Lực cầu bất ngờ tăng mạnh trở lại và giúp kéo nhiều cổ phiếu lớn lên trên mốc tham chiếu. Đáng chú ý, sau khi bị bán mạnh trong phiên sáng, các cổ phiếu ngân hàng như VCB, BID, CTG... bất ngờ bật tăng mạnh. Trong đó, VCB đang tăng 400 đồng lên 42.900 đồng/CP. CTG tăng 200 đồng lên 20.200 đồng/CP.
Bên cạnh đó, đà hồi phục cũng lan rộng tới các cổ phiếu lớn khác là SSI, VNM, BVH...
Tạm dừng phiên giao dịch buổi sáng, chỉ số VN-Index dừng lại ở mức 570,18 điểm, giảm 10,04 điểm (-1,73%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,2 triệu đơn vị, trị giá 1054 tỷ đồng. Toàn sàn có 51 mã tăng, 153 mã giảm và 106 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 78,86 điểm, giảm 0,74 điểm (-0,93%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 16,7 triệu đơn vị, trị giá 168,39 tỷ đồng. Toàn sàn có 32 mã tăng, 105 mã giảm và 229 mã đứng giá.
Phiên sáng nay, việc NHNN tăng tỷ giá với nới biên độ đã có những ảnh hưởng rất tiêu cực tới thị trường. Trong đó, tâm điểm của thị trường phiên sáng tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, các cổ phiếu như VCB, BID, CTG, MBB… đã đồng loạt giảm giá ngay từ đầu phiên và khiến tâm lý thị trường trở nên bất ổn. Khép phiên sáng, VCB mất 800 đồng xuống 41.700 đồng/CP. BID giảm 500 đồng xuống 21.500 đồng/CP. CTG giảm 500 đồng xuống 19.500 đồng/CP.
Trong khi đó, mặc dù được nhận định sẽ được hưởng lợi từ việc tăng tỷ giá của NHNN, nhưng do những diễn biến tiêu cực chung của thị trường cũng như việc giá dầu thế giới vẫn có nhiều bất ổn, nên các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVB… đã đồng loạt giảm. Đáng chú ý, GAS giảm mạnh tới 1.200 đồng xuống 48.300 đồng/CP. PVD cũng giảm 1.300 đồng xuống 36.800 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều cổ phiếu lớn khác trên thị trường là VIC, VNM, BVH, MSN… cũng đua nhau giảm giá. VIC giảm 1.000 đồng xuống 40.700 đồng/CP. BVH giảm mạnh 1.200 đồng xuống 48.300 đồng/CP.
Đáng chú ý, việc tăng tỷ giá của NHNN được cho là sẽ có ảnh hưởng tích cực tới một số nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may và công nghệ. Tuy nhiên, phiên sáng nay, các cổ phiếu thuộc nhóm này lại phân hóa khá mạnh. Một số mã như TCM, IDI, VHC, TNG… đã tăng giá khá tốt.
Ngay trong phiên sáng của ngày đầu tiên giao dịch trên HOSE, FIT đã giảm kịch sàn với dư bán giá sàn tới hơn 3,6 triệu đơn vị.
Giao dịch trên thị trường vẫn diễn ra khá chậm, thanh khoản hai sàn tiếp tục ở mức thấp. Trong đó, nhờ vào việc được cho là sẽ được thêm vào danh mục đầu tư của quỹ ETF nên CII tăng mạnh 400 đồng lên 26.500 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 5,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, dẫn đầu khối lương khớp lệnh trên sàn HNX là KLF, đạt 1,59 triệu đơn vị.
Phiên sáng nay, hai mã PDR và TTF có giao dịch thỏa thuận với khối lượng lớn, đạt lần lượt 2,32 triệu cổ phiếu (39,9 tỷ đồng) và 2,15 triệu cổ phiếu (36,3 tỷ đồng).
Trước phiên giao dịch, thị trường đón nhận thông tin NHNN tăng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ từ +/-2% lên +/- 3%. Thông tin trên được cho là sẽ tác động đến tâm lý nhà đầu tư khi dấy lên những lo ngại về dự trữ ngoại hối của Việt Nam và những vấn đề liên quan như “nhập khẩu” lạm phát, nợ quốc gia.
Đúng như những lo lại ở trên, thị trường mở cửa phiên giao dịch ‘ngập’ trong sắc đỏ. Các cổ phiếu ngân hàng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ những thông tin liên quan tới tỷ giá. Trong đó, VCB giảm mạnh 700 đồng xuống 41.800 đồng/CP. BID giảm 400 đồng xuống 21.600 đồng/CP. CTG giảm 400 đồng xuống 19.600 đồng/CP.
Trong khi đó, sau 2 phiên lao dốc, tương chừng như EIB hồi phục trở lại, tuy nhiên, ngay sau đó, cổ phiếu này đã giảm trở lại 100 đồng xuống 12.100 đồng/CP. Hôm qua, ông Phạm Hữu Phú, Tổng giám đốc Eximbank khẳng định rằng việc Eximbank bị NHNN kiểm soát đặc biệt chỉ là tin đồn không có căn cứ.
Đà giảm của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã lan rộng tới nhiều nhóm cổ phiếu khác trên thị trường. Các cổ phiếu như BVH, VIC, VNM, MSN… cũng đồng loạt giảm giá. BVH đang giảm 1.000 đồng xuống 48.500 đồng/CP. VNM giảm 1.000 đồng xuống 102.000 đồng/CP.
Đáng chú ý, với việc giá dầu thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, trong khi đó, thông tin tiêu cực ảnh hưởng mạnh tới thị trường trong thời gian gần đây cũng khiến các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVS, PVD, PXS… giảm giá. Trong đó, GAS đang giảm 900 đồng xuống 48.600 đồng/CP.
Chiều ngược lại, việc tăng tỷ giá có thể tác động tích cực tới các nhóm ngành xuất khẩu như thủy sản, dệt may... Hiện tại, các cổ phiếu như TCM, GMC, TNG, HVG... đã đồng loạt tăng giá.
Hôm nay, 179,2 triệu cổ phiếu FIT chính thức giao dịch tại sàn HOSE với giá tham chiếu trong phiên đầu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, FIT đang giao dịch ở mức giá 12.100 đồng/CP (sát giá sàn).
Trong khi đó, AAA đã tăng mạnh 800 đồng lên 13.600 đồng/CP nhờ vào thông tin Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT và hai Ủy viên HĐQT là Ông Nguyễn Lê Trung và Ông Phạm Hoàng Việt đã đăng ký mua tổng cộng 5 triệu cổ phiếu.
Đến 09:28, chỉ số VN-Index đứng ở mức 574,47 điểm, giảm 5,75 điểm (-0,99%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 10 triệu đơn vị, trị giá 140 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index đứng ở mức 79,28 điểm, giảm 0,32 điểm (-0,40%). Tổng khối lượng giao dịch đạt 3,4 triệu đơn vị, trị giá 32,4 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, VCBS cho rằng nhịp tăng một phiên của thị trường khá mong manh và phần nhiều mang tính chất kỹ thuật sau một phiên quá bán. Các thông tin trong nước chưa hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán đồng thời diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là Trung Quốc (giảm 6%), cũng chưa thuận lợi cho thị trường Việt Nam. Theo đó, VCBS tiếp tục đưa ra khuyến nghị hạ tỷ trọng về mức thấp đối với số đông nhà đầu tư, hành động bắt đáy vẫn khá mạo hiểm và chưa nên diễn ra.