Lâu nay vốn khá kín tiếng trên thị trường, hoạt động kinh doanh ít có đột biến, lại phải cạnh tranh với rất nhiều mã cổ phiếu giá rẻ khác trên thị trường thứ cấp, đợt IPO này của Licogi được dự báo sẽ gặp không hề dễ dàng. Quá trình cổ phần hóa Licogi có thể coi là "đoạn trường", bởi nó kéo dài tới 5 năm, do nhiều yếu tố, trong đó có việc vài lần đổi "mẹ" sau đó giải thế tập đoàn, Licogi lại trở thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng.
Lợi thế giảm dần
Licogi được biết tới là tổng thầu xây lắp và xử lý nền móng có bề dày lịch sử hơn 50 năm. Thế mạnh của tổng công ty này là xây lắp các công trình dân dụng, thủy điện, nhà máy… Theo một lãnh đạo của doanh nghiệp này, quá trình cổ phần hóa Licogi có thể coi là "đoạn trường", bởi nó kéo dài tới 5 năm, do nhiều yếu tố, trong đó có việc vài lần đổi "mẹ" (lúc thì trở thành công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam, sau đó giải thể tập đoàn, Licogi lại trở thành doanh nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng - PV). Hơn nữa, do có nhiều đơn vị thành viên (gần 15 doanh nghiệp), tài sản, dự án rải khắp cả nước nên quá trình định giá doanh nghiệp mất thời gian và kéo dài.
Nếu phân tích một cách đơn thuần, dựa chủ yếu vào các số liệu tài chính, cổ phiếu Licogi không hấp dẫn. Cụ thể, nếu tính vốn điều lệ là 900 tỷ đồng (sau cổ phần hóa), doanh thu và lợi nhuận của TCT trong ba năm qua không mấy khả quan. Theo đó, doanh thu TCT mẹ lần lượt đạt 2.709; 2.641; 1.544 tỷ đồng trong các năm 2011-2013 và 587 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2014; lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 58; 36; 17 và 5,4 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất đạt 4.462; 4.394 và 3.919 tỷ đồng cho 3 năm gần nhất, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 140, 121 và 87 tỷ đồng. Với số vốn điều lệ như trên, các chỉ số ROE, ROA của TCT đều thấp.
Một mối lo khác là nguồn việc của TCT đang cạn dần, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp khác. Trước đây, nguồn việc của Licogi rất nhiều, đến từ cơ chế chỉ định thầu các dự án có vốn nhà nước như thủy điện A Vương, Bản Chát, Đắc Nông, Lai Châu, Sơn La… Tuy nhiên, ba năm qua, doanh thu từ lĩnh vực xây lắp giảm mạnh do các dự án đến giai đoạn hoàn thành, phần việc ít đi. Các dự án thủy điện quy mô lớn, có vốn đầu tư nhà nước đang vào giai đoạn kết thúc và không có đầu tư mới. Doanh thu từ mảng xây lắp thủy điện của TCT đang giảm sút rõ rệt, trước đây chiếm 70% nay chỉ còn 30%. Trong khi đó, suốt thời gian qua, các dự án cơ sở hạ tầng khác mà Licogi có thể tham gia trên cả nước hầu như ít triển khai do chủ trương cắt giảm đầu tư công.
Mảng bất động sản vốn là một trong những lĩnh vực quan trọng của Licogi cũng đình trệ do thị trường đóng băng, mặc dù TCT đang sở hữu quỹ đất lớn, trong đó có nhiều dự án có vị trí đẹp như Khu đô thị Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai, Hà Nội) quy mô 35ha; Khu đô thị Hạ Long quy mô 63ha, Khu đô thị Yên Thanh (Quảng Ninh) 27,5ha… Licogi đã từng bị nhắc nhở về việc để các dự án chậm tiến độ triển khai và nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Trông chờ sự năng động của mô hình mới
Hai năm qua, với sự trợ giúp của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Licogi đã thực hiện tái cấu trúc lại hoạt động. Đây chính là chìa khóa có thể giúp TCT tạo ra sự hấp dẫn với nhà đầu tư, nếu tái cấu trúc thành công, doanh nghiệp có thể đổi hướng kịp thời. Một lãnh đạo của TCT chia sẻ, sau cổ phần hóa, Licogi xác định nền móng công trình là ngành nghề cốt lõi, TCT sẽ tập trung vào các công trình ngầm đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, ví dụ các tuyến metro tại TP.HCM hay tại Hà Nội. Trong lĩnh vực này, những doanh nghiệp mới hoạt động khó có thể cạnh tranh do đặc thù và yêu cầu cao về trình độ công nghệ, tay nghề, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, thi công và yêu cầu về tiến độ, chất lượng các dự án… Nếu tham gia được lĩnh vực này, đầu việc có thể tăng lên, nhất là khi Việt Nam đang hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm xã hội hóa việc đầu tư vào các dự án hạ tầng.
Licogi xác định thi công nền móng công trình sẽ là mảng kinh doanh cốt lõi sau cổ phần hóa |
Dẫu vậy, TCT này sẽ phải sắp xếp nhân sự, tổ chức thực hiện dự án hiệu quả hơn, nếu không biên lợi nhuận trong lĩnh vực xây lắp sẽ rất thấp (dao động dưới 5%), thậm chí nếu có nợ đọng có thể dẫn tới thua lỗ. Cho đến thời điểm này, theo công bố của TCT, ở nhiều dự án TCT còn bị nợ đọng, nợ khó đòi, thậm chí có trường hợp phải đưa ra tòa khiếu kiện để đòi nợ. So với các mảng việc trong lĩnh vực xây lắp khác, biên lợi nhuận của mảng thi công nền móng công trình cao hơn, vào khoảng 8%, do đó việc tập trung vào mảng này trong thời gian tới được nhìn nhận như một hướng đi khả quan của tổng công ty.
Một vấn đề khác Licogi phải cải thiện là khả năng phát triển dự án bất động sản. Thị trường bất động sản khởi sắc trở lại có thể đem lại các cơ hội kinh doanh tốt cho TCT, nhưng kiểu kinh doanh dễ dãi, tận dụng vốn của người mua trả tiền trước hiện không còn. Ngược lại, doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính để tạo ra các sản phẩm đủ điều kiện để bán hàng. Bên cạnh đó, do các dự án của Licogi đều chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước nên không có lợi thế chi phí đầu vào thấp. Lợi nhuận thu được, do đó khó có thể cao như trước đây. Theo thông tin từ Licogi, đến thời điểm này, tại dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (Hà Nội), tỷ lệ giải phóng mặt bằng mới đạt 80% và đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Với tiến độ này, nếu không tập trung quyết liệt, TCT khó có thể khởi công dự án nhà tái định cư trong năm nay để sớm có hàng bán ra thị trường vào năm 2016 và do vậy lợi nhuận khó có thể đạt kế hoạch đã đề ra.
Dẫu vậy, thị trường cũng kỳ vọng vào chuyển biến của Licogi khi TCT này nhiều khả năng sẽ tìm được nhà đầu tư chiến lược. Bên cạnh việc chào bán rộng rãi ra công chúng, Licogi thực hiện song song với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Theo đề án cổ phần hóa đã được phê duyệt, TCT sẽ bán 35% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Sau gần 2 năm hợp tác với Licogi trong các dự án bất động sản, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông đã đăng ký và cam kết mua 31,5 triệu cổ phần của Licogi. Nếu nhà đầu tư này quyết tâm đồng hành cùng TCT, có thể họ sẽ giúp thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hoạt động của doanh nghiệp.
Bản công bố thông tin của Licogi không đề cập rõ ràng và cụ thể tiến độ niêm yết cổ phiếu sau cổ phần hóa. Đây có lẽ là điểm trừ với đợt IPO này vì nhà đầu tư có thể e ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu sau IPO.