Cổ phiếu ngân hàng đang trở lại  để dẫn dắt thị trường?

Cổ phiếu ngân hàng đang trở lại để dẫn dắt thị trường?

(NDH) Một điều dễ nhận thấy trong phiên tăng điểm trên diện rộng ngày 8/9 là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh và tạo hiệu ứng lan tỏa ra cả thị trường chung.

Cũng không khó để nhận thấy BID chính là cổ phiếu đã kích hoạt đà tăng của cổ phiếu của khối ngân hàng. Cổ phiếu này đã tăng ngay từ đầu phiên và lên hết biên độ cho phép vào cuối phiên. BID đóng cửa tăng 1.600 đồng lên 25.400 đồng.

Trong một phiên giao dịch thiếu vắng những thông tin vĩ mô, việc BID được mua vào mạnh, đặc biệt là từ khối nhà đầu tư nước ngoài, đã kích thích các mã ngân hàng khác. Và với tỷ trọng khoảng 30% trong chỉ số VN-Index hiện nay, ngành ngân hàng hiện đang thực sự dẫn dắt thị trường chung.

Động thái mua vào của nhà đầu tư nước ngoài đối với BID trong phiên này khá rõ rệt. Trong số 4,3 triệu cổ phiếu BID được khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài mua tới 1,3 triệu cổ phiếu.

Điều gì đang hỗ trợ cho BID, và theo đó là ngành ngân hàng và thị trường chung?

Cuối tuần trước, nhà quản lý quỹ FTSE đã công bố danh mục điều chỉnh cho kỳ rà soát quý III/2015, theo đó đưa BID vào danh mục FTSE Vietnam All-Share Index và danh mục FTSE Vietnam Index sau khi BID thỏa mãn điều kiện freefloat (cổ phiếu sẵn sàng giao dịch) do sáp nhập với MHB. Với tỷ lệ freefloat 5%, FTSE VN dự kiến sẽ mua BID vào với tỷ lệ 3,8% danh mục tổng, tương đương với 13,9 triệu USD. BID sẽ là cổ phiếu có quy mô đứng thứ 10 trong số 19 cổ phiếu trong rổ ETF.

Quỹ FTSE VN sẽ tiến hành mua bán kể từ ngày 7/9 đến ngày 18/9 và danh mục mới chính thức có hiệu lực vào ngày 21/9.

Việc BID được đưa vào danh mục kỳ này gây bất ngờ hoàn toàn cho các nhà đầu tư và thị trường, và cũng là điểm thú vị của đợt cơ cấu danh mục của FTSE trong quý này.

Với lượng mua vào lớn, cổ phiếu BID dự kiến sẽ có diễn biến tích cực trong thời gian quỹ ETF mua vào, và thanh khoản dự kiến sẽ tăng mạnh cho đến ngày 18/9.

Hoạt động mua vào của ETF cũng sẽ làm giảm lượng cổ phiếu sẵn sàng giao dịch của BID đi 4%, qua đó giảm áp lực bán ra khi cổ phiếu MHB được phép giao dịch. Điều này không chỉ hỗ trợ cho BID mà còn tác động tích cực đến cổ phiếu của ngành cũng như thị trường chung.

Một thông tin nữa có thể cũng góp phần hỗ trợ giá cổ phiếu của BID là việc ngân hàng này ngày 8/9 cũng tổ chức một cuộc họp với giới phân tích (analyst meeting), trong đó công ty có thể sắp có những công bố quan trọng.

Ngoài BID, cổ phiếu ngành ngân hàng còn được hỗ trợ bởi cổ phiếu MBB khi có tin SCIC sẽ mua 40 triệu cổ phiếu phát hành mới của ngân hàng này.

MBB đóng cửa ngày 8/9 tăng 4,2% lên 15.000 đồng, với hơn 6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Ông Bùi Nguyên Khoa, chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá việc “2 cổ phiếu đó (BID và MBB) tăng mạnh đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa nên cổ phiếu ngân hàng mới tăng như vậy.”

Các cổ phiếu ngân hàng khác đều tăng, trong đó cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường VCB tăng 5,5% lên 44.400 đồng, CTG tăng 5,2% lên 20.400 đồng.

Diễn biến cổ phiếu một số ngân hàng ngày 8/9

Cổ phiếu ngân hàng đã tăng mạnh trước đó trong năm nay, trở thành điểm sáng dẫn dắt thị trường đi lên, nhưng mới đây đã điều chỉnh trở lại, nhất là sau mấy vụ rùm beng liên quan đến ngân hàng khiến tâm lý thị trường lung lay.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chỉ điều chỉnh trong ngắn hạn, và nhóm này vẫn có thể quay lại dẫn dắt thị trường.

Với quan điểm cá nhân, ông Bùi Nguyên Khoa cho rằng trong tình hình tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu như hiện tại, cổ phiếu ngân hàng vẫn là 1 kênh đầu tư tốt từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm sau.