -26.83 | SHN | 10.3 | 7.2 | 43.06 |
MIM | 6 | 7.7 | -22.08 | HHG | 9.9 | 7.6 | 30.26 |
CCM | 11.2 | 13.6 | -17.65 | AMV | 3.9 | 3.1 | 25.81 |
BVG | 1 | 1.2 | -16.67 | ASA | 4.1 | 3.3 | 24.24 |
C92 | 9.6 | 11.5 | -16.52 | TH1 | 22.2 | 17.9 | 24.02 |
HDA | 8.9 | 10.6 | -16.04 | DC2 | 3.5 | 2.9 | 20.69 |
LAS | 28 | 33.3 | -15.92 | PGT | 7.2 | 6 | 20 |
SDC | 15.4 | 17.9 | -13.97 | ACB | 19.3 | 16.1 | 19.88 |
HCT | 10.5 | 12 | -12.5 | PPG | 2 | 1.7 | 17.65 |
SRB | 2.2 | 2.5 | -12 | L44 | 6.8 | 5.8 | 17.24 |
Ngân hàng - cổ phiếu nóng nhất
Thị trường tuần qua có khá nhiều cổ phiếu tăng nóng, thậm chí là kịch trần liên tục, nhưng phần lớn đó là những mã được đầu cơ giá lên kiểu khống chế thanh khoản. Các blue-chips quy mô lớn hơn nên không lực lượng thị trường nào áp dụng nổi cách thức đầu cơ đó. Chính vì vậy việc các blue-chips như những cổ phiếu ngân hàng tăng giá rất tốt càng là điều hiếm hoi.
Có thể nói hai tuần thị trường bùng nổ kể từ đáy chính là hai tuần của các cổ phiếu ngân hàng. Dĩ nhiên có sự góp sức phần nào ở những mã lớn thuộc nhóm dầu khí, chứng khoán, nhưng bền nhất và mạnh nhất thì chỉ có các cổ phiếu ngân hàng.
Chẳng hạn, trong tuần đầu tiên thị trường tạo đáy, nhóm cổ phiếu dầu khí niêm yết ở hai sàn tăng trung bình 5,4%, ngân hàng tăng 5,1%. Sang đến tuần này, cổ phiếu dầu khí đã đuối sức rõ rệt, quay đầu giảm trung bình 1,3%, trong khi các mã ngân hàng tiếp tục tăng thêm 6,9% nữa.
Rất hiếm khi các cổ phiếu ngân hàng có được những ngày tăng mạnh như vậy. Động lực cầu có phải là những yếu tố hỗ trợ mang tính cơ bản chứ không chỉ là việc đầu cơ thuần túy.
Thông tin hỗ trợ đầu tiên đối với nhóm này vẫn là khả năng mở room. Cổ phiếu ngân hàng cũng là những mã được hưởng lợi nếu như nhà đầu tư nước ngoài được tăng sở hữu.
Điểm thứ hai là khi câu chuyện mua bán, sáp nhập nhạt dần đi thì triển vọng tăng trưởng kinh tế đang giúp cho cơ hội kinh doanh tốt của các ngân hàng. Thông tin mới nhất về mức tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm 2015 đã tăng cao, giúp khôi phục lòng tin. Tổng các khoản dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng đã tăng trưởng với mức ước tính 4,26% so với 1,11% cùng kỳ năm 2014, đạt mức tăng trưởng cao nhất 3 năm trong 5 tháng đầu năm 2015, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Mức cho vay tăng đồng nghĩa với việc dòng tín dụng được khơi thông. Điều này sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng. Thi trường đã phản ứng rất mạnh, chẳng hạn như EIB có một phiên kịch trần đầy bất ngờ, ACB có những ngày tăng với biên độ lớn chưa từng có trong nhiều tháng trở lại đây. Đặc biệt là thanh khoản, tuần này khối lượng giao dịch tại các cổ phiếu ngân hàng tăng gấp đôi tuần trước và ở mức cao nhất 16 tuần liên tục.
Cho đến phiên cuối tuần qua, các cổ phiếu ngân hàng có một ngày điều chỉnh và VN-Index có phiên sụt giảm rõ nhất kể từ hai tuần trước. Những cổ phiếu tạo sóng tăng chững lại thì sóng cũng hạ nhiệt, đó là điều hết sức bình thường. Thị trường đang nổi lên những lo ngại về khả năng điều chỉnh giảm.
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì không một xu thế tăng nào diễn ra liên tục mà không nghỉ. Chỉ có điều nhà đầu tư mong đợi thị trường điều chỉnh để làm gì, ngoài việc căn giá tốt để mua trở lại? Đợt tăng trưởng này của thị trường dựa trên những kỳ vọng của yếu tố cơ bản và động lực xuất phát từ các blue-chips cơ bản. Do vậy khi một nền tảng tốt đã được xây dựng thì cơ hội là rất cao.
Quy mô giao dịch toàn thị trường 2 tuần vừa qua | |||
Ngày | Tổng giá trị khớp lệnh (tỉ đồng) | Tổng giá trị Nước ngoài mua (tỉ đồng) | Tổng giá trị Nước ngoài bán (tỉ đồng) |
18.5.2015 | 1,753.0 | 206.1 | 164.2 |
19.5.2015 | 1,516.6 | 219.2 | 83.2 |
20.5.2015 | 2,197.2 | 163.9 | 101.5 |
21.5.2015 | 2,013.6 | 151.1 | 79.7 |
22.5.2015 | 2,243.0 | 236.9 | 101.2 |
25.5.2015 | 1,995.9 | 115.5 | 64.6 |
26.5.2015 | 2,564.8 | 282.4 | 86.2 |
27.5.2015 | 2,126.6 | 156.8 | 79.3 |
28.5.2015 | 2,771.6 | 148.9 | 106.5 |
29.5.2015 | 2,295.7 | 218.8 | 204.1 |