Bức tranh đa màu sắc
Đại đa số các DN trong ngành khoáng sản đang niêm yết trên 2 sàn giao dịch đều có vốn điều lệ (VĐL) nhỏ và vừa, cụ thể: chỉ có 1 DN có VĐL trên 500 tỷ (SQC 1.100 tỷ đồng), 12/30 DN có VĐL từ 200 đến 420 tỷ đồng, 11/30 DN có vốn từ 100 – 200 tỷ đồng và 6 DN có VĐL dưới 100 tỷ đồng. Trong đó nhiều DN có vốn từ 100 tỷ đồng đến hơn 200 tỷ đồng là do mới tăng vốn trong năm 2014 hoặc cuối năm 2013 (KHB, KSQ, CMI,…). Như vậy có thể thấy các DN khoáng sản niêm yết trên 2 SGDCK hầu hết có quy mô vừa và nhỏ.
Hiện có một số DN khoáng sản chuẩn bị bán đấu giá hay nộp hồ sơ niêm yết trên HNX. Như Tổng Công ty Khoáng sản VN – Vinacomin vốn điều lệ 2000 tỷ đang chuẩn bị bán đấu giá ra công chúng và sẽ lên sàn trong thời gian sắp tới (DN này là mẹ của khá nhiều các cty than đang niêm yết trên HNX). Hay CTCP Tập đoàn khoáng sản Á Cường (mã: ACM) đang xin niêm yết trên HNX có VĐL 510 tỷ đồng, nếu được chấp thuận niêm yết sẽ trở thành DN có vốn lớn thứ 2 trong ngành khoáng sản được niêm yết. Ngoài ra, CTCP Tư vấn dự án Quốc tế (KPF) hoạt động trong lĩnh vực khai thác cát xây dựng hạ tầng và xuất khẩu cát nước mặn có vốn điều lệ 156 tỷ đồng cũng đã nộp hồ sơ niêm yết 15,6 triệu CP lên HNX.
Nhìn vào kết quả kinh doanh năm 2014 có thể thấy bức tranh ngành khoáng sản chia thành hai gam màu sáng - tối rõ rệt. Theo báo cáo tài chính do các DN khoáng sản công bố, có 3/30 DN khoáng sản bị lỗ (CTA, SQC, LCM), có 6 DN có lãi không đáng kể (KHB, MIM, BGM, KSS, KTB, PTK).
Ở phía bên kia của bức tranh, có 13/30 DN có EPS lớn hơn 1000đ/cp, trong đó 3 DN có EPS lớn nhất là AMC, TC6 và KSB với EPS lần lượt là 3.339 đồng, 3.975 đồng và 5.376 đồng. Về giá cổ phiếu, tính đến hết ngày 17/04/2015 trong số các DN thống kê chỉ có 13/30 có giá trên mệnh giá (10.000đ) còn lại 17 DN đều có giá dưới 10.000đ/cp.
Ngoại trừ 3/30 DN lỗ năm 2014 và 6 DN lãi không đáng kể nêu trên, có nhiều cổ phiếu có mức EPS cao trong khi P/E lại khá thấp như: AMC (EPS 3.339đồng, P/E 7,19), CMI (EPS 2.716 đồng, P/E 5,3), HLC (1.531 đồng và 6,47) NBC (2.976 đồng và 5,17), TC6 (3.975 đồng và 3,55), TDN, THT, TVD, KSB (5.376 đồng và 5,95).
Lỗ vì nội lực yếu?
Trong số 30 DN được thống kê có 8/30 DN chuyên khai thác, chế biến và kinh doanh than và trước đây đều là công ty con của Vinacomin, có 1 DN chuyên khai thác chế biến sâu các sản phẩm từ quặng titan (SQC), một số DN có lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác các loại đá, cao lanh, kim loại quý hiếm, còn lại khoảng 15/30 DN kinh doanh trong nhiều ngành nghề bao gồm khai khoáng, xây dựng, thương mại và thậm chí cả dịch vụ như du lịch.
Như vậy có thể thấy có đến 50% số DN trong 30 DN đang thống kê có nhiều ngành nghề kinh doanh khác ngoài lĩnh vực khai khoáng (có một số DN cũng tính là trong ngành khoáng sản nhưng thực chất là mua bán các loại quặng, vật liệu và máy móc liên quan đến khai khoáng).
Việc phân tán trong kinh doanh có thể làm giảm rủi ro cho DN để tránh “để trứng vào 1 giỏ” nhưng lại có một vấn đề được đặt ra là DN sẽ không thể tập trung nguồn lực cho khai khoáng khi các lĩnh vực khác cũng mang lại nguồn thu.
Tổng giám đốc một DN khoáng sản đang niêm yết cho biết: “Cùng là khai thác khoáng sản nhưng có DN làm ăn bết bát vài năm liền không có doanh thu lại có DN phát triển tốt duy trì cổ tức cao cho NĐT. Thực trạng này do ngành khai khoáng khá đặc thù khi nó có nhiều rủi ro bên ngoài (chính sách, giá quặng, giá sản phẩm…), mặt khác nó lại đòi hỏi sự kiên trì, trường vốn. Sau khi thăm dò, đánh giá trữ lượng, xin xong giấy phép khai thác mỏ, nhiều DN khoáng sản hụt hơi về tài chính nên không đầu tư được dây chuyền chế biến và hạ tầng khai thác mỏ. Trong khi đó, quặng thô không được xuất nên không có nguồn thu. Ngành kinh doanh cốt lõi không mang lại doanh thu và lợi nhuận trong khi phải chịu sức ép từ cổ đông nên DN đành mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh khác và thua lỗ do đó không phải là lĩnh vực sở trường”.
Còn theo ông Nguyễn Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACM, từ khi cầm giấy phép khai thác đến khi bán sản phẩm thu tiền về là cả một câu chuyện dài đối với DN ngành khai khoáng.
Một loạt khó khăn bày ra trước mặt: các mỏ kim loại quý thường nằm ở địa thế hiểm trở, để khai thác được, việc làm hạ tầng (đường xá, điện nước, chỗ ở cho kỹ sư, công nhân...) vô cùng tốn kém. Gần đây để đảm bảo tài nguyên không bị thất thoát, bán rẻ, Chính phủ yêu cầu các DN khai khoáng phải đầu tư dây chuyền chế biến sâu, không được xuất quặng thô. Chủ trương đúng đắn này khiến DN phải đầu tư máy móc thiết bị, chứ không đơn giản “xúc lên” bán lấy tiền như trước.
Từ năm 2015, các DN phải tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ chứ không như trước đây chỉ nộp hồ sơ đăng ký thăm dò và xin khai thác. Theo ông Thanh, chỉ những DN có bề dày hoạt động, tiềm lực tài chính mạnh, đầu tư bài bản mới có thể trụ vững.
Rõ ràng các DN khai thác khoáng sản trên sàn niêm yết đang bị phân hóa mạnh mẽ. Nhà đầu tư đang “đãi cát tìm vàng” lựa chọn các CP khoáng sản làm ăn tốt, lợi nhuận đều để đầu tư chứ không đơn giản chạy theo sóng ngành như trước đấy.