Cổ phiếu dầu khí tăng trở lại, nhưng triển vọng chưa sáng sủa

Cổ phiếu dầu khí tăng trở lại, nhưng triển vọng chưa sáng sủa

(NDH) Cổ phiếu GAS đang tăng trở lại, còn cổ phiếu PVD và PVS có phiên tăng thứ hai liên tiếp, cho thấy cổ phiếu ngành dầu khí đang khởi sắc và dẫn dắt thị trường chung tăng trong phiên sáng ngày 26/8.

Cổ phiếu dầu khí “ăn theo” giá dầu

Hoạt động bắt đáy đã xuất hiện từ phiên trước, giúp cổ phiếu PVD đóng cửa tăng 2,3% lên 31.500 đồng, còn PVS tăng 4,4% lên 19.000 đồng, dù cổ phiếu GAS vẫn giảm 2,8% xuống 38.800 đồng.

Tuy nhiên, lực cầu đã mạnh lên trong phiên sáng 26/8 khi giá dầu thô trên thị trường thế giới đêm qua tăng trở lại. Theo số liệu của Reuters, giá dầu thô WTI chốt phiên ngày 25/8 tăng 1,07%, tức 3%, lên 39,31 USD/thùng, còn dầu Brent tăng 52 cent lên 43,21 USD/thùng.

Tâm lý cũng tích cực hơn khi trong phiên họp của thường trực Chính phủ về tình hình kinh tế vĩ mô chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ ngành thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư, trong đó có sản xuất và xuất khẩu dầu khí. Thủ tướng cũng khẳng định sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế cho năm nay bất chấp tình trạng xáo trộn trên thị trường thế giới hiện nay.

Cổ phiếu các công ty dầu khí không còn tăng lác đác như phiên trước, mà đồng loạt đi lên.

Lúc 10h45, cổ phiếu GAS tăng 4,9% lên 40.700 đồng, cổ phiếu PVD tăng 4,4% lên 32.900 đồng, cổ phiếu PVD tăng 2,1% lên 19.400 đồng. Các cổ phiếu khác trong ngành cũng tăng 2% trở lên.

Triển vọng chưa sáng sủa

Dù giá dầu thô tăng trở lại, nhưng vẫn đang gần mức thấp nhất kể từ đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu, nên theo một số công ty chứng khoán, triển vọng của các công ty trong ngành có vẻ vẫn còn nhiều khó khăn.

Theo nhận định mới đây của CTCK Rồng Việt (VDSC), giá dầu WTI có khả năng sẽ còn tiếp tục giảm nhẹ và duy trì trong khoảng 30-45 USD/thùng trong 4 tháng cuối năm do nhu cầu dầu thô quý IV thường thấp trong khi lượng cung vẫn đang gia tăng nhờ nguồn cung mới từ Iran và Angola.

VDSC cho rằng 2 công ty trong ngành là PVS và PVD dù có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tương đối khả quan, nhưng dự báo doanh thu và lợi nhuận sẽ kém đi trong 2 quý cuối năm.

Theo phân tích, PVD hiện đang neo giá cho thuê giàn các giàn PVD 1, 2, 3, 6 với giá dầu. Với giá dầu hiện tại, giá thuê giàn trung bình của PVD vào khoảng 120.000USD/ngày. Tuy nhiên, khi giá dầu Brent giảm về sát 30 USD/thùng, giá thuê giàn của PVD có thể giảm về mức đáy của nhiều năm qua, ở mức khoảng 100.000USD/ngày.

Do vậy, VDSC cho rằng thời gian khó khăn nhất của PVD có thể vẫn còn ở phía trước.

Với PVS, công ty chứng khoán này nhận định, nhờ một số công trình trên bờ như Nhiệt điện Sông Hậu, nhà máy loc dầu Nghi Sơn, nên triển vọng tăng trưởng ở mảng xây lắp (chiếm 56% doanh thu) của PVS là khá sáng sủa. Mảng FPSO (chiếm 6% doanh thu) của PVS cũng bị ảnh hưởng không nhiều bởi giá dầu như mảng dịch vụ tàu (chiếm 26% doanh thu).

VDSC đánh giá, là một doanh nghiệp chủ yếu cung cấp dịch vụ cho các giàn khoan có chủ đầu tư nước ngoài hoặc liên doanh, PVS sẽ đối mặt với ít rủi ro từ giá dầu thô hơn PVD.

Đối với GAS, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, ngoài việc bị ám ảnh bởi giá dầu, cổ phiếu của công ty này còn chịu áp lực do kế hoạch phát hành khoảng 19 triệu cổ phiếu ESOP tại giá thấp và do khả năng phải trả nợ EVN theo công thức tính giá khí mới từ quý III.

Đồng USD tăng mạnh so với VND cũng sẽ làm ảnh hưởng đến GAS. Theo báo cáo quản trị rủi ro về tỷ giá của công ty, khi đồng VND giảm giá 5% thì lợi nhuận trước thuế của GAS sẽ giảm đi 212 tỷ đồng (chiếm gần 1% lợi nhuận cả năm 2014).