Cổ phiếu dầu khí và BĐS bứt phá - Nhóm may mặc, thủy sản bị bán mạnh

(NDH) Tầm ảnh hưởng của TPP tới các cổ phiếu may mặc, thủy sản.... đã không còn. Các mã như TCM, TNG, HVG... đều đã giảm trở lại.

Phiên sáng nay, tác động của hiệp định TPP không còn diễn ra mạnh mẽ như phiên trước, nhiều cổ phiếu lớn trên thị trường như SSI, BID, CTG, VNM, ACB, SHB… đều đồng loạt giảm giá đã gây áp lực khá lớn lên chỉ số VN-Index và khiến chỉ số HNX-Index đảo chiều giảm trở lại.

Trong khi đó, các cổ phiếu may mặc và thủy sản như TCM, HVG, TNG, VHC, FMC… đều đồng loạt giảm trở lại sau một phiên giao dịch hưng phấn trước đó. TCM giảm 800 đồng xuống 38.300 đồng/CP. HVG giảm 300 đồng xuống 18.300 đồng/CP.

Mặc dù vậy trên thị trường vẫn còn nhiều nhóm cổ phiếu trụ cột bứt phá mạnh và góp phần giúp duy trì vững sắc xanh của chỉ số VN-Index. Đáng chú ý, nhờ vào sự tích cực của giá dầu thế giới, đà tăng của các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVS,... được duy trì rất vững. Khép phiên sáng, GAS tăng 1.600 đồng lên 47.900 đồng/CP. PVS tăng 1.500 đồng lên 37.500 đồng/CP. PVC tăng 900 đồng lên 21.100 đồng/CP.

Phiên sáng nay, thị trường chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhiều cổ phiếu thuộc nhóm BĐS. Trong đó, các mã như HQC, ITA, NVT... đã được kéo lên mức giá trần. KBC cũng đang tăng mạnh 300 đồng lên 13.900 đồng/CP. VIC tăng 400 đồng lên 42.500 đồng/CP. Việc các cổ phiếu BĐS bất ngờ bứt phá được cho là đến từ việc hiệp định TPP đạt được thỏa thuận. Cụ thể, khi hiệp định được ký kết và thông qua, hàng loạt các điều khoản vốn được xem là rào cản trước đây về thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như những nhà đầu tư bất động sản ngoại quốc sẽ trở nên thông thoáng hơn rất nhiều..

Về cuối phiên sáng, lực cầu ở nhóm bảo hiểm đã suy yếu đi đáng kể và khiến đà tăng của các mã như BVH, BMI, BIC… bị thu hẹp lại.

Giao dịch trong phiên sáng nay tiếp tục diễn ra sôi động, tổng giá trị giao dịch trên HOSE và HNX là hơn 1.950 tỷ đồng. Mã ITA vươn lên dẫn đầu khối lượng khớp lệnh sàn HOSE, đạt hơn 7,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, vị trí số 1 về khối lượng khớp lệnh trên HNX thuộc về PVS, đạt hơn 3,9 triệu đơn vị.

Kết thúc phiên sáng, chỉ số VN-Index tăng 1,68 điểm (0,29%) lên 582,97 điểm. Toàn sàn có 77 mã tăng, 127 mã giảm và 107 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 87,39 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị là trên 1.550 tỷ đồng.

Trái lại, chỉ số HNX-Index đã giảm 0,47 điểm (-0,58%) xuống 80 điểm. Toàn sàn có 46 mã tăng, 111 mã giảm và 212 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 32,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 402 tỷ đồng.


Tưởng chừng như việc đàm phán TPP đạt được thỏa thuận sẽ hỗ trợ các cổ phiếu may mặc, thủy sản, khu công nghiệp… tiếp tuc bứt phá, tuy nhiên, sáng tới phiên hôm nay, không được như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, các mã như TCM, HVG, TNG, FMC… đều đã đảo chiều giảm trở lại. Hiện giờ, TCM đang giảm 500 đồng xuống 38.600 đồng/CP. HVG giảm 100 đồng xuống 18.500 đồng/CP.

Trái lại, động lực tăng điểm chính của hai chỉ số VN-Index và HNX-Index lại đang đến từ các cổ phiếu trụ cột, đặc biệt là nhóm bảo hiểm và dầu khí. Trong đó, các cổ phiếu dòng bảo hiểm như BVH, BMI, BIC, PVI… vẫn tiếp tục bứt phá rất mạnh. Mã BVH đang tăng 2.500 đồng lên 53.500 đồng/CP. BMI cũng tăng 600 đồng lên 21.800 đồng/CP.

Bên cạnh đó, với những diễn biến tích cực từ giá dầu thế giới, các cổ phiếu dầu khí như GAS, PVD, PXS, PVC, PVS…cũng đang đua nhau tăng giá. PVC tăng 700 đồng lên 20.900 đồng/CP. GAS tăng 1.300 đồng lên 47.600 đồng/CP. PVD tăng 1.300 đồng lên 37.300 đồng/CP. Giá dầu phiên 6/10 lên cao nhất 5 tuần khi OPEC dự báo việc cắt giảm chi phí đầu tư sẽ làm giảm sản lượng và nguồn cung dầu toàn cầu. Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 11/2015 tăng 2,27 USD, tương đương 4,9%, lên 48,53 USD/thùng, cao nhất kể từ 31/8.

Một số cổ phiếu lớn khác như VCB, KDC, BID… cũng đang duy trì được đà tăng khá tốt.

Sau 30 phút giao dịch, CII tăng 600 đồng lên 23.900 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE, đạt hơn 1,3 triệu đơn vị. Được biết, CII đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường dự kiến tổ chức vào ngày 20/10/2015 tại thành phố Hồ Chí Minh. Tại đại hội, CII sẽ đề xuất tăng cổ tức lên 16%, chủ trương giảm mã ngành để được nới room 100%.

PVS tăng 600 đồng lên 22.200 đồng/CP và khớp lệnh mạnh nhất sàn HNX, đạt hơn 1,35 triệu đơn vị.

Chiều ngược lại, các mã như VNM, SSI, NT2, DPM, GMD… đã đảo chiều giảm trở lại và đang kìm hãm đà tăng của hai chỉ số.

Hiện giờ, chỉ số VN-Index đang tăng 2,25 điểm (0,39%) lên 583,54 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 20,6 triệu cổ phiếu, tương ứng gần 368 tỷ đồng.

Chỉ số HNX-Index cũng tăng 0,12 điểm (0,15%) lên 80,59 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 102 tỷ đồng.

VCBS cho rằng việc thanh khoản tăng mạnh kèm theo các thông tin hỗ trợ vào ngày hôm nay đã ủng hộ cho nhận định thị trường đang bước vào chu kỳ tăng trong ngắn hạn. Hiệu ứng tích cực từ hiệp định TPP được ký kết thành công cùng với kết quả kinh doanh Quý 3 của các doanh nghiệp dần được công bố sẽ là những động lực chủ đạo trong nhịp tăng này. Theo đó, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục với mục tiêu trọng tâm là các mã được hỗ trợ bởi những thông tin tích cực trên.

Sự kiện đáng chú ý ngày 7/10/2015

BII: Ngày GD 21.600.000 CP niêm yết bổ sung.

BFC: Ngày đầu tiên GD 47.640.000 CP của CTCP Phân bón Bình Điền trên HSX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 30.000 đồng/cổ phiếu.

DC4: Ngày GD không hưởng quyền trả cổ tức năm 2014 bằng tiền mặt (tỷ lệ 5%) và trả cổ phiếu thưởng (tỷ lệ 100:5).

LHC: Ngày GD 1.600.000 CP niêm yết bổ sung.

NAF: Ngày đầu tiên GD 30.000.000 CP của CTCP Nafood Group trên HSX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 23.000 đồng/cổ phiếu.

PMB: Ngày đầu tiên GD 12.000.000 CP của CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Bắc trên HNX, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên: 12.600 đồng/cổ phiếu.